2. Sự phát triển nhân cách
2.4. Cơ chế tâm lí của sự hình thành và phát triển nhân cách
Hoạt động là quá trình tác động qua lại giữa con người và thế giới đồ vật để tạo ra sản phẩm cả về phía thế giới đó, cả về phía con người với tư cách là chủ thể của hoạt động. Trong sự tác động qua lại diễn ra đồng thời 2 quá trình bổ sung cho nhau, thống nhất với nhau. Đó là quá trình đối tượng hoá và chủ thể hoá.
Quá trình đối tượng hoá, là quá trình trong đó chủ thể chuyển những năng lực của mình vào sản phẩm làm cho thế giới đối tượng ngày càng trở nên phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Quá trình đối tượng hoá còn gọi là quá trình xuất tâm.
Quá trình chủ thể hoá, là quá trình trong đó con người chuyển từ thế giới đối tượng vào bản thân mình những tri thức, quy luật (tự nhiên, xã hội, tư duy) quan điểm thẩm mĩ v.v… để tạo nên tâm lí, nhân cách của bản thân thông qua hoạt động. Quá trình chủ thể hoá còn gọi là quá trình nhập tâm.
Như vậy, thông qua 2 quá trình đối tượng hoá và chủ thể hoá con người vừa chiếm lĩnh, vừa sáng tạo ra đối tượng, đồng thời tự biến đổi, tự hoàn thiện nhân cách của mình. Sự chuyển hoá giũa cái bên trong (tâm lí, nhân cách) và cái bên ngoài (những đối tượng trong nền văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần) là cơ chế tâm lí của sự hình thành và phát triển nhân cách.
* Sự chiếm lĩnh nội dung những quan hệ xã hội
Muốn hiểu đầy đủ hơn về cơ chế hình thành và phát triển nhân cách cần phân tích sâu hơn luận điểm của A.N.Lêônchiep. Theo ông, “…Nhân cách con người được sản xuất ra, được tạo ra bởi các quan hệ xã hội mà cá nhân gia nhập vào đó trong hoạt động của mình”. Như vậy, nhân cách không được tạo ra trực tiếp từ hoạt động, mà được hình thành bởi các quan hệ xã hội nảy sinh và diễn ra trong quá trình tác động qua lại giữa chủ thể với thế giới vật thể và thế giới con người. Sự tác động qua lại với thế giới con người về thực chất là quá trình giao lưu trực tiếp hay gián tiếp. Chính nội dung của các mối quan hệ xã hội nảy sinh trong giao tiếp đều chứa đựng những giá trị xã hội, những quy tắc ứng xử, những chuẩn mực đạo đức, lối sống v.v… Trong quá trình giao tiếp, các cá nhân trao đổi ý nghĩ, kinh nghiệm sống, trao đổi tâm tình, nhận thức lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Những giá trị xã hội đạo đức mang tính truyền thống cùng với những giá trị nhân văn mang tính thời đại hoà quyện trong nội dung quan hệ giao tiếp, quan hệ nhân cách.
Kết quả nghiên cứu lí luận và nghiên cứu thực nghiệm sư phạm góp phần làm sáng tỏ luận điểm “nhân cách được tạo ra bởi các quan hệ xã hội” và từ đó nêu lên cơ chế tâm lí – xã hội của sự hình thành nhân cách. Đó là quá trình chủ thể chiếm lĩnh đối tượng, vừa chiếm lĩnh nội dung của những quan hệ xã hội được hiện thực hoá thành những quan hệ giao tiếp, quan hệ nhân cách, mà nội đung của những quan hệ này chứa đựng những chuẩn mực, những giá trị xã hội có tác dụng điều chỉnh hành vi của chủ thể trên cơ sở đánh giá và tự đánh giá.