Tha hóa về giá trị văn hóa truyền thống

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong văn xuôi của tống ngọc hân (Trang 63 - 66)

2.3. Nhân vật bị tha hóa

2.3.1. Tha hóa về giá trị văn hóa truyền thống

Văn hóa là lối sống, cách ứng xử của mỗi cá nhân với xã hội, với tự nhiên và với chính bản thân mình. Văn hóa được biểu hiện cụ thể ở mọi phương diện của đời sống xã hội: từ việc ăn, mặc, ở, giao tiếp, sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật ở mọi phạm vi, từ gia đình đến xã hội, trong mọi mối quan hệ, bạn bè, vợ chồng, con cái với cha mẹ, hàng xóm. Văn hóa truyền thống là những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc được tích lũy, kế thừa từ nhiều thế hệ. Văn hóa truyền thống góp phần định hình bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nên những chuẩn mực xã hội, hoàn thiện vẻ đẹp nhân cách của mỗi cá nhân. Thực trạng văn hóa truyền thống đang bị mai một được Tống Ngọc Hân thể hiện trên những trang viết của mình rất chân thực và độc đáo. Trong truyện Con trai người Xá Phó vì cái đói nghèo mà người phụ nữ trong bản đã bỏ nghề đan lát truyền thống, giờ đây “Những bàn tay tài hoa chỉ nhăm nhăm đốt rừng, trồng lúa đã dần quên nghề. Rừng càng ngày càng lùi xa, lùi cao. Đi rừng giờ nhọc nhoài lắm. Vì ruộng ven suối bị lũ cuốn về toàn đá to, cây lúa không có chỗ đứng. Người Nậm Sài phải đốt rừng, đưa cây lúa lên cao” [7, 63].

Đến với Hồn xưa lưu lạc là câu chuyện về văn hóa Mông nói riêng, văn hóa tộc người nói chung, đang đứng trước cơn cưỡng bức, xâm hại của văn hóa miền xuôi, văn hóa ngoại quốc. Có những báu vật, linh vật ban đầu người ta nhất quyết có chết cũng không bán, vậy mà rốt cục cũng đành chua chát nhìn chúng bị những tờ tiền rẻ mạt mang đi. “Cái chậu gỗ vốn của bà nội hắn. Nó vuông vức rộng chừng hai gang tay mỗi bề, được khoét bỏ lõi. Mỗi khi đổ nước nóng vào mùi tinh dầu gỗ thoang thoảng tỏa ra, thơm hắc”[4, 56]. Cái

chậu gỗ giờ đây là vật trao truyền từ mẹ chồng sang con dâu “Khi mẹ về làm về làm dâu, bà nội đã cho mẹ” [4, 56] đến lượt cháu dâu, là nơi mà đứa cháu dâu kí gửi “hồn xưa” của mình. Rồi cuộc sống khốn khó khiến “cái chậu rủa mặt ba đời đàn bà làm dâu họ Giàng”[4, 66] cũng bị bán đi và nhận về bằng tờ tiền hai trăm nghìn đỏ. Chuồng trâu với những văng, cột vuông vức bằng pơ mu bóng như sừng, đẹp nhất vùng. Cũng bán mới trả hết nợ. Và cuối cùng là cây khèn đại, thứ quý nhất trong các nhạc cụ người Mông. “Cây khèn gọi bạn tâm tình, gọi hồn gọi vía, dẫn dắt con người đi gặp tổ tiên, gặp gỡ thần linh. Không một kẻ nào có thể cưỡng lại thứ âm thanh kì ảo đầy ma lực thoát ra từ cây khèn ấy. Tiếng khèn dịu dàng, điêu luyện, bay bổng, ngân xa. Chim ngừng hót, suối ngừng chảy, mây ngừng trôi” [4, 74]. Vậy mà đến đường cùng, Hắn phải dứt ruột bán cây khèn ấy. Cuộc sống hiện đại đã dần thay thế cơm gạo nương, mèn mén được thay bằng “gói mì tôm, nước lon rỗng xanh đỏ” [4, 63]. Nương thảo quả thay dần ruộng bậc thang, và cuối cùng những thứ đồ cũ để lại từ đời cụ kị thoáng chốc bị mang ra khỏi không gian sinh thành, trú ngụ sau cuộc bán mua ngắn ngủi, cầu thang bằng gỗ trắc đen bóng, máng ngô, cối xay ngô bằng đá đục, chõ đồ mèn mén, cối giã gạo, cổ chày xanh mồ hôi người, thùng đập lúa, thùng gỗ chứa nước, thìa gỗ, mâm gỗ, ghế gỗ, mắc dao, lẹm lúa, cọc néo, lù cở, mí cở, thồ ngựa, máng ăn của lợn, gà, nhị, sáo và cốc đựng rượu đen nhẻm bằng ống hóp, ván khắc hình hoa văn cổ để in lên vải chàm, sừng trâu đựng rượu bóng nhoáng buộc bảy lần vải đỏ... Tất tần tật, trong nháy mắt, “Tằng đu đá (hết sạch)”[4, 65]. Khi những linh vật, báu vật biến mất khỏi không gian văn hóa tộc người thì nếp sống của sắc tộc bị xáo trộn. Những chậu, xô nhựa lớn nhỏ, đủ các màu, những cái thìa kim loại, những ghế đỏ, bát sứ, nồi nhôm… được mang về từ miền xuôi trở nên vô hồn, trơ khấc, ngượng nghịu như kẻ vào lạc nhà. Chua chát đắng nghẹn bao nhiêu trước những đặc sản văn hóa, những “hồn xưa” sắc tộc bị “lưu lạc”, “chảy máu”. Truyện ngắn Núi vỡ, Sênh mới mười lăm tuổi nhưng thích “cái thói ra ngắm vào vuốt, đi chải về chuốt làm duyên”[5, 158]. Đến các phong tục, tập quán trong bản Sênh cũng học đòi theo người thành phố “Nó bỏ áo

chàm, mặc áo phông. Bảo thế mới mát. Nó bỏ quần lanh, mặc quần bò. Bảo thế mới ấm. Nó bán áo chàm, bán cả thắt lưng, lấy tiền nhuộm tóc vàng hoe”[5, 158]. Rồi ánh điện thành phố với bao cảm dỗ về vật chất lẫn tinh thần đã thôi thúc Sênh bỏ bản làng, bỏ phong tục tập quán, bỏ cha mẹ về với nơi phồn hoa đô hội.

Cùng với việc khắc họa thành công số phận của những người phụ nữ dân tộc Giáy, Mầm đắng còn cảnh báo về những hệ quả tất yếu của một nền văn hóa lai căng, hỗn tạp được du nhập trong quá trình giao lưu, hội nhập, đồng thời buộc độc giả đối mặt với nhiều vấn đề phi lý, bất cập đang từng ngày, từng giờ hiện hữu và nảy sinh trước cơn lốc của cơ chế thị trường. Đó là tình trạng suy thoái, tha hóa, mai một những giá trị văn hóa truyền thống. Đó là vấn đề hiệu quả thực tế của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi cho người dân miền núi thay măng đắng truyền thống bằng măng đen “những trái măng mập mạp, đen trũi, có cái nặng cả yến... Trồng măng đen rất kinh tế”[4, 103]. Nhưng đằng sau câu chuyện xây nhà mới từ hai vụ măng đen là cả một kiếp đời bất hạnh của cô gái người Giáy. Cao hơn, đó là trạng thái cô độc, lạc loài của cá nhân trong cộng đồng xã hội.

Đói ăn đói mặc và đói chữ khiến những con người trong truyện Sình Ca

người rối như tơ vò, không bứt ra được tư tưởng lỗi thời, lầm lạc, vì thế, cuộc sống cứ rơi vào khoảng tối bể dâu đớn đau, lầm than, tình yêu và hạnh phúc mong manh, dễ vỡ. Hay nói cách khác, đói, nghèo, bệnh tật, kém hiểu biết cũng kéo theo sự tù đọng của ý thức. Điệu hát sình ca “là những câu hát đối đáp giao duyên, như kiểu ông bà cụ kị nhà ta ngày xưa hát xoan, hát ghẹo ấy” [7, 167] là tâm nguyện cả đời của ông Âu Chấn Dừn, còn bà Lang là người sưu tầm và chép lại để bảo tồn nét đẹp văn hóa cho dân tộc thì mọi người trong làng Cối lại cho là mê tín dị đoan “ Sình ca là gì? Nó có phải là một chiêu bài mê tín dị đoan đánh vào tâm thức người dân làng Cối vốn đang hoang mang vì cái tư tưởng “âm thịnh dương suy” hay không?”[7, 165].

Như vậy trong sáng tác của Tống Ngọc Hân có sự nới rộng về đề tài. Ngoài những đề tài quen thuộc như xóa đói giảm nghèo, thất học, nạn tảo hôn, tư tưởng cổ hủ, mê tín... của người dân vùng rẻo cao, chị còn cho chúng ta thấy sự vận động, chuyển dịch chưa triệt để của làng quê trước tác động của kinh tế thị trường. Cơn lốc đô thị hóa đến nông thôn ít nhiều phá vỡ, khuấy đảo lối sống, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc miền núi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong văn xuôi của tống ngọc hân (Trang 63 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)