1. Sự hình thành nhân cách
1.3. Các tiêu chí đánh giá sự hình thành nhân cách
Hình thành nhân cách là một quá trình liên tục biến đổi, phát triển, trải qua các mức đạt được từ thấp đến cao. Tuy không thể “cân, đo” chính xác như cân đo mức phát triển thể chất; song cũng có thể xác định một cách tương đối các “mốc” phát triển, xem như các tiêu chí đánh giá sự hình thành nhân cách.
- “Mốc” thứ nhất, là một chủ thể tâm lí
Trước 1 tuổi, cuộc sống của trẻ hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn. Từ khi chập chững biết đi và bập bẹ biết nói trẻ từng bước làm chủ được cơ thể của mình, tự vận động đến nơi có vật thể trẻ thích (đồ chơi, đồ dùng, đồ vật có màu sắc v v..) Dần dần trẻ không chỉ muốn chiếm lĩnh những đối tượng trong trường tri giác, mà cả những hình ảnh, biểu tượng về những đối tượng đã được trẻ tri giác trước đây. L.I.Bojovich nêu một ví dụ: một bé trai 15 tháng tuổi đang chơi ở công viên với bà, được một bé khác cho mượn quả bóng có màu sắc đẹp, bé trai rất thích. Hôm sau ra chơi ở chỗ cũ không thấy quả bóng đó bé vẫn khóc đòi “bóng”.
Theo bà, khi đứa trẻ có thể phản ánh một cách gián tiếp sự vật và hiện tượng bên ngoài thông qua những hình ảnh và biểu tượng về chúng là trẻ đang bước vào giai đoạn của sự hình thành nhân cách. Đó là thời điểm trẻ trở thành một chủ thể tâm lí.
- “Mốc” thứ hai, khi xuất hiện ý thức bản ngã
+ Trong quá trình phát triển, đần đần trẻ ý thức được về bản thân, tách được mình ra khỏi những người xung quanh, biết mình là con đối với cha mẹ, là cháu đối với ông, bà v.v… Trẻ bắt đầu có ý kiến riêng, nhu cầu, sở thích, hứng thú riêng, không còn thụ động chịu sự điều khiển của người lớn như trước. Trẻ thích tự mình làm mọi việc theo ý mình. Điều đó chứng
tỏ tính độc lập bắt đầu hình thành và nhiều khi trở thành tính bướng bỉnh, nguồn gốc làm nảy sinh hiện tượng được gọi là “khủng hoảng của tuổi lên ba”. Đó là thời điểm xuất hiện ý thức bản ngã, ý thức bước đầu về “cái Tôi” với cá tính rõ rệt. Như vậy, sự nảy sinh ý thức bản ngã với một số biểu hiện về sự “khủng hoảng của tuổi lên ba” là những tiêu chí đánh giá nhân cách của trẻ đang trong quá trình hình thành ở mức “bộ khung” nhân cách được định hướng sơ bộ.
- “Mốc” thứ ba, là một chủ thể xã hội
Sự hình thành nhân cách diễn ra cho đến tuổi thiếu niên (15–16 tuổi) khi ý thức bản ngã phát triển mạnh, đạt mức khá cao thì cá nhân chuẩn bị bước vào giai đoạn trưởng thành. Ở thiếu niên, lúc này hệ thống nhu cầu, động cơ có thứ bậc tương đối ổn định, trong đó những nhu cầu xã hội (nhu
cầu giao tiếp, nhu cầu tự khẳng định, nhu cầu đánh giá và tự đánh giá v.v…) trở thành những nhu cầu mạnh ở vị trí trung tâm. Song, sự trưởng thành của nhân cách chỉ đạt được ở lứa tuổi sau, khi trong hệ thống thứ bậc những động cơ ổn định nổi lên những động cơ xã hội ưu thế, được định hướng theo những giá trị mà cá nhân đã lựa chọn. Những động cơ xã hội ưu thế này chi phối thái độ và hành vi ứng xử của cá nhân trong quá trình tham gia các mối quan hệ xã hội phong phú, đa dạng và phức tạp. Ở mức độ phát triển này, cá nhân có thể tác động một cách có ý thức không những nhằm biến đổi hiện thực xung quanh, mà còn có thể tác động để điều khiển sự phát triển tâm lí, nhân cách của chính mình.
Như vậy, tiêu chí đánh giá nhân cách ở mức độ trưởng thành, khi cá nhân có khả năng làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân với tư cách là một chủ thể xã hội.