6. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN
2.1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI HUYỆN BA TƠ
*Điều kiện tự nhiên
Ba Tơ là huyện vùng cao nằm về phía Tây Nam của tỉnh Quảng Ngãi cách trung tâm tỉnh lỵ 60 km; địa hình phức tạp; dân cư sinh sống phân tán, thời tiết khắc nghiệt; giao thông đi lại khó khăn và thường ách tắc, cô lập vào mùa mưa, lũ; huyện Ba Tơ có chung đường địa giới hành chính với 3 huyện thuộc 3 tỉnh (KonPlông, tỉnh Kon Tum; Kbang, tỉnh Gia Lai; An Lão, tỉnh Bình Định) và 05 huyện trong tỉnh (Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Minh Long, Sơn Hà); là cửa ngõ nối liền các tỉnh duyên hải miền Trung với Tây Nguyên qua Quốc lộ 24, là huyện nghèo trong 64 huyện nghèo cả nước. Tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện 113.669,52 ha; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 6.115,32 ha, chiếm 5,38 % tổng diện tích tự nhiên, đất lâm nghiệp 97.278,60 ha, chiếm 85,58 % tổng diện tích tự nhiên. Về đơn vị hành chính: Toàn huyện có 19 xã và 01 thị trấn, với 87 thôn và 06 tổ dân phố; dân số toàn huyện có đến ngày 31/12/2019 là 16.602 hộ, trong đó người dân tộc thiểu số 13.512 hộ chiếm 81,38% dân số toàn huyện, đời sống nhân dân nhất là vùng cao còn nhiều khó khăn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, cung cách làm ăn nhỏ lẻ, trình độ dân trí thấp.
*Điều kiện kinh tế - xã hội:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 14,5%. Mặc dù tốc độ tăng trưởng ở mức khá cao nhưng thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 15,84 triệu đồng/người/năm. Hiệu quả kinh tế vẫn ở mức thấp do nông nghiệp vẫn chiếm tỷ
trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, cấp ủy chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm cải thiện tình hình kinh tế xã hội của huyện. Đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất đối với các đối tượng chính sách. Những chính sách ưu đãi này mang đến những hiệu quả đáng khích lệ trong công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.
*Thực trạng công tác xóa đói giảm nghèo tại huyện
Về tổ chức bộ máy, đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác giảm nghèo: Cấp huyện, cấp xã đã thành lập, kiện toàn lại Ban chỉ đạo giảm nghèo, ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên theo dõi công tác giảm nghèo, phụ trách từng địa bàn. Ở cấp huyện, phòng LĐ-TBXH là cơ quan thường trực đã cử công chức theo dõi công tác giảm nghèo của huyện. Trong khi đó cấp xã đã có 20/20 xã, thị trấn được bố trí công chức kiêm nhiệm theo dõi công tác giảm nghèo.
Công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai đồng bộ và kết hợp giữa các chương trình chính sách giảm nghèo chung của Quốc gia cũng như các chương trình giảm nghèo của địa phương. Bao gồm: Chính sách tín dụng ưu đãi; Chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm và XKLĐ cho người nghèo…Công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Chính vì vậy tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2019 còn 26,31%.