NHÓM GIẢI PHÁP VỀ CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG tín DỤNG đối với CHO VAY hộ NGHÈO tại PHÒNG GIAO DỊCH NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH xã hội HUYỆN BA tơ, TỈNH QUẢNG (Trang 80 - 85)

6. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN

3.2.2.NHÓM GIẢI PHÁP VỀ CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT

Huy động được nguồn vốn cho hộ nghèo vay đã khó, nhưng kiểm soát nguồn vốn đó được sử dụng có hiệu quả hay không còn là điều khó hơn. Hiện nay chúng ta đang quản lý cho vay theo mô hình tổ nhóm, việc kiểm soát vốn tùy thuộc vào trình độ quản lý của tổ, nhóm. Do vậy, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động vay vốn ở cơ sở đặc biệt quan trọng. Làm tốt công tác kiểm tra sẽ giúp nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của Phòng giao dịch NHCSXH huyện, nó là một trong những điều kiện để đảm bảo hiệu quả tín dụng, hiệu quả sử dụng vốn của hộ nghèo. Đối với NHCSXH hiện nay, cơ chế cho vay hộ nghèo thực hiện ủy thác qua các tổ

chức chính trị xã hội trên địa bàn; việc bình xét hộ vay, mức vay, thời hạn vay được thực hiện tại tổ vay vốn; có sự kiểm tra của tổ chức hội và phê duyệt của UBND cấp xã; hộ nhận tiền vay, trả nợ (gốc)... trực tiếp tại điểm giao dịch của NHCSXH tại xã. Do đó, việc kiểm tra giám sát có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hoạt động của NHCSXH, việc kiểm tra giám sát sẽ đánh giá thực trạng quá trình triển khai của các tổ chức chính trị - xã hội khi thực hiện các công việc ủy thác. Nó giúp ngân hàng ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các sai sót trong hoạt động tín dụng. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan giám sát, phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT , tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác và người dân sẽ giúp cho hoạt động tín dụng chính sách hiệu quả hơn, hạn chế nợ quá hạn. Để làm tốt được nội dung này, cần triển khai một số nội dung sau:

Thứ nhất, Phòng giao dịch NHCSXH huyện cần xây dựng kế hoạch tự kiểm tra, giám sát và nghiêm túc thực hiện nội dung tự kiểm tra: Kiểm tra việc vận hành của bộ máy tổ chức hoạt động; kiểm tra từng lĩnh vực hoạt động của mỗi cán bộ trong đơn vị; kiểm tra 20 đơn vị hành chính cấp xã; kiểm tra của các đơn vị nhận ủy thác; kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ, sổ sách, chứng từ kế toán; kiểm tra công tác an toàn kho quỹ; kiểm tra nhiệm vụ của cán bộ tín dụng tại địa bàn xã; kiểm tra hoạt động của Tổ giao dịch lưu động… Thực hiện kiểm tra theo kế hoạch nhưng cần kết hợp kiểm tra đột xuất, chuyên để để đạt kết quả cao. Quán triệt quan điểm công tác kiểm tra, kiểm soát là công cụ phục vụ quản lý, dùng để giám sát kế hoạch, điều chỉnh kịp thời những vướng mắc phát sinh, cảnh báo rủi ro và xử lý nghiêm minh những sai phạm theo các mức độ quy định. Lãnh đạo Phòng giao dịch NHCSXH huyện tăng cường kiểm tra giám sát: Thông qua các chỉ tiêu về củng cố chất lượng tín dụng, các chỉ tiêu thu nợ, thu lãi và các kế hoạch đề ra trong các phiên họp giao ban, lãnh đạo cơ quan phải có giải pháp thích hợp khi phát hiện các vấn đề đang đi lệch mục tiêu hoặc có khả năng không thực hiện được. Thực hiện công tác kiểm tra, phúc tra theo chương trình đã được duyệt trong đó nội dung kiểm tra có gắn chặt chẽvới việc thực hiện đề án. Ngoài ra, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ba Tơ cần phải duy trì thường xuyên việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định, quy chế liên quan đến hoạt động của các bộ phận làm công tác tín dụng để kịp thời phát hiện các sai sót, sai phạm trong hoạt động tín dụng, trên cơ sở đó đề ra biện pháp khắc phục kịp thời nhằm củng cố chất lượng tín dụng, ngăn ngừa rủi ro. Qua kiểm tra, đề xuất với lãnh đạo cơ quan các giải pháp khả thi để chấn chỉnh hoạt động của đơn vị. Thực hiện kết luận kiểm tra: Kết luận kiểm tra phải nghiêm túc thực hiện, không để tâm lý coi thường công tác kiểm tra giám sát dẫn tới không chỉnh sửa các sai sót đã mắc phải, thậm chí còn tiếp tục mắc phải những sai sót tương tự ở mức nghiêm trọng hơn. Qua kiểm tra, nếu có tồn tại cần có biện pháp giáo dục cán bộ cụ thể để răn đe và ngăn ngừa sai phạm tiếp tục xảy ra.

Thứ hai, Đảm bảo thực hiện kiểm tra kiểm soát trên tất cả các khâu của quá trình cho vay:

+ Kiểm tra trước khi cho vay: Để hoạt động cho vay đạt kết quả tốt thì phải kiểm tra đối tượng vay có đúng theo quy định của Nhà nước.

+ Kiểm tra trong khi cho vay: kiểm tra quá trình rút vốn vay, chuyển tiền thanh toán của khách hàng có phù hợp với mục đích vay hay không, có đủ căn cứ hợp pháp, hợp lệ hay không.

+ Kiểm tra sau khi cho vay: Sau khi phát vốn vay ngân hàng tiến hành kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay.

Thứ ba, Phòng giao dịch NHCSXH huyện cần tham mưu cho BĐD-HĐQT- NHCSXH huyện thực hiện tốt hơn công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách ở cơ sở; chủ trì tham mưu cho các thành viên Ban đại diện thực hiện kiểm tra giám sát theo kế hoạch đã đề ra, đề cương kiểm tra gắn với việc thực hiện nhiệm vụ tại đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng tại địa bàn. Mặc dù thành viên Ban đại diện là kiêm nhiệm nhưng được trả phụ cấp hàng tháng. Do vậy, cần phát huy vai trò của Ban đại diện trong công tác kiểm tra, giám sát. Vì các thành viên Ban đại diện là lãnh đạo các Ban, ngành, đoàn thể ở huyện và là Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trên địa bàn nên rất có tiếng nói với cơ sở. Điều kiện triển khai giải pháp: nâng cao hiệu quả hoạt động của BĐD-HĐQT-NHCSXH huyện trong việc kiện toàn kịp thời Ban đại diện khi có sự thay đổi; kiện toàn bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào thành viên ban đại diện (nếu có sự thay đổi) và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đặc biệt là Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm triển khai vốn tín dụng chính sách tại xã. Căn cứ nội dung, chương trình kiểm tra của BĐD-HĐQT-NHCSXH đề ra hàng năm để xây dựng kế hoạch kiểm tra cho phù hợp với địa phương mình; về nội dung kiểm tra:

+ Kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện các nội dung đã ký kết với NHCSXH, trong đó tập trung vào các nội dung: triển khai công tác vay vốn, phối hợp tập huấn, huy động tiết kiệm qua tổ; công tác kiểm tra, giám sát trong quản lý dư nợ ủy thác; công tác quản lý và hỗ trợ tổ Tiết kiệm và vay vốn; công tác tham mưu chính quyền địa phương và xử lý các trường hợp nợ chây ỳ, nợ rủi ro.

+ Kiểm tra, giám sát đánh giá vai trò của chính quyền địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi: xác nhận đối tượng vay vốn; rà soát bổ sung danh sách hộ nghèo theo quy định; chỉ đạo tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện Hợp đồng ủy thác; phân bổ vốn tín dụng; hoạt động của tổ đôn đốc thu hồi nợ xấu.

+ Kiểm tra việc chỉ đạo lập, rà soát bổ sung danh sách, phê duyệt danh sách hộ gia đình đủ điều kiện vay vốn làm cơ sở bình xét cho vay; giám sát bình xét cho vay; đôn đốc, thu hồi, xử lý nợ quá hạn, nợ bị chiếm dụng.

+ Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách tín dụng tại địa bàn quản lý theo chương trình kiểm tra, giám sát của BĐD-HĐQT-NHCSXH hàng năm; định kỳ 01 (một) quý phải kiểm tra ít nhất 01 thôn, một số tổ TK&VV và một số hộ vay, đặc biệt Tổ TK&VV có chất lượng hoạt động chưa tốt.

+ Kiểm tra Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc thực hiện bình xét cho vay hộ nghèo có nhu cầu vay vốn, ghi chép sổ sách, thực hiện việc thu lãi và đôn đốc thu nợ gốc của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

+ Kiểm tra hoạt động của điểm giao dịch cấp xã, kiểm tra sử dụng vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Thứ tư, Phòng giao dịch NHCSXH huyện cần phối hợp, đôn đốc Hội, đoàn thể nhận ủy thác tín dụng ưu đãi thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát hoạt động của các Tổ, Hội ở cơ sở. Nội dung này đã nêu trong văn bản thỏa thuận, Hợp đồng ủy thác đã ký giữa Phòng giao dịch NHCSXH huyện với Hội cấp huyện, xã. Tuy nhiên, thực tế việc này chưa làm tốt vì chủ yếu các Hội không kiểm tra, hoặc có kiểm tra thì theo hình thức, chiếu lệ. Do vậy, cần có giải pháp phát huy tốt công tác

kiểm tra, giám sát này của Hội, đoàn thể. Cần gắn trách nhiệm về công tác kiểm tra với tỷ lệ trích phí hoa hồng, phí ủy thác của NHCSXH huyện cho các đơn vị này. Để công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức hội nhận ủy thác các cấp được thực hiện tốt, góp phần làm cho hoạt động cho vay hộ nghèo của Phòng giao dịch NHCSXH huyện ngày càng có hiệu quả cao; cần có sự chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên của tổ chức hội cấp huyện đối với cấp xã. Điều kiện triển khai giải pháp:

Phòng giao dịch NHCSXH huyện và Hội, đoàn thể thường xuyên thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động ở cơ sở. Đồng thời, kiểm tra, giám sát lẫn nhau trong việc thực hiện các nội dung trong hợp đồng ủy thác đã ký giữa 2 bên. Thực hiện tốt công tác kiểm tra sẽ rút ra được những giải pháp thực hiện nhiệm vụ tốt hơn và ngăn ngừa, hạn chế cũng như sớm có biện pháp xử lý những tồn tại có thể xảy ra.

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG tín DỤNG đối với CHO VAY hộ NGHÈO tại PHÒNG GIAO DỊCH NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH xã hội HUYỆN BA tơ, TỈNH QUẢNG (Trang 80 - 85)