Cơ cấu một số khoản chi của còn có phần chưa hợp lý: chi trả thu nhập cho cá nhân mới chỉ ở mức trung bình (Thu nhập trung bình năm 2018 là: 9,9triệu đồng/người; năm 2019 là: 10 triệu đồng/người; năm 2020 là: 9,3 triệu đồng/người) điều này tác động trực tiếp đến công tác thu hút đội ngũ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên trong khi đây là nguồn lực quan trọng cho việc phát triển CTĐT cũng như mở rộng qui mô đào tạo; Chi cho công tác chuyên môn nghiệp vụ chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu chi tiêu (trung bình khoảng 9,6%), nếu duy trì cơ cấu chi lâu dài sẽ tác động và chất lượng công tác giảng dạy của đơn vị. Để khắc phục những hạn chế này, đơn vị cần thực hiện cơ cấu lại một số khoản chi theo hướng như sau:
Một là, Chi thanh toán cá nhân: Rà soát lại bộ máy, sắp xếp cơ cấu hợp lý, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tránh việc cào bằng thu nhập bằng cách thực hiện triển khai thanh toán thu nhập cá nhân dựa trên khối lượng công việc, hiệu quả và mức độ hoàn thành công việc; Hình thành các nhóm công việc (như nhóm công việc triển khai đào tạo ngắn hạn; nhóm công việc NCKH…), các tổ công tác (tổ công tác xây dựng CTĐT; Biên soạn giáo trình, bài giảng….) để có chế độ chi trả thêm thu nhập tương ứng với đóng góp của các thành viên trong các nhóm này. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế đãi ngộ tốt (về cơ hội việc làm, thu nhập, giảng dạy, NCKH…) để thu hút đội ngũ giảng viên chất lượng cao, cán bộ khoa học có nhiều công bố, bài đăng trên các tạp chí uy tín trên thế giới.
Hai là, Quản lý chặt chẽ chi tiêu, rà soát, thực hiện tiết kiệm các khoản chi, đặc biệt là các nội dung chi hành chính, tăng chi đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị và phòng học.
Theo số liệu tại Bảng 3.4 có thể thấy trong cơ cấu chi thì các nội dung chi phí chung khác giai đoạn 2018-2020 là 1.752 triệu đồng (tương đương 9% tổng chi), trong khi chi cho sửa chữa mua sắm tài sản, trang thiết bị, công cụ dụng cụ chỉ là 86
triệu đồng (tương đương 0,5% tổng chi), điều này cho thấy chi phí chung (Chi phí chung khác (công tác phí, DV công cộng, vật tư, VPP, thông tin.…) chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong cơ cấu chi tiêu, trong khi chi cho trang bị cơ sở vật chất còn quá thấp, trong quá khứ (giai đoạn 2010-2015) Khoa thi thoảng được trang bị thiết bị văn phòng (máy tính, máy in, máy scan…) từ các dự án trang bị cơ sở vật chất của ĐHQGHN, tuy nhiên các trang thiết bị này đã cũ, hơn nữa còn không mang tính đồng bộ. Vì vậy, trong giai đoạn 2021-2025 để tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho việc mở rộng qui mô đào tạo (đây là một trong những điều kiện bắt buộc cho việc mở mới chương trình, tăng qui mô đào tạo), hướng tới đào tạo chất lượng cao, Khoa cần chú trọng hơn tới việc trang bị cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, tính tới các giải pháp mở rộng qui mô giảng đường, phòng học (như đề xuất tăng thêm phòng học, tìm kiếm đối tác trong và ngoài ĐHGHN có nguồn phòng học dồi dào để hợp tác đào tạo, tìm kiếm để thuê phòng học…)
Ba là, Xây dựng cân đối tài chính trong trung hạn, trong đó dự kiến cơ cấu chi cho chuyên môn nghiệp vụ ở mức phù hợp, đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển của đơn vị. Có thể thấy giai đoạn 2018-2020 chi hoạt động chuyên môn là 2,06 tỷ đồng (tương đương 9,6% tổng chi) là còn tương đối thấp trong cơ cấu chi của đơn vị, dự kiến giai đoạn 2021-2025, nội dung chi này sẽ chiếm 15,9% trong cơ cấu chi tiêu để có thể đảm bảo chất lượng và phù hợp với qui mô đào tạo ngày càng được mở rộng.
Bốn là, Tiếp tục huy động các nguồn tài trợ, viện trợ, các nguồn từ hoạt động hợp tác đào tạo để tăng cường cơ sở vật chất và nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài nguồn lực của đơn vị thì việc tranh thủ được sự ủng hộ, viện trợ, tài trợ từ các cá nhân, tổ chức, đơn vị trong và ngoài ĐHGHN sẽ hỗ trợ Khoa nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất. Khoa có thể tham khảo bài học từ Khoa Quản trị Kinh doanh, ĐHQGHN trong việc huy động nguồn tài trợ, viện trợ để xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất.