2. Lí luận về nhân cách trong tâm lí học Xô Viết
2.1. Một số quan điểm và khuynh hướng chủ yếu
Từ lúc ra đời, trở thành một ngành khoa học độc lập, tâm lí học đã nghiên cứu về nhân cách theo những quan điểm và khuynh hướng khác nhau. Dưới ánh sáng của học thuyết Mác – Lênin, tâm lí học Xô Viết đã có nhiều thành tựu trong nghiên cứu về nhân cách. Có thể nhìn lại một cách khái quát về một số quan điểm, khuynh hướng phát triển và những kết quả nghiên cứu về nhân cách của tâm lí học Xô Viết, để từ đó tiếp thu và kế thừa những tinh hoa của nền tâm lí học nhân cách này, vận dụng vào nghiên cứu tiếp cận đến mô hình nhân cách người Việt Nam thời kì công nghiệp hoá – hiện đại hoá hiện nay.
* Khuynh hướng sinh – tâm lí
Đây là khuynh hướng nghiên cứu nhân cách có ý đồ đo đạc thực nghiệm những thông số của hoạt động thần kinh cấp cao. Những thông số này thường được nghiên cứu như là những kiểu loại, chúng có mối liên quan chặt chẽ với những biến đổi thực của nhân cách. Khuynh hướng này muốn giải thích những vấn đề nhân cách thông qua những thông tin hiểu biết về hoạt động thần linh cấp cao. Pa–lai, một nhà tâm lí học nhân cách theo khuynh hướng sinh – tâm lí này, vào năm 1969 đã tổng kết rằng, những nghiên cứu của tâm lí học Xô viết về sự khác biệt cá nhân chủ yếu được tiến
hành trong khuôn khổ của lí thuyết về thuộc tính kiểu thần kinh. Trung tâm của những nghiên cứu ấy là hai nhóm vấn đề đã dẫn đến hai hướng nghiên cứu thực nghiệm sau:
+ Nghiên cứu sự tương tác của những đặc điểm, những thuộc tính cơ bản của hệ thần kinh và bản chất sinh lí thần kinh của nó (tiến hành tại phòng thí nghiệm tâm – sinh lí của viện Hàn lâm khoa học giáo dục).
+ Nghiên cứu về tính xác định kiểu sinh lí thần kinh của tính định hướng động cơ hoạt động và những nghiên cứu nhằm tối ưu hoá các hoạt động (được thể hiện trong các công trình của Merlin và Klimốp). Nhiều công trình nghiên cứu dài hạn đã nhằm vào vấn đề khí chất (ví dụ của Merlin 1964 – 1974). Còn việc giải thích về những tổ hợp thuộc tính tâm lí gắn liền với những đặc điểm của kiểu chung của hệ thần kinh được thực hiện nhờ những nghiên cứu của Vaxilencô (1967) về các thuộc tính khí chất. Những vấn đề sinh lí thần kinh không chỉ là đề tài tranh luận trong những hội nghị hội thảo khoa học về cấu trúc nhân cách mà chúng thường đã trở thành vấn đề trung tâm của các hội thảo đó. Ngay cả những số liệu của cơ thể người cũng có vị trí lớn trong các công trình thực nghiệm. Các nhà nghiên cứu nhân cách theo hướng sinh – tâm lí cố gắng đặt cơ sở vật chất cho cấu trúc nhân cách. Perovômaixki đã biện luận rằng, khái niệm nhân cách cũng phải có cấu trúc của nó, phải có cơ sở sinh lí của nó. Nhân cách cần có một cái khung, cái giá, điểm tựa và nền móng. Trong quan niệm như thế các nhà nghiên cứu này cũng bàn đến khái niệm “kiểu hoạt động thần kinh cấp cao” và khái niệm “tầm vóc cơ thể” (Bansơsikop và Igiap, 1969), nhưng hầu hết trong họ đã không quan tâm đến những cơ sở của cấu trúc nhân cách ở cấp độ cao như cấp độ nhân cách – xã hội, mà đặt ra cấu trúc nhân cách trong tương quan với những thuộc tính cơ bản của hệ thần kinh.
Mặt tích cực của khuynh hướng nghiên cứu nhân cách này là nó cung cấp những hiểu biết về tâm – sinh lí học của tính cá biệt.
* Khuynh hướng tiếp cận triết học từ cái chung đến cái riêng
Phù hợp với triết học Mác – Lê nin, ở đây bản chất của nhân cách được xác định là sản phẩm của sự phát triển xã hội – lịch sử và đồng thời là chủ thể của sự phát triển xã hội – lịch sử ấy. Xuất phát từ quan niệm này, trong nhiều công trình nghiên cứu nhân cách theo khuynh hướng đó đã xác lập được nhưng tiền đề cơ bản và những nguyên tắc phương pháp luận quan trọng như: tính quy định xã hội của ý thức của nhân cách, tính toàn vẹn và tính cấu trúc hoá tâm lí của nhân cách, tính tích cực và tính độc lập tương đối của sự phát triển nhân cách (Côvaliốp, 1970).
Đặc biệt dưới sự ảnh hưởng của xã hội học, khái niệm “kiểu xã hội lịch sử” của nhân cách đã hình thành và được phân tích, bàn luận sôi nổi. Những tranh cãi này có tinh thần chống lại cách hiểu của tâm lí học phương Tây về nhân cách và tiếp nối những tiên đoán của Lê nin, trong đó người ta nghiên cứu nhân cách trên quan điểm cho “kiểu xã hội” của nhân cách là cái cơ bản nhất và xác định
nhất đối với sự xem xét con người như là một bản thể xã hội. Những nghiên cứu này không chỉ dẫn đến sự cụ thể hoá chi tiết thêm về khái niệm nhân cách trong triết học mà còn làm phong phú thêm về sự giải thích những quan hệ qua lại của phạm trù cá nhân – nhân cách – tính cá thể – kiểu xã hội.
Một kết luận quan trọng của những nghiên cứu theo khuynh hướng triết học là quan niệm cho rằng nhân cách không phải là toàn bộ tâm lí người mà trong một khuôn khổ chuẩn xác thì nhân cách được xác định như là một trình độ cao nhất của tâm lí tức là trình độ cao nhất của phản ánh tâm lí (Miaxisep, 1974).
* Khuynh hướng nghiên cứu nhân cách định hướng giáo dục con người mới
Trên cơ sở những nghiên cứu và bàn luận xung quanh vấn đề kiểu xã hội của nhân cách nảy sinh từ khuynh hướng nghiên cứu nhân cách dưới góc độ triết học “từ cái chung đến cái riêng” đã dẫn đến những nghiên cứu định hướng giáo dục con người mới. Những công trình này đã đóng góp vào việc đạt đến chất lượng mới của con người Xô viết trong xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN). Trong giai đoạn xây dựng xã hội XHCN không chỉ nảy sinh điều kiện khách quan phát triển nhân cách con người mới trong xã hội công nghiệp hiện đại mà qua đó còn làm nảy sinh nhân cách con người ở mức độ chất lượng cao nhất với tư cách là chủ thể của những mối quan hệ xã hội mới mang tính công nghiệp hiện đại. Chính trình độ này của sự phát triển trí tuệ và đạo đức của con người ngày càng trở thành tiền đề cần thiết cho những thành công của công cuộc xây đựng đất nước XHCN. Trong nghiên cứu về kiểu XHCN của nhân cách, Lêvitốp cho rằng thuộc tính định hướng của nhân cách Xô viết bao gồm: niềm tin cộng sản chủ nghĩa (CSCN) và tính bền vững của nguyên tắc, chủ nghĩa yêu nước Xô viết,
thái độ cộng sản đối với lao động. Các nhà nghiên cứu theo khuynh hướng này cũng bàn đến vấn đề giáo dục lí tưởng của nhân cách con người xây dựng xã hội XHCN. Ở đây bên cạnh những niềm tin, tư tưởng và đạo đức cộng sản thì những phẩm chất người chiến sĩ đấu tranh không thoả hiệp được mô tả như là những nét nổi bật của nhân cách. Người chiến sĩ đó trong sạch về đạo đức kiên định trước mọi tác động của tư tưởng và lối sống tư sản. Dưới quan điểm nội dung có những nghiên cứu về tính tích cực của nhân cách, tự kiểm tra, tự đánh giá, tự ý thức và về cấu trúc của nhân cách. Trong khuôn khổ nghiên cứu cá thể về hoạt động người ta cũng nghiên cứu về kiểu trí tuệ.
Khoảng cuối của chặng đường 50 năm tâm lí học Xô viết người ta đã nhận ra xu thế quá đi sâu nghiên cứu các quá trình của hoạt động tâm lí, mà đã quên đi việc nghiên cứu tâm lí học nhân cách (Miaxisep, 1960). Chính Miaxisep đã cảnh tỉnh các nhà nghiên cứu rằng, những hiểu biết về các quá trình tâm lí sẽ không chân thực nếu không có những hiểu biết về nhân cách và ông đòi phải trao tâm lí học về các quá trình tâm lí phi nhân cách cho một “tâm lí học về hoạt động của nhân cách” hay là “tâm lí học về nhân cách trong hoạt động”. Trong quá trình xem xét và phân tích tương tác với những tiền đề sinh vật học hoá sai lầm và với xã hội hoá nhân cách đã quen thuộc thì từ đó nguyên tắc nhân
cách đã trở thành nguyên tắc chủ đạo của tâm lí học Xô viết (Terơrốp, 1947; Uznatde, 1961; Vưgôtski, 1960; Pônômarốp, 1967; Rubinstein, 1935, 1966 và Leônchiep, 1970, 1975). Năm 1974 chính Platônốp yêu cầu việc nghiên cứu nhân cách phải xuất phát từ cấu trúc cụ thể có thật, toàn vẹn và sống động của nó và đó cũng là xuất phát từ ý nghĩa gián tiếp của những điều kiện bên trong nhân cách và ông đòi hỏi có phương pháp nghiên cứu nhân cách, trong đó, phải thông qua nhân cách với tư cách là một toàn thể để nghiên cứu các phần tử của nó và các quan hệ của các phần tử ấy với nhau và với toàn bộ nhân cách. Bằng con đường nghiên cứu này tuy đề cập một cách trừu tượng đến các quá trình tâm lí, chức năng tâm lí, trạng thái tâm lí và năng lực tâm lí nhưng phải dựa trên một nền cơ bản của nhân cách có thực. Chính những ảnh hưởng ngày càng tăng của nguyên tắc nhân cách trong các nghiên cứu tâm lí học đại cương và tâm lí học ứng dụng đã đem đến sự phát triển mạnh mẽ của tâm lí học nhân cách Xô viết.