Qua quá trình nghiên cứu thực tiễn về TCTC tại một số trường ĐHCL có nét tương đồng về vị thế và qui mô, Khoa Các KHLN đã đúc rút được những kinh nghiệm quý báu cho định hướng TCTC của Khoa
1.3.1.1. Kinh nghiệm của Khoa Quốc tế, ĐHQGHN
Khoa Quốc tế là đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo 100% kinh phí hoạt động, nhiệm vụ chính của Khoa là triển khai các CTĐT đại học và sau đại học, do đó nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là nguồn thu học phí do người học đóng góp. Mức thu học phí các CTĐT được xác định trên cơ sở: tổng thu đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo theo chuẩn đầu ra của đề án, theo
nguyên tắc lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận. Để thực hiện được việc tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động Khoa Quốc tế đã thực hiện các nhiệm vụ/hoạt động như sau:
a. Hoạt động đào tạo
- Triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo chất lượng, nâng cao chất lượng đầu ra và tăng khả năng có việc làm của người học, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong, ngoài nước. Trong đó, Khoa nâng cao chất lượng các CTĐT theo chuẩn quốc tế, đảm bảo đạt các chuẩn đầu vào, đầu ra đối với sinh viên và chuẩn đội ngũ giảng viên; đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới trong giảng dạy; tăng cường cơ sở vật chất, học liêu phục vụ đào tạo: tăng cường về chất lượng các phòng học chuẩn với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại phù hợp với đổi mới công nghệ giảng dạy trên cơ sở xác định chất lượng giáo dục là yêu cầu đáp ứng nhu cầu người học và xã hội, đồng thời là yêu cầu thiết yếu trong công tác quản lý và đào tạo của Khoa.
- Về trình độ và loại hình đào tạo: Phát triển, điều chỉnh và triển khai các CTĐT tiên tiến có tính liên ngành và có nhu cầu xã hội cao gồm 11 CTĐT cử nhân (như: Kinh doanh quốc tế; Kế toán, phân tích và kiểm toán; Hệ thống thông tin quản lý; Tin học và kĩ thuật máy tính; Phân tích dữ liệu, kỹ sư tự động hóa và tin học…), 5 CTĐT thạc sĩ (gồm: Quản trị tài chính; Ngân hàng, tài chính, bảo hiểm; Nghiên cứu và tác nghiệp Marketing; Quản trị kinh doanh; Quản lí thông tin).
- Về tuyển sinh và quy mô đào tạo: Khoa xác định các phương thức tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực người học và các hình thức phù hợp với xu thế thời đại và quốc tế để vừa tăng hợp lý quy mô đào tạo đồng thời đảm bảo chất lượng đầu ra và hội nhập quốc tế; đảm bảo nghiêm túc, công khai, minh bạch, công bằng xã hội trong tuyển sinh; thực hiện chế độ ưu tiên tuyển sinh đúng theo quy định của pháp luật.
Khoa đảm bảo đạt được quy mô đào tạo theo quy hoạch căn cứ vào nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ cấu ngành đào tạo, năng lực của đội ngũ giảng viên (cả về số lượng và chất lượng) và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ đào tạo; Đảm bảo các chỉ số: số sinh viên trên giảng viên không thấp hơn 15/1
(theo quy định của ĐHQGHN) và diện tích phòng học không thấp hơn 8m2/sinh viên (giữ được ít nhất chuẩn đang thực hiện nay).
b. Thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng
- Về đội ngũ giảng viên: Xây dựng các bộ môn mạnh với đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ cao về chuyên môn và ngoại ngữ. Bên cạnh các chuyên gia, giảng viên nước ngoài, Khoa còn mời các giảng viên của các đơn vị có uy tín trong và ngoài ĐHQGHN tham gia giảng dạy cho các CTĐT.
- Về cơ sở học liệu bao gồm: giáo trình, sách giáo khoa, sách tham khảo, tài liệu tra cứu bằng tiếng Anh và tiếng Việt được mua sắm đầy đủ theo yêu cầu của chuyên ngành đào tạo. Cơ sở học liệu này sẽ được cập nhật, bổ sung hàng năm.
- Về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy và học tập: Khoa Quốc tế đã có hợp đồng sử dụng dài hạn cơ sở vật chất của Làng sinh viên HACINCO với khu giảng đường gồm hiện đại được trang bị máy chiếu Projector, và 02 phòng máy tính (70 máy) có cấu hình cao, được kết nối mạng internet, ngoài ra các giảng đường tại toàn nhà G7, 144 Xuân Thủy cũng được trang bị đầy đủ phục vụ cho chương trình. Toàn bộ khu giảng đường và văn phòng làm việc được phủ sóng wifi, đảm bảo tốt các yêu cầu giảng dạy và học tập.
Tổ chức và thực hiện công tác tự đánh giá, đánh giá kiểm định các chương trình theo chuẩn khu vực và quốc tế.
c. Về hoạt động nghiên cứu khoa học
- Xây dựng 01-02 nhóm nghiên cứu liên ngành quản trị đại học trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với các đơn vị thành viên của ĐHQGHN cũng như với các đối tác, các nhà khoa học nước ngoài.
- Phát triển 01 trung tâm/nhóm nghiên cứu về công nghệ thông tin gắn liền với phòng thí nghiệm về Hệ thống thông tin.
- Hàng năm, 100% giảng viên là tiến sĩ trở lên và tối thiểu 70% giảng viên là thạc sĩ công bố ít nhất 01 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc tại các hội nghị khoa học trong và ngoài nước (trong số đó có trên 25% được công bố quốc tế); trên 80% giảng viên tham gia các đề tài khoa học - công nghệ, góp phần tăng các chỉ số xuất bản quốc tế.
- Hàng năm tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế chất lượng, có tầm ảnh hưởng thông qua phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN.
- Tiếp nhận, chuyển giao tri thức, công nghệ, đặc biệt là công nghệ đào tạo để thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo.
- Triển khai hợp tác quốc tế trong NCKH; thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và chuyển giao công nghệ đào tạo và nghiên cứu của các trường đại học nước ngoài có chất lượng và uy tín, góp phần đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH.
- Tổ chức tư vấn, cung cấp các dịch vụ về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và triển khai ứng dụng trong các lĩnh vực liên quan tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các doanh nghiệp, tổ chức, địa phương trong cả nước.
- Thu hút được nhiều nhà khoa học nước ngoài đến nghiên cứu và giảng dạy tại Trường.
d. Về hoạt động hợp tác quốc tế
- Thực hiện việc hợp tác và hội nhập quốc tế nhằm hỗ trợ công tác đào tạo và NCKH.
- Tìm kiếm đối tác là các tổ chức, cơ sở đào tạo có uy tín trên thế giới nhằm thực hiện công tác liên kết đào tạo và NCKH, đề xuất với ĐHQGHN.
- Lựa chọn, báo cáo và đề xuất với ĐHQGHN về hợp tác triển khai các chương trình, mô hình hợp tác phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội, chú trọng phương châm lấy thu bù chi.
- Xây dựng các dự án, đề án hợp tác phát triển nhằm đa dạng hóa mô hình, phạm vi hoạt động đào tạo và NCKH của Khoa Quốc tế.
e. Về tổ chức bộ máy, nhân sự
- Xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, chuyên nghiệp và hiệu quả.
- Chủ động thu hút và tuyển chọn nhân lực có phẩm chất tốt và trình độ cao; áp dụng cơ chế tiền lương linh hoạt để thu hút giảng viên, đặc biệt là đội ngũ giảng viên chất lượng cao.
- Cân đối thu chi tài chính để đảm bảo ổn định và tăng thu nhập theo tiến trình cải cách lương của Chính Phủ. Có cơ chế và nguồn lực để khuyến khích, đãi ngộ hợp lí với người tài, đây là một cách để chống “chảy máu chất xám” qua đó tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo. Tiền lương và thu nhập: Thực hiện chi trả tiền lương, phụ cấp lương theo quy định của Nhà nước; quyết định tổng mức thu nhập tăng thêm cho người lao động theo Quy chế CTNB của Khoa. Khoa tự xây dựng phương án phân phối thu nhập tăng thêm dựa trên năng lực và kết quả thực hiện công việc của người lao động. Đồng thời chỉnh sửa, bổ sung Quy chế CTNB trên tinh thần dân chủ, công khai.
- Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lí: Khoa được quyết định mức chi cho chuyên môn, chi quản lí cao hơn hoặc thấp hơn định mức chi do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành và được quy định trong Quy chế CTNB của Khoa. Các nội dung chi chưa có định mức chi theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì Khoa được chủ động xây dựng mức chi cho phù hợp theo Quy chế CTNB.
- Tăng tỉ trọng cơ cấu chi cho công tác phát triển đội ngũ giảng viên, công tác chuyên môn, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, cơ sở học liệu để đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo.
- Chuẩn bị nguồn lực tài chính để tái đầu tư và phát triển Khoa Quốc tế thành Trường Đại học Quốc tế.
- Đảm bảo một quỹ học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên có thành tích học tập cao, tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương.
- Tích cực huy động tổng thể các nguồn lực trong xã hội.
(Nguồn dữ liệu trích dẫn được thu thập từ:
- Nguồn Đề án cơ chế tự chủ của Khoa Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. - Thông tin đăng tải trên website http://www.is.vnu.edu.vn/)
1.3.1.2. Kinh nghiệm của Khoa Quản trị kinh doanh, ĐHQGHN
Khoa Quản trị và Kinh doanh (HSB) được thành lập ngày 13/7/1995, là một trong 12 đơn vị thành viên cấp trường trong mô hình ĐHQGHN, được ĐHQGHN
trao quyền tự chủ cao trong quản trị và quyền tự chủ hoàn toàn về tài chính. HSB đã thực hiện việc tự chủ như sau:
Thứ nhất: Tự chủ nguồn lực tài chính:
Một là: Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ
Trong thập kỉ đầu tiên HSB đã xây dựng và phát triển CTĐT Phát triển Nhà Quản trị quốc tế dành cho các Nhà Quản trị Việt Nam gọi tắt là IEDP bằng nguồn hỗ trợ tài chính từ Quỹ Freeman của Stowe, Vermont (một quĩ tài chính gia đình được thành lập bởi Houghton Freeman, nguyên Giám đốc điều hành của AIG, Inc. và vợ ông - bà Doreen.
ĐHQGHN đã cung cấp một mảnh đất tại khuôn viên ĐHQGHN cho HSB để xây dựng cơ sở vật chất của mình. HSB phải tự huy động tiền để xây dựng bằng việc huy động số tiền cần thiết từ cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam.
Hai là: Phát triển nguồn thu từ đào tạo ngắn hạn và tư vấn doanh nghiệp HSB đã sử dụng chiến lược thay vì ngay lập tức thiết lập hệ cử nhân hoặc chương trình MBA phụ thuộc vào việc thu học phí, HSB đã lựa chọn bắt đầu bằng việc cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn về các chủ đề có tính ứng dụng thực tiễn cụ thể dành cho các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, đó là các khóa đào tạo kỹ năng và kiến thức quản lý cập nhật để giúp họ đối mặt với những thách thức của toàn cầu hóa. Chỉ trong một vài năm, dòng tiền thu được từ các khóa học ngắn hạn đã giúp HSB có thể đưa ra một chương trình MBA, quan trọng hơn những khóa học ngắn hạn này cũng tỏ ra rất hữu dụng trong việc khắc phục những khó khăn về tuyển dụng, đào tạo và giữ chân giảng viên cũng như phát triển mạng lưới quan hệ sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp.
Ba là: Phát triển nguồn thu từ học phí đào tạo dài hạn
Ngay từ khi thiết kế và triển khai các CTĐT dài hạn, HSB đã xây dựng định mức thu tạo nguồn thu để duy trì và phát triển các hoạt động đào tạo, NCKH; trong đó tập trung vào nguồn thu học phí và lệ phí. Mức học phí của người học đã được tính toán và xây dựng cho từng nhóm đối tượng, nhóm học viên đặc biệt tùy vào
tình hình thực tế, tùy vào tình hình khó khăn trong từng khóa tuyển sinh phù hợp với xu thế phát triển kinh tế chung của xã hội và theo đề án được phê duyệt.
Bốn là tự chi trả lương và các khoản chi thường xuyên
Việc chi trả thu nhập cho người lao động được thực hiện theo nguyên tắc người nào có hiệu suất công tác cao, đóng góp nhiều cho việc tăng thu, tiết kiệm chi được trả nhiều hơn. Đối với những hoạt động dịch vụ có hạch toán chi phí riêng thì chi phí tiền lương, tiền công cho người lao động theo thỏa thuận để đảm bảo tính công bằng và phù hợp với thị trường lao động.
Các khoản chi thường xuyên, chi không thường xuyên, chi dịch vụ được cân đối từ nguồn thu của đơn vị đảm bảo nguyên tắc lấy thu bù chi.
Thứ hai: Tự chủ phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên
HSB chủ động tìm kiếm và thu hút đông đảo các khoa học và giảng viên xuất sắc là người Việt Nam và người nước ngoài hợp tác nghiên cứu và giảng dạy tại HSB với mức thù lao theo thỏa thuận trên cơ chế giá trị của thị trường lao động ngành GDĐH của khu vực và thế giới.
HSB tự chủ nguồn tài chính và sử dụng các giải pháp đào tạo nội bộ, cơ hội phát triển kỹ năng để thu hút và phát triển đội ngũ.
Thứ ba: Tự chủ đầu tư thiết kế và triển khai các CTĐT
HSB đã phát triển thành công các CTĐT cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ mang tính liên ngành, liên lĩnh vực, đang thu hút được sự chú ý và đánh giá cao của dư luận xã hội và người học, có thể kể đến các CTĐT cử nhân (Quản trị và an ninh; Quản trị doanh nghiệp và công nghệ; Marketing và truyền thông; Quản trị nhân lực và nhân tài); các CTĐT thạc sĩ (Quản trị kinh doanh (HSB-MBA) bằng tiếng Anh; Quản trị an ninh phi truyền thống (MNS); Khoa học quản trị kinh doanh; Quản trị công nghệ và phát triển doanh nghiệp) và CTĐT tiến sĩ (Quản trị và phát triển bền vững).
Thứ tư: Tự chủ đầu tư cho các NCKH
HSB huy động và tập trung nguồn lực để phát triển các nhóm NCKH và phát triển công nghệ từ thiết kế CTĐT liên ngành mới đến triển khai các đề tài nghiên cứu gắn đào tạo với ứng dụng thực tiễn.
- Nguồn Đề án cơ chế tự chủ của Khoa Quản trị kinh doanh, ĐHQGHN. - Thông tin đăng tải trên website https://hsb.edu.vn/)