Hành vi trục lợi này xảy ra ở cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ.
- Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và nghiệp vụ bảo hiểm sức khoẻ và tai nạn con người (nghiệp vụ bổ trợ của bảo hiểm phi nhân thọ):
+ Người được bảo hiểm thông đồng với nhân viên khai thác bảo hiểm, nhân viên giám định bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người có liên quan như bác sĩ, cơ sở khám chữa bệnh ... để làm giả hồ sơ bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm: Cụ thể là thực tế người được bảo hiểm không nằm viện, không điều trị loại bệnh đã được quy định trong hợp đồng bảo hiểm nhưng trên thực tế vẫn có hóa đơn nằm viện, hóa đơn điều trị, hóa đơn mua thuốc với giá trị tiền điều trị rất lớn hoặc cung cấp thông tin, chứng từ không đúng sự thật về quá trình điều trị để yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm ...
+ Người được bảo hiểm được sự hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền liên quan cung cấp báo cáo tai nạn giả tạo... để khai báo và được hưởng quyền lợi bảo hiểm.
Dấu hiệu cảnh báo dễ nhận biết của hành vi trục lợi bảo hiểm này trong
lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ là số tiền bảo hiểm quá lớn so với vị thế xã hội của
người tử vong; hồ sơ yêu cầu bồi thường tử vong được chuẩn bị quá tốt, mọi thông tin chi tiết đều có chứng từ đi kèm. Chứng từ không được yêu cầu trước
hoặc công ty bảo hiểm không yêu cầu cũng được tự nguyện cung cấp ... - Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ:
+ Bên mua bảo hiểm đã sử dụng thủ đoạn đưa những tài sản cùng loại đã bị hư hỏng từ nơi khác đến nơi xảy ra tai nạn để chụp ảnh, lập biên bản, khám nghiệm hiện trường nhằm chứng minh tài sản bảo hiểm bị tổn thất, trong khi đó thật sự là không có tổn thất xảy ra, hoặc có tổn thất nhưng ít hơn so với tài sản hư hỏng bị thay thế. Hoặc tạo hiện trường giả giống như dấu hiệu của việc mất cắp tài sản như kho hàng bị phá khóa, bị cắt niêm phong hoặc thay đổi biển số xe đã mua bảo hiểm vào xe bị tai nạn nhưng chưa mua
bảo hiểm nhằm nhận được tiền bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm...
+ Cấu kết với cơ quan có liên quan để làm sai ngày xảy ra tai nạn, làm sai lệch hiện trường dẫn đến việc xác định lỗi, phân lỗi của các bên trong vụ tai nạn. Thông thường làm sai lệch hoặc đảo ngược về lỗi xảy ra tai nạn giữa các bên. Thay đổi người lái xe có giấy phép lái xe hợp lệ (tai nạn do lái xe không có bằng lái hoặc bằng lái không có hiệu lực); sửa chữa hiệu lực bằng lái (do hết hạn hoặc không phù hợp với loại xe được lái).
Dấu hiệu cảnh báo dễ nhận biết của hình thức trục lợi bảo hiểm này có thể kể ra như: Yêu cầu bồi thường được đưa ra ngay sau khi tăng hoặc thay đổi phạm vi bảo hiểm nhờ đó cho phép yêu cầu bồi thường; người được bảo hiểm thúc giục và dứt khoát yêu cầu giải quyết nhanh và thể hiện hiểu biết quá rõ về phạm vi bảo hiểm và quy trình giải quyết bồi thường, đặc biệt trong trường hợp yêu cầu bồi thường không được lập đầy đủ; trong trường hợp mất trộm, yêu cầu bồi thường cho tài sản đồ sộ một cách khác thường so với một vụ mất trộm; đối với yêu cầu bồi thường hoả hoạn dấu hiệu dễ nhận biết là việc cán bộ giám định không tìm thấy trong các đồ vật bị tổn thất các đồ vật cá nhân hoặc đồ vật thể hiện tình cảm đối với người được bảo hiểm như tranh ảnh, đồ gia truyền, vật nuôi; người được bảo hiểm không thể nhớ hoặc không biết mình đã mua tài sản yêu cầu được bồi thường ở đâu nhất là đối với những đồ vật đặc biệt, cũng như không thể mô tả đầy đủ về đồ vật; người được bảo hiểm chuẩn bị sẵn hoá đơn và các chứng từ khác, người làm chứng, sao chụp lại ảnh của mọi đồ vật, đơn yêu cầu bồi thường quá hoàn hảo; chi phí của tài sản đòi được bồi thường tại thời điểm được cho đã mua tài sản đó vượt quá khả năng tài chính của người được bảo hiểm tại thời điểm đó; người được bảo hiểm từ chối hoặc không thể trả lời các câu hỏi thông thường; người được bảo hiểm cung cấp bằng chứng và tài liệu không khớp được với nhau; báo cáo tai nạn do người yêu cầu bồi thường nộp...
Ví dụ: Lập hiện trường giả để đòi bồi thường bảo hiểm
Ông Phạm Huy Tần, là chủ xe ô tô mang biển kiểm soát số 30S-7220, tham gia bảo hiểm vật chất xe tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành (Bảo hiểm Xuân Thành), trước đây là Công ty cổ phần Bảo hiểm Thái Sơn, theo Giấy chứng nhận bảo hiểm số 10023057, hiệu lực từ ngày 11/7/2011 đến ngày 11/7/2012; tổng số phí bảo hiểm là 12.375.000 đồng, ngày nộp phí bảo hiểm: 18/7/2011.
Ngày 19/7/2011, Bảo hiểm Xuân Thành nhận được thông báo tổn thất của ông Phạm Huy Tần xảy ra tại trạm y tế Phường Hoàng Liệt. Ngay sau khi nhận được thông báo, Tổ giám định bồi thường của Bảo hiểm Xuân Thành đến hiện trường lập biên bản. Theo lời khai của ông Tần, vào hồi 20h ngày 19/7/2011 trong khi đang điều khiển xe ô tô 30S-7220, do tránh xe máy ngược chiều rẽ vào ngõ ông Tần xử lý không tốt nên để đầu xe đâm phải cột cổng và tường ngõ (thiệt hại ban đầu ước tính trên 30 triệu đồng).
Tuy nhiên, sau khi phân tích thấy các dấu vết trên xe và các dấu vết trên hiện trường không khớp nhau, tổ giám định bồi thường của Bảo hiểm Xuân Thành đã liên hệ và đề nghị Công an giao thông quận Hoàng Mai xuống lập hồ sơ hiện trường tai nạn. Ông Tần đã thừa nhận việc khai báo không đúng sự thật nhằm có được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường.