Thời gian qua, cùng với việc hoàn thiện cơ chế chính sách và công tác quản lý, giám sát phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam, công tác phòng,
chống trục lợi cũng rất được quan tâm, thể hiện qua các cơ chế chính sách được ban hành, triển khai thực hiện, theo hướng: Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm cụ thể như :Quy định cụ thể về nghĩa vụ cung cấp thông tin của người tham gia bảo hiểm; Yêu cầu DNBH xây dựng và ban hành quy trình nghiệp vụ (quy định cụ thể việc triển khai hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền lợi của mỗi cán bộ tại từng bộ phận và cơ chế phối hợp giữa các cán bộ, bộ phận trong DNBH), quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm; Cục QLBH tăng cường công tác phối hợp với các Bộ, ngành liên quan (Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Cơ quan thông tấn báo chí,...).
3.3.1.1 Đối với Quốc hội và Chính phủ
Việt Nam là đã chính thức trở thành thành viên của WTO, hoạt động kinh doanh bảo hiểm được đặt trong điều kiện mới. Nhà nước cần xây dựng một hành lang pháp lý ngày càng thông thoáng, hoàn thiện, chặt chẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động phát triển bền vững. Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm năm 2010 vẫn chưa có những quy định cụ thể về trục lợi bảo hiểm và báo cáo về tình hình trục lợi bảo hiểm của các DNBH đối với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm). Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chế tài xử phạt với hành vi trục lợi bảo hiểm. Hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý tạo hành lang chung và một sân chơi lành mạnh cho thị trường bảo hiểm còn nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Nhà nước cần chỉ đạo sự phối kết hợp giữa các cơ quan một cách chặt chẽ và có hiệu quả hơn. Hiện nay, các quy định pháp lý về phòng chống trục lợi bảo hiểm đang được thể hiện gián tiếp qua các quy định về nguyên tắc khai báo thông tin, khai thác, bồi thường bảo hiểm, áp dụng chủ yếu đối với các doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng tham gia bảo hiểm. Chưa có các văn
bản quy định riêng, toàn diện, đầy đủ và đồng bộ về phòng chống trục lợi bảo hiểm áp dụng đối với tất cả các đối tượng liên quan đến quy trình thực hiện bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm, trung gian bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm, cơ sở giám định bồi thường, cơ quan quản lý nhà nước...). Trên thực tế, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm chỉ có tác dụng răn đe đối với DNBH, không thể xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân khác không phải là doanh nghiệp bảo hiểm hoặc cán bộ DNBH. Do vậy, đối với các tổ chức, cá nhân (không phải là doanh nghiệp bảo hiểm hoặc cán bộ DNBH) có hành vi tiếp tay, cung cấp thông tin giả mạo, không trung thực liên quan đến hồ sơ bồi thường, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm khó có thể xử lý được.
Mặt khác, chế tài xử phạt về hành vi trục lợi bảo hiểm chưa cao, chưa đủ sức răn đe đối với người có hành vi vi phạm. Hình thức xử phạt mới chỉ dừng ở mức phạt tiền với số tiền thấp hơn nhiều so với số tiền có thể có được do trục lợi bảo hiểm, chưa có hình thức phạt tù hoặc tử hình. Hệ thống pháp luật về phòng chống trục lợi bảo hiểm chưa hoàn thiện đã gây khó khăn cho công tác tổ chức phòng chống trục lợi bảo hiểm của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội. Do đó, để bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người tham gia bảo hiểm, thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển, cần nghiên cứu xây dựng hệ thống pháp luật về phòng chống trục lợi bảo hiểm đầy đủ, rõ ràng. Các văn bản này sẽ có các quy định chính như sau:
- Quy định rõ khái niệm về trục lợi bảo hiểm; các hành vi được coi là trục lợi bảo hiểm; nghĩa vụ của các đối tượng có liên quan trong quá trình thực hiện bảo hiểm nhằm phòng chống trục lợi bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm, trung gian bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm, cơ sở giám định bồi thường, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan điều tra xác minh, các tổ chức và
cá nhân khác...).
- Cơ chế bảo vệ, động viên nhân chứng hợp tác, giúp đỡ công việc điều tra, xác minh liên quan đến trục lợi bảo hiểm.
- Cho phép các cơ quan giám sát riêng lẻ phối hợp trong một số hoạt động điều tra về trục lợi bảo hiểm như lập đoàn thanh tra liên ngành giữa cơ quan cảnh sát điều tra và cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên giữa các cơ quan này...
- Quy định chặt chẽ hơn về việc tự giám sát giao dịch nội bộ giữa các phòng ban trong doanh nghiệp bảo hiểm; giám sát các kênh phân phối bảo hiểm, ví dụ:
+ Quy định giám sát đối với kênh phân phối qua đại lý:
Để tránh hiện tượng cấu kết giữa đại lý, phòng giám định và phía khách hàng nhằm trục lợi bảo hiểm, cơ quan quản lý cần ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết về trách nhiệm và nghĩa vụ của đại lý; thông qua Hiệp hội bảo hiểm xây dựng quy tắc đạo đức hành nghề đại lý để thống nhất áp dụng chung trên toàn thị trường.
Thị trường bảo hiểm phát triển sẽ làm xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm bảo hiểm mới và phức tạp (sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư), đòi hỏi đại lý phải có hiểu biết sâu, đầy đủ và toàn diện về sản phẩm cung cấp. Do vậy, cơ quan quản lý cần có quy định chuyên biệt hoá các loại chứng chỉ đào tạo đại lý phù hợp với từng nhóm sản phẩm bảo hiểm đại lý tư vấn cho khách hàng.
Quy trình tuyển dụng đào tạo, quản lý, sử dụng đại lý cần được giám sát chặt chẽ hơn nữa, tránh trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm chạy theo lợi ích trước mắt mở rộng hệ thống phân phối, đào tạo và sử dụng đại lý “ma” không đạt tiêu chuẩn.
Đối với đại lý có vấn đề trong trục lợi bảo hiểm, cần có cơ chế cung cấp thông tin giữa các doanh nghiệp bảo hiểm để không tuyển dụng đại lý đó ở các
doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm minh các trường hợp doanh nghiệp cố tình sử dụng các đại lý đã từng có hành vi trục lợi bảo hiểm.
+ Quy định giám sát đối với kênh phân phối qua môi giới
Cơ quan quản lý cần xây dựng quy định với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm về việc thu hộ phí (có thể quản lý trên một tài khoản riêng biệt được mở tại ngân hàng và thực hiện quyết toán hàng tháng) để tránh gây ra những tranh chấp khi có sự kiện bảo hiểm phát sinh. Do hiện nay quy định này chưa rõ ràng nên có trường hợp các doanh nghiệp môi giới cũng cấu kết với khách hàng trục lợi bảo hiểm (sự kiện bảo hiểm xảy ra rồi mới đóng phí cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm).
+ Quy định giám sát đối với kênh phân phối qua Ngân hàng:
Hiện nay, sản phẩm bảo hiểm được cung cấp qua ngân hàng (bancassurance) đang được phát triển bởi nhiều lợi ích mà nó đem lại cho các ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng. Tuy nhiên, cơ chế giao dịch giữa doanh nghiệp bảo hiểm/ngân hàng và khách hàng chưa rõ ràng, khi doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng của ngân hàng có thể không tuân thủ các quy trình nghiệp vụ chặt chẽ, phí bảo hiểm thu không đủ lớn để tương xứng với rủi ro không được bảo hiểm, việc giám định bồi thường không chặt chẽ là nguyên nhân của trục lợi bảo hiểm. Do vậy, cơ quan quản lý cần bổ sung quy định về giám sát việc cung cấp sản phẩm bancassurance chặt chẽ hơn nữa.
- Trong khi đó, trong lĩnh vực ngân hàng; chứng khoán; thuế, tài chính - kế toán, Bộ Luật hình sự có quy định các tội danh cụ thể: Trong lĩnh vực ngân hàng (tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng...); chứng khoán (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che dấu sự thật trong hoạt động chứng khoán,.); thuế, tài chính - kế toán (tội trốn thuế;
tội in, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước,...). Do vậy, Cục QLBH trình Bộ phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Công an nghiên cứu, xem xét, bổ sung quy định về tội phạm trục lợi bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm.
Kiến nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự, trong đó quy định hành vi trục lợi bảo hiểm “chưa đạt đã hoàn thành” (chưa đạt về mục đích - tức chưa nhận tiền thì bị phát hiện, nhưng đã hoàn thành về hành vi như tráo biển số xe lừa mua bảo hiểm trót lọt, tạo dựng hiện trường giả, sửa chữa hồ sơ tai nạn của cơ quan công an.) vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định các trường hợp thực hiện chế tài khi có hành vi trục lợi bảo hiểm, chia thành các mức:
+ Mức phạt vi phạm hành chính: số tiền phạt quy định tuỳ theo mức độ vi phạm. Nếu người vi phạm là các doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý, môi giới bảo hiểm, cơ quan quản lý nhà nước có thể rút giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm hoặc thu hồi chứng chỉ hoạt động đại lý bảo hiểm.
+ Xét xử hình sự: nếu tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi gian dối nghiêm trọng liên quan đến làm giả tài liệu về đối tượng được bảo hiểm, tạo hiện trường giả, giả mạo, thay đổi giấy chứng nhận, tài liệu,... hoặc nhân viên, đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm che đậy thông tin quan trọng về hợp đồng bảo hiểm để đánh lừa bên mua bảo hiểm, từ chối thực hiện trách nhiệm bồi thường, thanh toán bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng,... hoặc cán bộ của các cơ quan nhà nước cố tình thực hiện các hành vi trục lợi bảo hiểm gây hậu quả lớn về tài sản, đạo đức, nhân cách, làm giảm sút lòng tin đối với cán bộ, công chức, tổ chức, cơ quan nhà nước... thì có thể cấu thành tội phạm và bị xét xử hình sự (phạt tù, tử hình). Ví dụ, với các hành vi trục lợi bảo hiểm đã được nhắc nhở, kỷ luật mà vẫn tái phạm nghiêm trọng thì có thể bị xử phạt hình sự theo các mức sau đây:
• Đối với hành động trục lợi bảo hiểm có tổ chức, phạm tội nhiều lần, có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng và gây hậu quả nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm;
• Đối với hành động trục lợi bảo hiểm có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng và gây hậu quả rất nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm;
• Đối với hành động trục lợi bảo hiểm có giá trị trên ba trăm triệu đồng và
gây hậu quả rất nghiêm trọng khác thì bị tù hai mươi năm hoặc tù chung thân;
• Đồng thời, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền hoặc giá trị tài sản đã trục lợi.
• Kiến nghị Bộ Công an có cơ chế riêng để tăng cường, tích cực phối hợp điều tra giải quyết các vụ khiếu nại bồi thường bảo hiểm có dấu hiệu nghi vấn trục lợi, do các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị (kể cả các doanh nghiệp bảo hiểm không có vốn nhà nước).
3.3.1.2 Đối với Bộ Tài chính
Đề xuất nghiên cứu thành lập Ban phòng chống trục lợi bảo hiểm trong cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm
Để tập trung triển khai công tác phòng chống trục lợi bảo hiểm quyết liệt và có hiệu quả, có thể thành lập Ban phòng chống trục lợi bảo hiểm trong cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm. Ban phòng chống trục lợi bảo hiểm có một số nhiệm vụ như sau:
- Tiến hành điều tra ban đầu và thu thập các bằng chứng liên quan đến những hành vi nghi ngờ trục lợi bảo hiểm.
- Là đầu mối hỗ trợ cơ quan quản lý trả lời hoặc giải đáp các khiếu nại, khai báo về nghi ngờ trục lợi bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích thông tin cung cấp cho các bên được chính xác và thống nhất.
bảo hiểm, cơ quan địa phương hay người cung cấp khác; chọn lọc các vụ nghi ngờ là trục lợi bảo hiểm để yêu cầu điều tra sâu hơn.
- Kiểm soát các kết quả điều tra, nghiên cứu độc lập để xác định phạm vi trục lợi bảo hiểm, hành vi lừa dối hoặc cố ý bóp méo trong bất kỳ khâu nào thuộc quy trình bảo hiểm; công bố thông tin hoặc báo cáo về kết quả kiểm tra và nghiên cứu.
- Báo cáo việc điều tra, khám phá các vụ nghi ngờ trục lợi bảo hiểm cho cơ quan có liên quan; thu xếp bằng chứng và các yếu tố khác hỗ trợ cơ quan công tố trong việc phán quyết.
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê về trục lợi bảo hiểm để cung cấp cho các doanh nghiệp bảo hiểm, các tổ chức cá nhân và cộng đồng xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm trao đổi và tìm kiếm thông tin hỗ trợ hoạt động phòng chống trục lợi bảo hiểm tại doanh nghiệp của mình.
Bộ Tài chính cần có quy định cụ thể về cơ chế báo cáo trục lợi của các DNBH đối với Cục Quản lý giám sát bảo hiêm (Báo cáo trục lợi phải được nộp theo Quý, Năm). Có như vậy, các cơ quan nhà nước mới có những phân tích, đánh giá, tổng hợp mang tính chất chung, tổng quát và thường xuyên nhất để đưa
ra những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng trục lợi trong hoạt động của thị trường bảo hiểm.