2. Sự phát triển nhân cách
2.3. Các giai đoạn hình thành và phát triển nhân cách
Sự hình thành và phát triển nhân cách trải qua các giai đoạn từ thấp đến cao. Có thể xem xét các giai đoạn phát triển nhân cách trên các góc độ khác nhau.
– Trên bình diện tâm lí học xã hội, sự phát triển nhân cách diễn ra trong quá trình xã hội hoá cá nhân, trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn thích ứng (sự phát triển ở cấp độ sinh học)
Lọt lòng mẹ là thời điểm trẻ sơ sinh “thoát khỏi” thời kì cộng sinh ở trong bụng mẹ, ra đời sống hoà nhập vào môi trường xã hội. Trong những ngày đầu, cơ thể của trẻ đáp lại những tác động của môi trường xung quanh chủ yếu dựa trên hệ thống phản xạ không điều kiện; dần dần dựa trên hệ thống phản xạ không điều kiện, hệ thống phản xạ có điều kiện được hình thành giúp trẻ ngày càng thích ứng tốt hơn với môi trường bên ngoài.
Lúc mới sinh ra trẻ còn ở trong trạng thái “bất phân” với nhiều cảm giác lẫn lộn, chưa phân biệt đâu là cảm giác bên trong nội tạng, đâu là cảm giác từ kích thích bên ngoài. Dần dần các “cảm giác hỗn hợp” ấy mới phân hoá thành những cảm giác riêng biệt (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, cảm giác vận động v.v…). Lúc đầu trẻ cũng không phân biệt vú mẹ với môi trường, không phân biệt người khác với bản thân. Tất cả như hoà nhập thành một khối, dần đần mới tách biệt, mới phân hoá để cảm nhận sự vật và con người ở xung quanh. Từ đó trẻ có thể nhận ra bản thân mình và định hướng vào môi trường bên ngoài. Nhờ quá trình thích ứng trong giai đoạn này ở trẻ các chức năng tâm lí đơn giản bắt đầu phát triển, đặc biệt là quá trình nhận thức cảm tính và những cảm xúc đa dạng.
Giai đoạn cá nhân hoá (sự phát triển ở cấp độ tâm lí)
Ở giai đoạn này quá trình cá nhân hoá chính là quá trình đứa trẻ lĩnh hội những kinh nghiệm xã hội – lịch sử của nhân loại để tạo nên vốn kinh nghiệm riêng của bản thân thông qua các dạng hoạt động đối tượng và giao tiếp (hoạt động vui chơi, trò chơi trí tuệ, trò chơi đóng vai, hoạt động văn nghệ v.v…). Vốn kinh nghiệm riêng ngày càng trở nên phong phú, càng mang đậm dấu ấn của cái Tôi thể hiện trong cá tính độc đáo của mỗi người. Hiện tượng “tự kỉ trung tâm” là một biểu hiện khá rõ của quá trình cá nhân hoá.
Giai đoạn tích hợp (sự phát triển ở cấp độ xã hội)
Khi bước vào giai đoạn trưởng thành mỗi cá nhân đều khoác lên vai những vai trò và ở những vị trí khác nhau trong các nhóm xã hội khác nhau (gia đình, nhóm nghề nghiệp, tổ chức chính trị xã hội v.v…). Đồng thời mỗi người đều tiếp nhận những ảnh hưởng của gia đình, nhóm nghề nghiệp, giai cấp, dân tộc v.v… thông qua những truyền thống, phong tục, tập quán, thói quen, lối sống… ở tuổi trưởng thành cá nhân không lĩnh hội những kinh nghiệm xã hội – lịch sử một cách thụ động mà chủ động tích hợp những kinh nghiệm đó trên cơ sở “sàng lọc” và “nhào nặn” tạo nên bản sắc riêng, độc đáo thể hiện trong nhân sinh quan thế giới quan, niềm tin, lí tưởng… của cá nhân.
– Trên bình diện tâm lí học lứa tuổi, sự phát triển tâm lí, nhân cách của trẻ mang tính quy luật và được phân chia theo các giai đoạn lứa tuổi.
Sự chuyển biến từ giai đoạn này sang giai đoạn khác không phải là một quá trình tiến hoá, mà là bước nhảy lọt biện chứng sang một chất lượng mới; từ hình thái này sang hình thái khác. L.X.Vưgôtxki ví như quá trình biến hoá hình thái từ con nhộng thành con ngài và từ con ngài thành con bướm. (nó vừa là nó, vừa không phải là nó nữa).
Mỗi chức năng tâm lí, mỗi cấu thành nhân cách đều có thời kì phát triển tối ưu cua nó. Mỗi giai đoạn lứa tuổi được đặc trưng bởi một cấu trúc nhân cách đặc thù được hình thành bởi “hoàn cảnh xã hội của sự phát triển” điển hình của giai đoạn đó.
Sự phát triển nhân cách của trẻ là sự luân phiên của thời kì hướng ngoại và thời kì hướng nội. Hoạt động của trẻ căn bản là hướng vào những đối tượng bên ngoài (vật thể, con người) nhưng tới thời kì nào đó nó lại được hướng vào trong (đối chiếu bản than). Có quan điểm cho rằng sự phát triển nhân cách của trẻ theo giai đoạn lứa tuổi là sự tiếp nối là thay thế hoạt động chủ đạo của mỗi lứa tuổi (D.I. Phinstein); là sự luân phiên ở vị trí chủ đạo vị trí hàng đầu của 2 hệ thống quan hệ: quan hệ chủ thể – đối tượng và quan hệ chủ thể – chủ thể (D.B.Encônhin).
* Hoạt động chủ đạo và các giai đoạn lứa tuổi
Hoạt động chủ đạo quy định phương hướng và tính chất phát triển; đồng thời tạo ra những biến đổi quan trọng nhất trong sự phát triển tâm lí, nhân cách ở mỗi giai đoạn lứa tuổi. Trong tâm lí học lứa tuổi, các giai đoạn phát triển với hoạt động chủ đạo tương ứng được phân chia như sau:
Giai đoạn lứa tuổi Hoạt động chủ đạo
* Tuổi sơ sinh (0 – 1 tuổi) Giao tiếp cảm xúc trực tiếp * Tuổi vườn trẻ (1 – 3 tuổi) Hoạt động với đồ vật * Tuổi mẫu giáo (3 – 6 tuổi)
Hoạt động vui chơi (trò chơi đóng vai)
* Tuổi nhi đồng (6 – 11, 12 tuổi) (học sinh tiểu học) Hoạt động học tập (hướng trí tuệ)
* Tuổi thiếu niên (11, 12 – 15, 16 tuổi) (học sinh THCS) Hoạt động học tập và giao lưu tâm tình * Tuổi thanh niên (15, 16 – 18, 19 tuổi (học sinh PTTH) Hoạt động học tập (hướng nghiệp) Tuy phân chia các giai đoạn phát triển theo lứa tuổi, song sự chuyển tiếp của các giai đoạn không gãy gọn, “dứt điểm” mà thầm lặng, gối lên nhau. Cuối giai đoạn trước đã nảy sinh mầm mống của giai đoạn sau.