L.X.Vưgôtxki với vấn đề nhân cách

Một phần của tài liệu Vấn Đề Nhân Cách Trong Tâm Lý Học Ngày Nay Đào Thị Oanh (Trang 62 - 65)

2. Lí luận về nhân cách trong tâm lí học Xô Viết

2.4. L.X.Vưgôtxki với vấn đề nhân cách

L. X. Vưgôtxki là nhà tâm lí học Nga thuộc trong số những đại biểu xuất sắc nhất của khoa học tâm lí vào những năm 20 của ông đến nay vẫn được các học trò và những người kế tục ông truyền bá rộng rãi. Vưgôtxki đã có nhiều cống hiến khoa học trong phạm vi nghiên cứu phương pháp luận và nghiên cứu thực nghiệm các vấn đề tâm lí học. Các nghiên cứu và bài viết của ông tập trung vào tư duy, ngôn ngữ, trí nhớ, trò chơi, tâm lí học nghệ thuật. Vào lúc cuối đời, ông đã nghiên cứu những vấn đề của giáo dục. Vưgôtxki cũng đã được đào tạo như một thầy thuốc và ông đã ủng hộ sự kết hợp của Thần kinh học và Sinh lí học với những nghiên cứu thực nghiệm về các quá trình tư duy.

Trong những luận điểm khoa học của L.X. Vưgôtxki chứa đựng những vấn đề tâm lí học nhân cách hết sức sâu sắc và tinh tế.

Trong tâm lí học, vấn đề phát triển tâm lí người, phát triển nhân cách được quan tâm hàng đầu. Có nhiều luận điểm khác nhau đề cập đến vấn đề này. Trong đó có những luận điểm, hoặc là do không phù hợp, hoặc do xa lạ với những biểu hiện thực tiễn của đời sống văn hoá xã hội do đó không thể sử dụng để luận giải một cách triệt để các hiện tượng của đời sống tâm lí xã hội của con người, đặc biệt đối với công tác giáo dục trẻ em.Từ những công trình nghiên cứu về phát triển tâm lí người trước đó L.X. Vưgôtxki đã khái quát và đưa ra quan niệm mới, có những nét khác với quan niệm đương thời về sự phát triển người, về sự phát triển nhân cách trẻ em. Đó là:

- Phát triển tâm lí người là phát triển nhân cách của con người cụ thể, mà nét chủ yếu của sự phát triển đó được biểu hiện rõ, trông thấy được, là phát triển hành vi của con người đó.

- Phát triển tâm lí người là sự phát triển có quy luật hẳn hoi. Đó không phải là sự biến đổi cơ học hoặc trừu tượng.

- Phát triển tâm lí người có nét độc đáo là gắn với yếu tố động lực và mang tính định hình chứ không do một yếu tố siêu hình hay một lực lượng thần bí nào chi phối.

– Con đường nhận thức, phát hiện ra các quy luật phát triển nhân cách không thể là sự cảm nhận trực giác, mô tả hay suy lí mà là thực nghiệm khoa học.

- Quá trình phát triển tâm lí người, phát triển nhân cách trẻ em thường diễn ra theo nhiều cách thức, nhiều con đường khác nhau. Trong đó, những mối quan hệ bản chất ổn định và lặp đi lặp lại giữa các yếu tố của sự phát triển đó được Vưgôtxki khái quát thành một số quy luật cơ bản chủ yếu. Nói cách khác, theo ông, phát triển tâm lí người nói chung, phát triển nhân cách trẻ em nói riêng thường tuân thủ một số quy luật nhất định, là:

– Phát triển, hình thành các chức năng tâm lí bậc cao của con người. Đây là hạt nhân cơ bản của sự hình thành phát triển nhân cách con người. Theo Vưgôtxki, đây là quy luật của sự quá độ, thời kì chuyển đổi từ các hình thái hay phương thức hành vi mang tính tự nhiên, sơ khai của con người thành hành vi mang tính xã hội mà trong đó có sự can thiệp bởi các khâu trung gian của con người và gắn liền với quá trình phát triển có tính lịch sử của hành vi người. Ở đây có sự phối kết hợp phức tạp của các quá trình bộ phận như: hoàn thiện tư duy, chuyển từ kiểu tư duy đơn giản sang tư duy khoa học thông qua phát triển ngôn ngữ ở người hay ở trẻ em nói riêng. Thực tiễn giáo dục cũng cho thấy, nếu không hình thành và phát triển được các chức năng tâm lí bậc cao ở đứa trẻ thì chưa thể nói ở chúng đã có trí tuệ và sự thông minh.

- Phát triển tính văn minh, nét văn hoá của hành vi con người gắn với sự phát triển lịch sử xã hội của nhân loại là một đặc trưng mang tính quy luật của sự phát triển người, phát triển nhân cách trẻ em. Nhiệm vụ trung tâm ở đây là hình thành, phát triển các kiểu hành vi mang tính xã hội, tập thể. Nói cách khác, con đường phát triển tính văn minh, nét văn hoá của con người phải đi từ việc hình thành phát triển các hành vi mang tính xã hội và trên cơ sở đó phát triển các chức năng tâm lí bậc cao ở chính con người đó. Đó là cách thức đảm bảo cho con người có những phẩm chất nhân cách tích cực, mang bản chất người, có khả năng thích ứng xã hội và phát triển tư duy.

– Chuyển hoá chức năng từ bên ngoài vào bên trong bản thân con người là một quá trình biến đổi mang tính quy luật. Theo Vưgôtxki, quy luật này có được là dựa trên cơ sở của quy luật phát triển tính nhân văn, trình độ văn minh của hành vi con người.

Thực chất của sự chuyển hoá ở đây là sự chuyển các hình thái biểu hiện của hành vi mang nét đặc trưng xã hội với tư cách là các thao tác bên ngoài vào hệ thống hành vi mang nét riêng biệt của cá nhân con người. Sự chuyển hoá này được thực hiện, một mặt là nhờ sự phát triển và tham gia của chú ý, trí nhớ, mặt khác là do sử dụng phương tiện cơ bản là giao tiếp trực tiếp, tác động vào người khác, nhờ phương tiện là người khác để chuyển hoá vào trong con người. Ở đây đòi hỏi sự xuất hiện của tự ý thức về bản thân, là một nét quan trọng của hành vi bậc cao của nhân cách con người.

Trong quan điểm của mình, Vưgôtxki nêu lên một tư tưởng khá độc đáo về nhân cách, như một hình thức tổ chức tính tích cực qua lại giữa các cá nhân với nhau, mà ở đó, sự tồn tại thực của cá nhân sẽ gắn bó một cách hữu cơ với sự tồn tại tinh thần của những người khác trong nó và đồng thời cá nhân ấy cũng được đại diện về tinh thần trong tồn tại thực tế của những người khác.

Như vậy, theo cách hiểu của Vưgôtxki, nhân cách là một tổ hợp tâm lí có cấu trúc toàn vẹn. Sự hình thành nhân cách ở trẻ là quá trình phát triển không chỉ biểu hiện ở sự tăng thêm những cấu tạo, những chức năng tâm lí mới, mà giữa các chức năng, các quá trình và các thuộc tính tâm lí cá nhân còn có những mối quan hệ qua lại, có sự ảnh hưởng lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau, tạo thành một cấu trúc toàn vẹn.

Quan điểm của Vưgôtxki có ứng dụng rộng rãi trong giáo dục và lâm sang:

- Trong lĩnh vực giáo dục: Vưgôtxki mong muốn giúp xây dựng một xã hội mới, vì thế ông đã đặt ra cho mình nhiệm vụ xây dựng nên một lí thuyết, định hướng tới việc ứng dụng vào thực tiễn. Chẳng hạn, ông đã cố gắng chỉ ra cho chúng ta thấy rằng, việc dạy học trong nhà trường có thể thúc đẩy sự phát triển của trẻ, và ông đã đề xuất một khái niệm mới là “Vùng phát triển gần nhất” để xác định tiềm năng học tập của trẻ bằng những kiến thức mới. Khái niệm “vùng phát triển gần nhất” do Vưgôtxki đề rất đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu đặc biệt nhiều nhà nghiên cứu phương Tây (Brown; Ferrara; Valsiner; Palinsar, Cole…). Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã được tiến hành và kết quả thu được rất khả quan.

– Một đóng góp quan trọng khác mà Vưgôtxki đã đưa vào lí thuyết dạy học của ông và mới đây đã được đánh giá một cách đầy đủ. Dường như ông là người đầu tiên quan tâm tới những quá trình nhận thức, có liên quan với sự ý thức bởi cá nhân về quá trình tư duy của bản thân. Các công trình của ông đã chỉ ra bằng cách nào đứa trẻ nhận thức được những suy nghĩ của mình cùng những khái niệm được sử dụng và có sự kiểm soát đối với chúng. Ông muốn chỉ rõ rằng tính ý thức và sự kiểm tra có định hướng là “sự đóng góp đặc biệt của nhà trường”. Khoảng 20 năm gần đây, rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành trong lĩnh vực này, và các nhà sư phạm ngày càng thiên về ý kiến của Donaldson, rằng Vưgôtxki đã chỉ ra vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục trong nhà trường chính quy.

– Trong lĩnh vực lâm sàng: Mặc dù ứng dụng chủ yếu của lí thuyết Vưgôtxki là lĩnh vực giáo dục, song nó cũng có ảnh hưởng đến cả những lĩnh vực hoạt động thực tiễn khác. Tư tưởng của Vưgôtxki về chức năng điều chỉnh của ngôn ngữ được tìm thấy trong các công trình của Luria. Tư tưởng này đã chỉ ra cho các nhà nghiên cứu những hướng suy nghĩ mới, đặc biệt các nhà nghiên cứu chẩn đoán những bệnh nhân đang phải chịu những tổn thương về thần kinh. Ngoài ra, tư tưởng của Vưgôtxki về sự tự điều chỉnh ngôn ngữ đã là cơ sở để xây dựng một loạt quan điểm mới cho việc trị liệu các bệnh tâm lí khác nhau. Một ví dụ điển hình về các phương pháp trị liệu mới đó là công trình của Mêichnbaum và Goodman. Trong công trình này các tác giả đã chứng minh hiệu quả của phương pháp luyện tập bằng việc sử dụng sự tự ra lệnh, nhằm phát triển các kĩ xảo tự kiểm tra ở những học sinh tăng động đang học lớp 2.

Cũng giống như việc các nhà tâm lí học trong những năm 60 của thế kỉ trước đã phát hiện ra Piaget, ngày nay họ lại phát hiện ra Vưgôtxki cho mình. Những tư tưởng của Vưgôtxki đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt bởi vì đã mở ra những viễn cảnh nghiên cứu mới, nghiêm túc.

Vưgôtxki thừa nhận ý nghĩa của các quá trình phát triển bên trong trẻ em thực sự được phát triển và học tập được nhờ những kích thích từ một cơ thể đang phát triển của riêng nó và nhờ sự quan tâm tích cực đến những gì có ở xung quanh nó. Song,

Vưgôtxki khẳng định rằng, nếu chỉ có những yếu tố đó thì đứa trẻ không thể phát triển xa hơn. Để phát triển toàn diện các năng lực trí tuệ, trẻ cần phải có những phương tiện trí tuệ có sẵn trong nền văn hoá như ngôn ngữ, các phương tiện ghi nhớ, hệ thống tính toán, hệ thống chữ viết và cả những khái niệm khoa học. Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của lí thuyết phát triển tự nhiên (Rousseau, Montessori, Piaget) là phải nghiên cứu những cơ chế mà nhờ đó, đứa trẻ lĩnh hội được các phương tiện này.

Cũng có một số ý kiến phê phán tính một chiều trong lí thuyết của Vưgôtxki. Họ cho rằng, mặc dù Vưgôtxki chủ trương nghiên cứu mối tác động qua lại giữa các yếu tố bên trong và các yếu tố văn hoá song trên thực tế ông đã chú ý nhiều hơn tới các yếu tố văn hoá. Vưgôtxki nghiên cứu các cơ chế tác động của ngôn ngữ, của các phương tiện ghi nhớ, của hệ thống chữ viết và hệ thống các khái niệm khoa học đến trí tuệ của trẻ nhưng lại không nghiên cứu xem các quá trình phát triển tự nhiên bên trong của tư duy đứa trẻ có ảnh hưởng như thế nào đến các yếu tố văn hoá. Về sự phê phán này cũng có những ý kiến phản bác. Và nhìn chung, đến nay vẫn còn là một vấn đề bỏ ngỏ.

Một phần của tài liệu Vấn Đề Nhân Cách Trong Tâm Lý Học Ngày Nay Đào Thị Oanh (Trang 62 - 65)