Các doanh nghiệp cần củng cố, nâng cao trình độ nghiệp vụ ngoại thương và thanh toán quốc tế. Cụ thể, phải nắm vững nội dung chủ yếu của UCP và các thông lệ quốc tế khác. Việc nâng cao kỹ năng trong việc lập chứng từ và kiểm tra nội dung của thư tín dụng là hết sức quan trọng. Các doanh nghiệp nên chủ động nắm bắt thời cơ, thận trọng khi đàm phán ký kết hợp đồng sao cho hợp đồng phải cụ thể, chính xác, rõ ràng, đầy đủ các điều khoản, nêu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên, phạm vi và đối tượng xử lý khi có tranh chấp xẩy ra, tránh những từ ngữ mập mờ, khó hiểu, gây bất lợi sau này. Để làm được điều này, các doanh nghiệp nên thường xuyên cử cán bộ tham gia huấn luyện về xuất nhập khẩu và thanh toán quốc tế do các
trường đại học và phòng thương mại và công nghiệp tổ chức. Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp nên có một bộ phận pháp chế hoặc sử dụng tư vấn pháp lý để tránh được các bất đồng hoặc tranh chấp có thể xẩy ra trong kinh doanh và thanh toán.
Nghiên cứu tìm hiểu kỹ thị trường để lựa chọn đúng bạn hàng. Trong xu thế mở rộng giao lưu, buôn bán với nước ngoài, doanh nghiệp không chỉ bó hẹp trong phạm vi mối quan hệ với những bạn hàng truyền thống mà phải mở rộng phạm vi mối quan hệ ra bên ngoài. Doanh nghiệp có thể thông qua phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Trung tâm thông tin tín dụng thuộc NHNN, các ngân hàng phục vụ mình, các tổ chức Việt Nam ở nước ngoài để nắm bắt thông tin, tìm hiểu đối tác.
Trong quan hệ làm ăn với đối tác nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ theo đúng các thông lệ quốc tế, không nên vì mối quan hệ trước mắt mà đánh mất uy tín của bản thân doanh nghiệp và các ngân hàng Việt Nam, luôn có thái độ hợp tác với ngân hàng trong việc tìm ra biện pháp tháo gỡ khi có rủi ro xẩy ra, không nên đặt hết trách nhiệm cho ngân hàng. Từ khi ký kết hợp đồng đến khi thanh toán cần tranh thủ sự tư vấn của ngân hàng để nắm bắt thông tin và có lựa chọn đúng đắn về thời gian thanh toán, tránh điều khoản bất lợi, qua đó còn tranh thủ được sự hỗ trợ về vốn của ngân hàng.
KẾT LUẬN •
Hoạt động thanh toán quốc tế nói chung và theo phương thức tín dụng chứng từ nói riêng có vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh tế đối ngoại và hoạt động kinh doanh của ngân hàng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay chúng ta đang hội nhập mạnh mẽ và đa phương vào nền kinh tế toàn cầu, đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại và thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế đất nước. Hoạt động thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ đã trở thành mảng dịch vụ lớn mang lại nhiều lợi nhuận cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, hoạt động thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ còn nhiều mới mẻ đối với ngân hàng còn non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm như SeABank. Hoạt động này tại SeABank vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém, chưa phát huy được lợi thế sẵn có tạo ra thành công mang tính đột phá. Chính vì vậy, luận văn với đề tài “Giải pháp hoàn thiện nghiệp vụ thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á” đã đề cập đến những vấn đề sau:
- Hệ thống hóa lý luận cơ bản về hoạt động thanh toán quốc tế nói chung và hoạt động thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ nói riêng, quy trình, cơ sở pháp lý cũng như những nhân tố tác động đến hoạt động thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ.
- Phân tích, đánh giá thực trạng thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ tại SeABank một cách trung thực, khách quan và khoa học, từ đó rút ra những kết quả đạt được, những tồn tại và nguyên nhân tồn tại đó.
- Đề xuất một số giải pháp cũng như một số kiến nghị đối với Chính phủ, NHNN và khách hàng để nhằm hoàn thiện và phát triển nghiệp vụ thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ tại SeABank.
Tuy nhiên, hoạt động thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ là một phương thức khá phức tạp, với sự hiểu biết và thời gian nghiên cứu còn hạn chế, luận văn không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Kính mong Hội đồng khoa học, các thầy cô giáo đóng góp ý kiến để tác giả có điều kiện tiếp tục và hoàn thiện luận văn tốt hơn.
Em xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ và hướng dẫn nhiệt tình có cô giáo TS. Nguyễn Thị Chiến và các anh chị và các bạn đồng nghiệp trong phòng TTQT-TTTT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á để em có thể hoàn thành luận văn này.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. PGS - TS Nguyễn Văn Tiến (2007), Giáo trình thanh toán quốc tế, Nhà xuất bản thống kê, Hà Nội
2. PGS - TS Nguyễn Văn Tiến (2007), Cẩm nang thanh toán quốc tế, Nhà xuất bản thống kê, Hà Nội
3. PGS - TS Nguyễn Văn Tiến (chủ biên), TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, NCS. Trần Nguyễn Hợp Châu, NCS. Nguyễn Thị Cẩm Thủy (2010), Hỏi - Đáp Thanh toán quốc tế, Nhà xuất bản thống kê, Hà Nội
4. PGS - TS Nguyễn Thị Thu Thảo (chủ biên), TS. Hoàng Xuân Quý, TS. Đặng Ngọc Đức, TS. Đàm Văn Huệ, THS. Hoàng Lan Hương (2006), Nghiệp vụ thanh toán quốc tế, Nhà xuất bản Lao động - Xã hội, Hà Nội
5. PGS - TS Nguyễn Thị Quy (2003), Thanh toán quốc tế bằng L/C các tranh chấp thường phát sinh và cách giải quyết, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Bộ tập quán quốc tế về L/C (2007), Nhà xuất bản Đại học kinh tế quốc dân,
Hà Nội
7. Tài liệu ngân hàng:
- Báo cáo thường niên các năm 2007, 2008, 2009, 2010 - Báo cáo tổng kết TTQT các năm 2007, 2008, 2009, 2010 - Trang web ngân hàng: http//www.seabank.com.vn
8. Các trang web:
- http://sbv.gov.vn
- http://tailieu.vn