Công tác phòng chống trục lợi bảo hiểm tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay hầu như chưa thật sự hiệu quả và được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân thì có nhiều, song về cơ bản có một số nguyên nhân chủ yếu sau:
2.3.3.1. về phía cơ quan quản lý nhà nước
Một là, các quy định hiện hành về phòng chống trục lợi trong bảo hiểm ở Việt Nam còn bất cập và không theo kịp thực tiễn thị trường. Biện pháp chế tài xử lý các hành vi trục lợi bảo hiểm còn thiếu mặc dù trong Nghị định 98/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính và tại Điều 38, Nghị định 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới cũng đã có quy định mức phạt đối với một số hành vi trục lợi. Nhưng các quy định này chưa bao quát hết được các hành vi trục lợi. Bộ luật hình sự chưa có điều luật nào quy định cụ thể về tội trục lợi bảo hiểm. Chính vì hành lang pháp lý chưa
đầy đủ nên nhiều vụ trục lợi bảo hiểm chưa được điều tra và xét xử nghiêm khắc, nên chưa có tính răn đe.
Hai là, quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm chưa theo kịp sự phát triển của thị trường. Việc ứng dụng công nghệ thông tin còn lạc hậu, chưa có hệ thống phần mềm quản lý và nối mạng với các doanh nghiệp để phục vụ cho việc quản lý được kịp thời. Đội ngũ cán bộ quản lý còn thiếu và chưa có nhiều kinh nghiệm so với yêu cầu của thị trường. Nhất là cán bộ làm việc trong khâu phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm, cán bộ thực hiện công tác kiểm tra lại hoạt động tính phí các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của phi nhân thọ còn thiếu và chưa có nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa có điều khoản quy định các doanh nghiệp phải nộp báo cáo về tình hình trục lợi bảo hiểm cho cơ quan quản lý. Do vậy, trong thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm chưa có nhiều hỗ trợ đối với các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm.
Ba là, công tác phối hợp với các Bộ, ngành đặc biệt là Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông đường bộ và Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy....), Bộ Y tế trong thời gian vừa qua chưa thật chặt chẽ mặc dù đã được cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm quan tâm và mở rộng. Tuy nhiên, công tác phối hợp mới dừng lại ở cấp Bộ, ngành. Tại cấp cơ sở, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn khó khăn trong việc tiếp cận và đề nghị hỗ trợ nhằm phát hiện và giải quyết các vụ việc có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm.
Bốn là, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về hành vi và hậu quả của trục lợi bảo hiểm đến người dân còn chưa được quan tâm đúng mức...Công tác tuyên truyền này mới chỉ đối với các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong thời gian tới, công tác này cần tăng cường hơn nữa, để người tham gia bảo hiểm ngày càng ý thức rõ hơn về hành vi và hậu quả của trục lợi bảo hiểm.
2.3.3.2. về phía doanh nghiệp bảo hiểm
Một là, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý điều hành của các doanh nghiệp bảo hiểm (nhất là các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước) còn lạc hậu, thủ công, gần như không có sự kết nối liên thông trên toàn hệ thống nên khó phát hiện và kiểm soát các hành vi trục lợi bảo hiểm.
Hai là, các doanh nghiệp bảo hiểm chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu liên quan đến trục lợi bảo hiểm để kết nối với nhau nên khả năng phát hiện trục lợi bảo hiểm khó nhất là đối với trường hợp trục lợi về bảo hiểm trùng.
Ba là, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh: nhiều phòng ban, chi nhánh, dẫn đến khó kiểm soát, quản lý; việc tổ chức theo mô hình cán bộ doanh nghiệp bảo hiểm vừa khai thác, vừa giải quyết bồi thường đã tạo ra tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi làm gia tăng tình trạng trục lợi bảo hiểm.
Bốn là, đội ngũ cán bộ doanh nghiệp bảo hiểm còn mỏng, yếu về trình độ chuyên môn cũng như tâm huyết và trung thành với doanh nghiệp bảo hiểm (nhất là cán bộ xác minh, giám định). Trên thực tế, nhiều khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra nhưng doanh nghiệp không cử được cán bộ xác minh, giám định tại hiện trường nơi xảy ra sự kiện bảo hiểm, tạo điều kiện cho người được bảo hiểm cấu kết với cơ quan chức năng nơi xảy ra tai nạn tạo hiện trường giả hoặc làm sai lệch hồ sơ tai nạn. Hoặc, do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các cán bộ xác minh, giám định còn nhiều hạn chế, việc chấp hành quy trình xác minh, giám định chưa nghiêm túc dẫn đến việc xác minh, giám định thiếu chính xác. Các cán bộ xác minh, giám định thường thụ động chờ vào kết quả lập hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền, cơ sở y tế để xác định nguyên nhân tổn thất. Do vậy, đối với các vụ trục lợi bảo hiểm mà có sự tham gia của cơ quan chức năng thì gần như cán bộ xác minh, giám định không phát hiện được. Mặt khác, chế độ đãi ngộ (lương, thưởng) đối với các cán bộ chưa đồng đều, chưa tương xứng với trình độ, chuyên môn và công sức mà
cán bộ bỏ ra để phục vụ cho doanh nghiệp nên dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ doanh nghiệp cấu kết với người được bảo hiểm để trục lợi bảo hiểm.
Năm là, các qui trình nội bộ chưa hoàn thiện, nhất là quy trình khai thác, giám định, bồi thường. Doanh nghiệp chưa quan tâm và cũng chưa có chế tài đối với các cán bộ không tuân thủ quy trình khai thác, giám định, bồi thường. Đây chính là kẽ hở để xuất hiện các hành vi trục lợi bảo hiểm.
Sáu là, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ còn yếu, chưa được chú trọng ở nhiều doanh nghiệp bảo hiểm. Hệ thống quản trị và đánh giá rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm chưa đáp ứng yêu cầu nên chưa thể kiểm soát được các hành vi trục lợi.
Bảy là, hệ thống đại lý bảo hiểm chưa chuyên nghiệp, không được trang bị đầy đủ các kỹ năng bán hàng bảo hiểm (chủ yếu trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ), đại lý bảo hiểm là người nhà, người quen của người được bảo hiểm (chủ yếu trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ)... Bên cạnh đó, sự ràng buộc giữa công ty bảo hiểm và đại lý bảo hiểm chưa chặt chẽ (chủ yếu qua hợp đồng đại lý), pháp luật chưa quy định rõ ràng về trách nhiệm của đại lý bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm. Do vậy, trên thực tế, đại lý bảo hiểm sẵn sàng cấu kết hoặc hỗ trợ khách hàng để trục lợi bảo hiểm, nếu điều này xảy ra thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho công ty bảo hiểm.
Tám là, các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động vì mục tiêu đạt được doanh thu, chiếm lĩnh thị trường là chủ yếu, cùng với sự cạnh tranh gay gắt trong khi đó đối tượng khách hàng tiềm năng có hạn đã dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chú trọng đến doanh thu khai thác, buông lỏng công tác đánh giá khách hàng, đánh giá rủi ro được bảo hiểm.
Chín là, do các doanh nghiệp luôn hoạt động trong môi trường cạnh tranh gay gắt nên các doanh nghiệp bảo hiểm luôn phải giữ bí mật thông tin. Việc trao đổi những thông tin cần thiết về khách hàng giữa các doanh nghiệp
bảo hiểm hầu như không có. Mặt khác, các cán bộ làm công tác khai thác, giám định, bồi thường) chưa quan tâm hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát hiện và xử lý trục lợi bảo hiểm. Do vậy, trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng các vụ trục lợi bảo hiểm đã được phát hiện và xử lý tại doanh nghiệp này nhưng doanh nghiệp bảo hiểm khác vẫn không phát hiện được.
2.3.3.3. Về phía người mua bảo hiểm và người được bảo hiểm
Một là, hiểu biết về pháp luật nhất là pháp luật kinh doanh bảo hiểm của đại bộ phận người mua bảo hiểm và người được bảo hiểm còn thấp. Trong nhiều trường hợp khi ký kết tham gia vào các hợp đồng bảo hiểm, người mua bảo hiểm và người được bảo hiểm chưa hiểu rõ hết quyền và nghĩa vụ của mình. Do vậy, dù không cố ý nhưng việc trục lợi bảo hiểm vẫn xảy ra.
Hai là, trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm, trước khi văn bản được ban hành, cơ quan soạn thảo chỉ tham khảo và lấy ý kiến của các doanh nghiệp bảo hiểm mà chưa quan tâm đến các ý kiến đóng góp của người mua bảo hiểm và người được bảo hiểm. Đồng thời , khi một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, việc tập huấn chỉ tập trung tuyên truyền đến các đối tượng thuộc bên bán bảo hiểm (bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm). Do vậy, người mua bảo hiểm và người được bảo hiểm thường hay bị bỏ qua.
Ba là, mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền bằng nhiều cách và liên tục nhưng ý thức tự cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật còn thấp. Do vậy, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực và có văn bản thay thế nhưng người mua bảo hiểm và người được bảo hiểm không nắm được. Do vậy, việc trục lợi bảo hiểm có thể xảy ra do thiếu thông tin về các quy định pháp luật hiện hành.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Qua việc phân tích thực trạng công tác phòng chống trục lợi bảo hiểm trong kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam có thể nhận thấy công tác phòng chống trục lợi tại các doanh nghiệp bảo hiểm còn chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức do đó vẫn còn những khó khăn vướng mắc. Để có thể nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống trục lợi tại các doanh nghiệp bảo hiểm thì cần có những giải pháp cụ thể, rõ ràng cho các doanh nghiệp bảo hiểm và các kiến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm để hạn chế, khắc phục những khó khăn vướng mắc trong công tác phòng chống trục lợi bảo hiểm.
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG TRỤC LỢI BẢO HIỂM Ở VIỆT NAM
Theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 12/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011- 2020, thị trường bảo hiểm Việt nam được định hướng phát triển an toàn, bền vững và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Phấn đấu tổng doanh thu ngành bảo hiểm đạt 2%-3% GDP đến năm 2015 và 3%-4% GDP đến năm 2020. Quy mô các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhằm đáp ứng nghĩa vụ chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm cho khách hàng đến năm 2015 tăng gấp 2 lần và đến năm 2020 tăng gấp 4,5 lần so với năm 2010. Tổng nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm đến năm 2015 tăng gấp 1,7 lần so với năm 2010; đến năm 2020 tăng gấp 3,5 lần so với năm 2010, tương đương 3 - 4% GDP. Đóng góp vào ngân sách nhà nước của ngành bảo hiểm đến năm 2015 tăng gấp 2 lần và đến năm 2020 tăng gấp 4 lần so với năm 2010. Cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm phấn đấu đến năm 2015 tuân thủ hoàn toàn 50% các nguyên tắc quản lý, giám sát bảo hiểm do Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế ban hành; đến năm 2020 sẽ tuân thủ hoàn toàn các nguyên tắc quản lý, giám sát bảo hiểm do Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế ban hành.
Để đạt được mục tiêu nêu tại Chiến lược cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là các nhóm giải pháp liên quan đến tính an toàn hệ thống của các doanh nghiệp bảo hiểm và đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, trong đó có giải pháp phòng chống trục lợi bảo hiểm. Hiện nay, tình trạng trục lợi bảo hiểm ở Việt Nam tuy chưa đến mức nghiêm trọng, hiện
tượng trục lợi bảo hiểm chỉ dừng ở hành vi của một số cá nhân đơn lẻ và chưa phát triển thành tổ chức, song cùng với sự phát triển của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trục lợi bảo hiểm có chiều hướng gia tăng cả về số lượng, tính chất, mức độ và có nguy cơ phát triển thành tổ chức. Hiện tượng này đã và đang gây ra những tổn thất cho xã hội và làm méo mó sự phát triển của ngành bảo hiểm. Cần phải có các biện pháp ngăn chặn và phòng chống trục lợi bảo hiểm.