1. Sự hình thành nhân cách
1.1. Nhân cách không bẩm sinh mà được hình thành
Trẻ em sinh ra là một con người (đại biểu của loài người) có những đặc điểm mang sắc thái riêng (cá tính) nhưng chưa là một nhân cách. Lọt lòng mẹ trẻ rơi vào môi trường xã hội đầu tiên, được người lớn nuôi dưỡng, chăm sóc đáp ứng các nhu cầu cơ thể của trẻ và ngay trong tháng đầu của cuộc đời ở trẻ bắt đầu nảy sinh một loại nhu cầu mới; khác biệt với những nhu cầu đầu tiên. Đó là “Nhu cầu về những ấn tượng bên ngoài”, có đặc điểm không bão hoà, càng có nhiều ấn tượng mới
tác động đến trẻ thì nhu cầu tiếp nhận chúng càng tăng ở trẻ. Theo L.I.Bojovich thì nhu cầu này xuất hiện ở trẻ vào khoảng từ tuần lễ thứ 3 đến thứ 5. Những ấn tượng mới từ thế giới bên ngoài (màu sắc, âm thanh, mùi vị v.v…) là những kích thích làm cho các giác quan và hệ thần kinh, trước hết là vỏ não của trẻ hoạt động. Nhờ đó các chức năng của chúng phát triển. Có thể xem “nhu cầu về những ấn tượng bên ngoài” là động lực chính của sự phát triển nhận thức bước đầu ở trẻ.
Khi được thoả mãn các nhu cầu cơ thể cùng với nhu cầu về những ấn tượng bên ngoài, ở trẻ bắt đầu nảy sinh những cảm xúc tích cực (dễ chịu, thoải mái, phấn chấn v.v.:.). Những cảm xúc đó còn được trẻ trải nghiệm mỗi khi được người lớn ôm ấp, vỗ về âu yếm trong khi chăm sóc. Vì vậy, ở trẻ sơ sinh nhanh chóng hình thành nhu cầu xã hội đầu tiên. Đó là nhu cầu giao tiếp cảm xúc, xuất hiện vào cuối tháng thứ 2. Nhu cầu này là động lực phát triển đời sống tình cảm của trẻ. Trẻ thường biểu lộ rõ “phức cảm hớn hở” (sự kết hợp đồng bộ những cảm xúc vui thích cùng với những cử động tay chân tíu tít) mỗi khi được “trò chuyện” với người lớn.
Như vậy, trong những tháng đầu của tuổi sơ sinh (0 – 1 tuổi) trẻ không những tăng trưởng về thể chất, mà đời sống tâm lí của trẻ cũng được phát triển. Trình độ phát triển tâm lí đạt đến một mức độ nhất định thì trở thành một nhân cách.