2. Lí luận về nhân cách trong tâm lí học Xô Viết
2.3. Những quan niệm về cấu trúc của nhân cách trong tâm lí học Xô Viết
* Những cơ sở là tiền đề xuất phát
Khi xem xét nhân cách trong quá trình hoạt động hiện thời thì cấu trúc của nhân cách với tư cách là yếu tố chủ thể hoạt động có tính quyết định ảnh hưởng đến sự thúc đẩy hành vi, hình thức giao tiếp, đến hoạt động nói chung và cũng ảnh hưởng đến các trạng thái của nhân cách. Việc nghiên cứu về cấu trúc của nhân cách đã trở thành nhiệm vụ trung tâm của tâm lí học Xô viết. Đây cũng thường là điểm đụng độ gay gắt của các quan điểm mâu thuẫn nhau trong tâm lí học về nhân cách. Tình hình đó đòi hỏi phải có một phương pháp tiếp cận vấn đề này. Những công trình xung quanh Ananhiep được coi là đi đầu trên
lĩnh vực này. Chính Ananhiep đã dày công xây dựng những tiền đề phương pháp luận – phương pháp nghiên cứu về cấu trúc nhân cách. Trong phạm vi này, năm 1966, Norakide viết rằng, ngay khi xuất hiện, khoa học tâm lí đã nhận ra rằng nhân cách không chỉ biểu hiện một số lượng mà đồng thời còn biểu hiện một cấu trúc. Cấu trúc này chứa đựng những quy luật chung. Những hiểu biết về những quy luật chung của cấu trúc nhân cách là điều cần thiết bắt buộc khi nghiên cứu về kiểu loại riêng của nhân cách. Nhà nghiên cứu Xô viết này khẳng định rằng tâm lí học tư sản phương Tây không thể đạt đến sự mô tả đa diện về đời sống tâm lí của nhân cách trong thể thống nhất có tính toàn vẹn cấu trúc của nó mà chỉ đưa ra những giải thích đơn lẻ, bộ phận chi tiết. Ananhiep và Palai (1970) đã nghĩ rằng điểm đối chứng của vấn đề này là mối tương tác của tính sai biệt và tính tích hợp (thâm nhập vào nhau). Điều này cũng bộc lộ chẳng hạn tổng quan niệm của Allport, Doktrin cho rằng nhân cách cần được coi là tổng cộng lại từ hàng ngàn kĩ xảo độc lập, chuyên biệt và qua đó cũng bộc lộ về tình hình phát triển của tâm lí học sai biệt trên lĩnh vực lí luận về các thuộc tính cơ bản và các kiểu hệ thần kinh. Cái thống trị ở đây là tính sai biệt, mà đặc biệt về phương pháp nghiên cứu đã có thể khăng định là không có khả năng tìm ra kiểu chung của hệ thần kinh qua việc đo từng thông số. Vì vậy có thể sai lầm khi nói rằng chỉ tồn tại những kiểu thành phần. Cũng như vậy, người ta có thể sai lầm trên lĩnh vực mô hình nhân cách và mô hình trí tuệ yếu tố hoá (theo phương pháp phân tích yếu tố). Trong hệ thống quan niệm của họ, Burt, Thurtorne và Cattell xem cấu trúc là một liên kết về mặt nội dung theo các thông số tự thân, dù có thể có những tác động qua lại của các thông số đó như là một hệ thống mạng lưới nhận biết.
Chéplốp (1961) và Platônốp (19691 cho rằng sự tiếp cận các thuộc tính nhân cách là sự tiếp cận hình thức khái quát (khả năng là hoạt động khái quát, nét tính cách là động cơ tổng hợp) theo quan niệm của Rubinstein. Năm 1947, Ananhiep phát biểu rằng có hai nguyên tắc đặt cơ sở xây dựng cấu trúc nhân cách và thể hiện một trường họp riêng lẻ của quy luật cấu trúc chung của nhân cách và các thuộc tính của nó. Theo nguyên tắc phân lớp thì những đặc trưng xã hội chung của nhân cách phải được sắp xếp thành từng đặc trưng tâm – sinh lí và xã hội. Theo nguyên tắc điều hoà thì dù các tương tác có vị trí xác định tương đối đối với các đại lượng tuyến tính với nhau, thì cũng là cái đại diện cho nhân cách, chẳng hạn các thái độ và hình thức hành vi cũng như tổ hợp các định hướng giá trị. Dù trong quan niệm cấu trúc nhân cách còn phải bổ sung chỗ này chỗ kia, song bản thân khái niệm cấu trúc nhân cách không có sự khác nhau. Quan điểm đặt nền tảng cho nghiên cứu cấu trúc nhân cách là “Cấu trúc là một liên hệ và quan hệ qua lại bền vững có quy luật của bộ phận và phần tử của toàn thể, của hệ thống”. Cấu trúc này tồn tại bền vững bất luận sự thay đổi thường xuyên của bộ phận và bản thân toàn thể. Cấu trúc này chỉ thay đổi khi cái toàn thể có một nhảy vọt về chất lượng. (Rosental và Judin, 1963).
Đặc biệt, năm 1969, chính Platônốp đã chỉ ra những sai lầm cần được khắc phục của một quan niệm cho cấu trúc chỉ là một khối các của các phần tử và do đó rơi vào mảnh đất của thuyết chức năng tâm lí. Và cũng sai lầm, phiến diện nếu chỉ quan tâm đến quan hệ giữa các yếu tố nằm trong tâm điểm hay chỉ thấy cái toàn thể mà không thấy các quan hệ tương tác giữa bộ phận và toàn thể (như trong tâm lí học Gestalt). Từ đó, Platônốp đã kết luận rằng, cấu trúc là sự thống nhất các phần tử của nó, các mối quan hệ của những phần tử này và của toàn thể, và các mối liên hệ của các phần tử với toàn thể, trong đó phải chú trọng nhất đến mối quan hệ giữa các phần tử với toàn thể trong cấu trúc nhân cách. Chính vấn đề các yếu tố cấu trúc của nhân cách đang là trung tâm của những tranh luận hiện nay trong tâm lí học nhân cách. Ở đây có quan niệm xếp cả những đặc điểm sinh lí và những chỉ số của các quá trình và trạng thái tâm lí vào cấu trúc của nhân cách. Điều này là mâu thuẫn với sự xác định khái niệm nhân cách mà trong đó có các đặc điểm như tính định hướng, thái độ, xu hướng, các thuộc tính tính cách, năng lực. Kiểu cá nhân được xếp vào đại lượng tâm – sinh lí của lớp các thuộc tính khởi thuỷ bởi vì các đặc điểm cá nhân phần nhiều được truyền lại thông qua đặc điểm xã hội của nhân cách. Cấu trúc của các cá nhân là dưới dạng những đặc điểm chung nhất, là những đặc điểm và tổ hợp cơ bản đối với hoạt động sống và hành vi.
Quan niệm coi nhân cách tương tự như cơ thể của con người, và do đó nó cũng cần có một “bộ khung” là không thích hợp ở đây. Nếu ở đây đề cập đến vấn đề mối tương quan của cái sinh vật và cái xã hội dưới dạng đặc biệt hoá, thì liệu với tư cách là cơ sở của những thông số sinh lí học có liên quan đến bình diện phẩm chất đối với vấn đề cấu trúc nhân cách hay không, ngay cả khi giả định rằng có sự tồn tại biện chứng của nó trên bình diện tâm lí học.
Năm 1974 Ananhiep đã phát biểu rằng, giữa cấu trúc nhân cách và thể chất hay kiểu hệ thần kinh không chỉ có mối quan hệ tuyến tính đơn giản.
* Những quan điểm chủ yếu về vấn đề cấu trúc nhân cách
Trong tâm lí học nhân cách Xô viết có nhiều lí thuyết khác nhau về cấu trúc nhân cách. Sau đây đề cập đến một số quan điểm đại diện.
– Quan niệm của Côvaliốp (1970) xem nhân cách như một liên kết của những tiểu cấu trúc phức hợp sau:
+ Khí chất (tiểu cấu trúc các thuộc tính tự nhiên).
+ Xu hướng theo nghĩa tính định hướng (hệ thống nhu cầu, hứng thú, lí tưởng). + Năng lực (hệ thống các thuộc tính trí tuệ, ý chí và xúc cảm).
Những tiểu cấu trúc này được hình thành phù hợp với các yêu cầu hoạt động, trong quá trình của hoạt động nhờ mối liên kết phù hợp yêu cầu của các thuộc tính tâm lí. Dưới quan điểm cấu trúc này, theo Ananhiep thì sự chuyển từ các quá trình tâm lí sang các trạng thái tâm lí và từ các trạng thái tâm lí đó sang các thuộc tính tâm lí là có kết quả nhất. Tương tự, một số tác giả khác cũng xem cấu trúc nhân cách như là sự thống nhất động của năng lực, khí chất, tính cách và những quan hệ có ý thức biểu hiện trong quan điểm, nguyên tắc, hứng thú và khuynh hướng.
Có một quan niệm khác về cấu trúc nhân cách không giống với quan niệm của Côvaliốp là quan niệm do Miaxisep nêu ra vào những năm 1938 – 1960. Trong tâm lí học về các quan hệ do ông xây dựng, Miaxisep đã xác định nhân cách qua các mặt sau:
+ Tính định hướng: Thuộc tính này tác động đến các quan hệ tích cực hay tiêu cực được xác định bởi thực tế xã hội mà nhân cách tồn tại trong đó, trên các mặt của hiện thực bao gồm: quan điểm, niềm tin, giá trị, khuynh hướng, hứng thú, mục đích và động cơ hoạt động. Trong đề cương tâm lí học nhân cách của Miaxisep, nhân cách được đặt ngang với trình độ cao nhất của hình ảnh tâm lí, với hệ thống quan hệ ấy.
+ Trình độ của kinh nghiệm, bao gồm: Mức độ rộng lớn của các quan hệ xã hội, tính phức tạp của các mối liên kết qua lại với hiện thực, chất lượng của sự phản ánh hiện thực và thay đổi hiện thực. Mặt này của nhân cách hình như tương đối độc lập với tính định hướng. Ở đây nhận thấy tác giả cố gắng đưa ra các mặt đánh giá theo chuẩn chủ thể của nhân cách và đo đạc hiệu quả của nó với tư cách là chủ thể của hoạt động.
+ Tính cấu trúc nhân cách. Trong khi xem xét và xác định về nhân cách thì tính cấu trúc góp phần làm sáng tỏ tính toàn thể hay tính bộ phận, tính kết tụ hay tính mâu thuẫn, tính bền chặt hay tính biến đổi, sâu sắc hay nông cạn của chúng.
+ Động thái của khí chất. Mặt này của nhân cách được xác định qua mức độ của tính cảm xúc, tính có thể kích thích, lực và tốc độ của các quan hệ.
Bốn mặt hay bốn phương diện vừa trình bày trên đây về cấu trúc nhân cách nghiêng về việc nêu những nguyên tắc quan sát hay phương diện tiếp cận nhân cách. Ở đây cấu trúc của nhân cách chỉ là một sự xác định có tính hình thức theo nghĩa tính thống nhất và tính toàn vẹn và như thế thì chỉ bao gồm sự xác định phát triển chức năng của con người. Điều này ngược lại với quan niệm của Côvaliốp. Và như vậy thì tính định hướng, trình độ phát triển và động lực đã có được một nơi tồn tại khác ở bên ngoài cấu trúc nhân cách.
- Quan niệm của Platônốp đại diện cho một cấp độ khác của sự tiếp cận tích hợp đến cấu trúc nhân cách. Ông đã phân tích các hiện tượng tâm lí của nhân cách thành các lớp rõ ràng. Platônốp vẫn giữ lại các phạm trù quen thuộc: Quá trình tâm lí, trạng thái tâm lí và thuộc tính tâm lí.
Platônốp cho rằng tất cả các quan điểm về cấu trúc nhân cách vừa nêu (kể cả quan điểm của Merlin sắp trình bày) không phù hợp với yêu cầu của khái niệm cấu trúc theo sự phân chia thành phần tử và cấu trúc cơ bản ở những trình độ khác nhau, chúng cố định hoá những liên kết giữa các yếu tố được tách ra với nhau cũng như giữa chúng và nhân cách với tư cách một toàn thể. Trong công trình của mình, Platônốp đã nghiên cứu trình độ tích hợp của các tiểu cấu trúc nhân cách nhờ việc xác định khái niệm “cấu trúc chức năng động của nhân cách” được ông nêu lên nhiều lần vào các năm 1961, 1965 và 1968, theo đó có thể kể đến 4 tiểu cấu trúc cơ bản sau:
+ Cấu trúc có nguồn gốc xã hội (tính định hướng, các quan hệ, thái độ đạo đức. + Kinh nghiệm (bề rộng và chất lượng của tri thức, năng lực, kĩ xảo và thói quen).
+ Đặc tính cá nhân của hình thức phản ánh (trong nghĩa những đặc điểm của các quá trình tâm lí khác nhau.
+ Cấu trúc có nguồn gốc sinh học (khí chất và những đặc tính của cơ thể). Platônốp đã xác định các tiểu cấu trúc theo các tiêu chí sau:
* Tiêu chí đầu tiên là mối quan hệ di truyền – tập nhiễm. Ở đây phần bẩm sinh thống nhất với phần tập nhiễm từ tiểu cấu trúc thứ nhất đến tiểu cấu trúc thứ tư.
* Tiêu chí thứ hai là sự gần nhau ở bên trong của các nét nhân cách, cho phép hợp nhất các tổ hợp thuộc tính vào một tiểu cấu trúc.
* Tiêu chí thứ ba là mỗi tiểu cấu trúc phải có các hình thức hình thành riêng và có khả năng tác động riêng, chẳng hạn đối với tiểu cấu trúc thứ nhất là sự luyện tập. Một số thuộc tính được sắp đặt vào vị trí lân cận của các tiểu cấu trúc, ví dụ như “sức mạnh ý chí” có vị trí nằm giữa tiểu cấu trúc 1 và 4.
Những quan niệm này về cấu trúc nhân cách cũng có nhiều điều cần phải suy nghĩ thêm. Nhưng điều đáng nói là sự vạn dụng mô hình nhân cách của Platônốp vẫn dừng lại ở việc mô tả bằng lời và không được kiểm tra giả thuyết bằng thực nghiệm. Vì vậy có cảm giác rằng sự phân nhóm thuộc tính nhân cách của Platônốp trước tiên chỉ phục vụ cho sự hệ thống hoá các khái niệm, thuộc tính được mô tả. Hơn nữa những tiêu chí làm căn cứ để phân loại các hiện tượng tâm lí của nhân cách của Platônốp hình như ít được biện luân theo tính cấu trúc hoà. Ở đây có thể nêu câu hỏi, tại sao phân chia theo nguyên tắc phân tích điều kiện mà không theo đơn vị quan hệ cấu trúc được bắt nguồn từ những liên kết chức năng của các phần tử cấu trúc. Có lẽ chính vì vậy mà Anxưphêrốpva đã phê phán rằng, mô hình cấu trúc nhân cách của Platônốp không làm bộc lộ được mối liên kết lẫn nhau giữa các cấu trúc bộ phận. Theo bà, có lẽ việc nghiên cứu từ nguyên tắc thống nhất của nhân cách và hoạt động đã được Platônốp ít diễn tả trong không gian nhiều chiều, cấu trúc nhân cách đã được Platônốp nghiên cứu tách rời hoạt động. Hơn nữa trong quan điểm cấu trúc nhân cách của Platônốp hoàn toàn vắng bóng những yếu tố như “cái tôi”.