NHÂN TỐ CHỦ QUAN

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG tín DỤNG đối với CHO VAY hộ NGHÈO tại PHÒNG GIAO DỊCH NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH xã hội HUYỆN BA tơ, TỈNH QUẢNG (Trang 36 - 38)

6. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN

1.4.1. NHÂN TỐ CHỦ QUAN

*Chiến lược hoạt động của Ngân hàng

Chiến lược hoạt động được xem là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo của NHCSXH. Khi Ngân hàng đề ra chiến lược tốt phù hợp với mục tiêu, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác xóa đói, giảm nghèo trong từng thời kỳ... thì sẽ có kế hoạch tốt để bố trí nguồn vốn và việc triển khai cho vay vốn được thuận lợi; giúp các hộ nghèo được sử dụng vốn kịp thời và hiệu quả. Ngược lại, việc không có chiến lược, hoặc chiến lược không phù hợp dẫn đến Ngân hàng bị động trong công tác tín dụng; qua đó, ảnh hưởng đến mục tiêu của Đảng và Nhà nước về công tác xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

*Chính sách cho vay

Chính sách cho vay là hệ thống các biện pháp nhằm mở rộng hay hạn chế cho vay để đảm bảo mục tiêu hoạt động của một Ngân hàng. Mỗi Ngân hàng đều xây dựng cho mình một chính sách cho vay dưới những hình thức khác nhau. Thông thường chính sách cho vay có thể là chỉ thị bằng lời của Ban lãnh đạo Ngân hàng hoặc là một tập hợp các hành vi, các thông lệ và những tập quán…

Đối với NHCSXH, chính sách cho vay được thể hiện dưới hình thức bằng văn bản. Văn bản này bao gồm các tiêu chuẩn, các hướng dẫn và các giới hạn để chỉ đạo quy trình ra quyết định cho vay. Khi xây dựng chính sách cho vay, các nhà quản lý đã chú ý sự phù hợp giữa nội dung của chính sách với đường lối phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ. Một chính sách cho vay tốt sẽ giúp Ngân hàng có cơ sở vững chắc để đảm bảo những khoản cho vay an toàn, hiệu quả.

* Quy trình cho vay

Quy trình cho vay bao gồm những quy định cần phải thực hiện trong quá trình từ cấp vốn đến thu hồi nợ. Nó được bắt đầu từ khi điều tra, thiết lập hồ sơ, xét duyệt cho vay, giải ngân, kiểm tra quá trình sử dụng vốn vay, thu lãi cho đến khi thu hồi được nợ. Chất lượng cho vay tuỳ thuộc vào việc thực hiện tốt các quy định trong quy trình cho vay.

Trong quy trình cho vay bước điều tra cho vay, thiết lập hồ sơ và xét duyệt cho vay rất quan trọng, là cơ sở để định lượng rủi ro trong quá trình cho vay. Cho vay đối với người nghèo thực chất công tác điều tra là xem xét, kết luận chính xác về đối tượng vay vốn, mục đích sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ, những rủi ro có thể xảy ra giúp cho Ngân hàng lựa chọn được phương án tốt nhất. Bước kiểm tra quá trình cho vay giúp Ngân hàng nắm được nguyên nhân diễn biến của khoản cho vay đã cung cấp để có những hành động điều chỉnh hoặc can thiệp khi cần thiết nhằm ngăn ngừa rủi ro có thể xảy ra.

Thu nợ, thu lãi là khâu có tính quyết định đến sự tồn tại của Ngân hàng. Sự nhạy bén của Ngân hàng thông qua việc thu lãi, thu nợ để phát hiện kịp thời những hiện tượng bất thường đối với mỗi món vay, đưa ra biện pháp xử lý chính xác, đúng lúc sẽ giảm thiểu các khoản nợ quá hạn và điều đó có tác động tích cực tới chất lượng cho vay.

* Tình hình huy động vốn

Trong hoạt động tín dụng, nguồn vốn đóng vai trò quan trọng. Trong thời gian gần đây, bên cạnh nguồn vốn có nguồn gốc từ Ngân sách như: Nguồn vốn Chính phủ cấp; nguồn vốn từ Trái phiếu; nguồn vốn từ Ngân sách các tỉnh, thành phố, huyện, thị xã... chuyển sang NHCSXH để cho vay. NHCSXH đang tích cực huy động vốn từ các Ngân hàng khác, từ các tổ chức và cá nhân trong nhân dân...

Việc có nguồn vốn ổn định mới đảm bảo tốt cho hoạt động tín dụng của NHCSXH. Nếu thiếu vốn, NHCSXH sẽ không thực hiện được chiến lược tín dụng của mình; không đáp ứng hoặc đáp ứng không đầy đủ nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo nên sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn.

* Công tác tổ chức của Ngân hàng

Công tác tổ chức là công tác mà Ngân hàng bố trí các hoạt động của mình thông qua việc xây dựng lên các phòng ban chuyên trách. Các phòng ban này có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình ra quyết định cấp tín dụng. Cơ cấu tổ chức của Ngân hàng cần phải sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, không chồng chéo, các phòng ban có mối quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với nhau. Từ đó sẽ tạo điều kiện đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng giúp Ngân hàng theo dõi, quản lý sát sao các khoản cho vay, đảm bảo tín dụng Ngân hàng lành mạnh, cho vay đúng đối tượng, quản lý có hiệu quả và phát hiện xử lý kịp thời các khoản tín dụng có vấn đề, từ đó nâng cao chất lượng cho vay.

* Trình độ và đạo đức của cán bộ tín dụng

Hoạt động tín dụng NHCSXH đối với hộ nghèo có tính chất tương đối đặc thù do đối tượng vay vốn là các hộ nghèo, là những người có trình độ chưa cao và có năng lực sản xuất yếu. Do vậy, trong khi trình độ để thực hiện nghiệp vụ tín dụng đối với hộ nghèo không đòi hỏi quá cao; thì đạo đức của cán bộ tín dụng làm công tác cho vay hộ nghèo lại hết sức quan trọng. Cán bộ tín dụng cần gần dân, hiểu dân, biết được tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của hộ nghèo... Mỗi cán bộ tín dụng là một tuyên truyền viên, chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các văn bản nghiệp vụ tín dụng của NHCSXH đến với hộ nghèo. Đồng thời, cũng là cầu nối chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến tay hộ nghèo; giúp họ có vốn; giúp họ sử dụng vốn có hiệu quả... Bên cạnh đó, để xây dựng được lòng tin của hộ nghèo, cán bộ tín dụng cũng cần có tâm trong sáng và đạo đức tốt; tuyệt đối không lợi dụng sự thiếu hiểu biết của hộ nghèo để làm lợi cho cá nhân như vay chung, vay ké, chiếm dụng vốn... Cán bộ tín dụng không có đạo đức tốt sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh và chất lượng hoạt động của NHCSXH cũng như ảnh hưởng xấu đến chương trình, mục tiêu Quốc gia về XĐGN của Chính phủ.

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG tín DỤNG đối với CHO VAY hộ NGHÈO tại PHÒNG GIAO DỊCH NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH xã hội HUYỆN BA tơ, TỈNH QUẢNG (Trang 36 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w