Quy trình cấp tín dụng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh tỉnh bình thuận (Trang 37 - 39)

6. Những đóng góp mới của luận văn

1.3.2.4. Quy trình cấp tín dụng

Tuỳ theo đặc điểm tổ chức và quản trị, mỗi ngân hàng đều tự thiết kế và xây dựng cho mình một quy trình tín dụng riêng. Các bước căn bản của một quy trình tín dụng căn bản, thể hiện như sau:

- Lập hồ sơ đề nghị cấp tín dụng: Hồ sơ đề nghị cấp tín dụng cần thu thập từ khách hàng những thông tin sau: năng lực pháp lý và năng lực hành vi của khách hàng, khả năng sử dụng và hoàn trả vốn của khách hàng, tài sản đảm bảo. Ngân hàng thường yêu cầu khách hàng lập và trình cho ngân hàng những giấy tờ liên quan như: giấy đề nghị vay vốn, giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân của khách hàng, phương án sản xuất kinh doanh và kế hoạch trả nợ hoặc dự án đầu tư, báo cáo tài chính 3 năm liền kề và đến thời kỳ gần nhất, các giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh nợ vay, các giấy tờ liên quan khác nếu cần thiết.

- Phân tích tín dụng là phân tích khả năng hiện tại và tiềm tàng của khách hàng về sử dụng vốn tín dụng, khả năng hoàn trả, khả năng thu hồi vốn vay cả gốc và lãi.

Mục tiêu của phân tích tín dụng là tìm kiếm những tình huống có thể dẫn đến rủi ro cho ngân hàng, tiên lượng khả năng kiểm soát những loại rủi ro đó và dự kiến các biện pháp phòng ngừa hạn chế thiệt hại có thể xảy ra. Mặt khác, phân tích tín dụng còn quan tâm đến việc kiểm tra tính chân thật của hồ sơ vay vốn mà khách hàng cung cấp, từ đó nhận định về khả năng trả nợ của khách hàng làm cơ sở quyết định cho vay.

- Quyết định tín dụng là quyết định cho vay hoặc từ chối cho vay đối với một hồ sơ vay vốn của khách hàng. Đây là khâu cực kỳ quan trọng trong quy trình tín dụng vì nó ảnh hưởng đến uy tín và hiệu quả hoạt động tín dụng của ngân hàng. Có hai loại sai lầm cơ bản thường xảy ra trong khâu này là quyết định chấp thuận cho vay đối với một khách hàng không tốt và từ chối cho vay với một khách hàng tốt.

Cơ sở để ra quyết định tín dụng: trước hết dựa vào thông tin thu thập và xử lý hồ sơ tín dụng do giai đoạn trước chuyển sang. Kế đến, dựa vào những thông tin khác hoặc thông tin cập nhật về tình hình thị trường, chính sách tín dụng của ngân hàng, các quy định về hoạt động tín dụng của NHNN…

Quyền phán quyết tín dụng: tuỳ theo quy mô vốn vay lớn hay nhỏ, quyền phán quyết thường được trao cho một hội động tín dụng hay một cá nhân phụ trách.

- Giải ngân là khâu tiếp theo sau khi hợp đồng tín dụng đã được ký kết. Giải ngân là phát tiền vay cho khách hàng trên cơ sở mức tín dụng đã cam kết trong hợp đồng. Tuy là khâu tiếp theo sau của quyết định tín dụng nhưng giải ngân cũng là khâu quan trọng vì nó có thể góp phần phát hiện sai sót ở các khâu trước. Ngoài ra, cách thức giải ngân còn góp phần kiểm tra và kiểm soát xem vốn tín dụng có được sử dụng đúng mục đích cam kết hay không.

- Giám sát tín dụng là khâu khá quan trọng nhằm mục tiêu định giá lại tài sản đảm bảo tiền vay, kiểm tra việc sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết, kiểm soát rủi ro tín dụng, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai phạm có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ sau này.

- Kết thúc quy trình tín dụng, bao gồm các công việc sau:

Thu nợ – Ngân hàng tiến hành thu nợ khách hàng theo đúng những điều khoản đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Tuỳ theo tính chất của khoản vay và tình hình

tài chính của khách hàng, hai bên có thể thoả thuận và lựa chọn một trong những hình thức thu nợ như sau: thu nợ gốc và lãi một lần khi đáo hạn; thu nợ gốc một lần khi đáo hạn và thu lãi theo định kỳ; thu nợ gốc và lãi theo nhiều kỳ hạn.

Thanh lý hợp đồng tín dụng – Nếu hết thời hạn của hợp đồng tín dụng và khách hàng đã hoàn thành các nghĩa vụ trả nợ cả gốc và lãi thì ngân hàng và khách hàng làm thủ tục thanh lý hợp đồng tín dụng, giải chấp tài sản nếu có và lưu hồ sơ vay vốn của khách hàng vào kho lưu trữ.

Với tình hình kinh tế ngày càng phát triển đòi hỏi quy trình cấp tín dụng của các ngân hàng ngày càng hoàn thiện đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đồng thời đảm bảo quản trị tốt rủi ro tín dụng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh tỉnh bình thuận (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)