6. Những đóng góp mới của luận văn
1.3.2.5. Nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực có vai trò khá quan trọng. Thực tế chứng minh, nhiều ngân hàng thương mại tuy có được những nguồn lực khan hiếm và giá trị mà đối thủ cạnh tranh không có như trụ sở khang trang đặt ở vùng tập trung đông dân cư, vốn tự có lớn, thu nhận được nhiều cán bộ giỏi. Song do cán bộ điều hành lãnh đạo không sắc sảo, nhạy bén, không nắm bắt, điều chỉnh hoạt động ngân hàng theo kịp các tín hiệu thông tin, không sử dụng nhân viên đúng sở trường... dẫn đến lãng phí các nguồn lực ngân hàng mình có, giảm hiệu quả chi phí, tất nhiên hạ thấp đi hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Năng lực lãnh đạo của những người điều hành ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng, gồm: Khả năng chuyên môn: có được khả năng này, người lãnh đạo sẽ dễ dàng hơn trong công tác quản lý và điều hành vì kiến thức và kinh nghiệm của nhà lãnh đạo luôn tạo được uy tín tuyệt đối không chỉ với cấp dưới mà nhiều khi đối với cả đối thủ cạnh tranh. Khả năng phân tích và phán đoán: dự đoán chính xác những thay đổi trong môi trường kinh doanh trong tương lai từ đó hoạch định chính xác các chiến lược, xác định các chính sách, kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Bên cạnh đó nhân viên ngân hàng cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Trong quá trình giao dịch trực tiếp với khách hàng, nhân viên ngân hàng chính là hình ảnh của ngân hàng cho nên những kiến
thức, kinh nghiệm, chuyên môn của mình, nhân viên ngân hàng có thể làm tăng thêm giá trị dịch vụ. Đa số các ý tưởng cải tiến hoạt động kinh doanh được đề xuất bởi nhân viên ngân hàng; nhân viên ngân hàng là lực lượng chủ yếu truyền thông tin từ khách hàng, từ đối thủ cạnh tranh đến các nhà hoạch định chính sách ngân hàng.
Ngoài ra rủi ro đạo đức nghề nghiệp đối với người cán bộ ngân hàng là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu và là loại rủi ro khó quản trị nhất. Khi rủi ro đạo đức xảy ra đối với hoạt động tín dụng, ngân hàng không thu được vốn tín dụng đã cấp và lãi cho vay trong khi ngân hàng phải trả vốn và lãi cho khoản tiền huy động của người gửi tiền, điều này sẽ làm cho ngân hàng mất tính thanh khoản, vòng quay vốn tín dụng giảm, kinh doanh không hiệu quả, ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro dẫn đến giảm lợi nhuận.
1.4.Kinh nghiệm tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp tại các nước và bài học kinh nghiệm tại Việt Nam.
1.4.1. Kinh nghiệm tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp tại các nước.
Ở nhiều nước phát triển, Nhà nước tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) trong giai đoạn đầu hoạt động thông qua đầu tư kinh phí để phát triển ý tưởng (khoảng từ 200.000 – 500.000 USD) đến một giai đoạn nhất định, các công ty tư nhân mới tham gia đầu tư. [Lê Minh Hương, 2016].
Bên cạnh đó, tại một số nước, Nhà nước hỗ trợ các DNKN về sản phẩm đầu ra, những sản phẩm từ công nghệ thử nghiệm được Nhà nước ưu tiên mua phục vụ cho lợi ích công cộng… Trong các hình thức hỗ trợ của Chính phủ có chính sách ưu đãi về tín dụng.
1.4.1.1. Chính sách ưu đãi về tín dụng:
Chính sách tín dụng tập trung vào các chính sách như bảo lãnh tín dụng và các quỹ hỗ trợ vay vốn đối với các DNKN trong giai đoạn đầu thành lập nhằm giải quyết bài toán về vốn cho doanh nghiệp. Cụ thể:
Bảo lãnh tín dụng: Chính phủ đứng ra bảo lãnh tín dụng cho những DNKN đi kèm các cam kết về sử dụng khoản vay, vốn đối ứng tối thiểu… như chính phủ Hà Lan đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp với điều kiện: Doanh nghiệp không thể cung cấp tài sản thế chấp; doanh nghiệp có triển vọng thuận lợi;
sử dụng khoản vay đúng mục đích; đảm bảo 25% khoản vay của doanh nghiệp bằng vốn chủ sở hữu.
Cho vay khởi nghiệp: Các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế cho vay khởi nghiệp được thực hiện thông qua NHNN và các NHTM với khoản cho vay ưu đãi từ 50.000 – 250.000 EUR đối với một DNKN. [Lê Minh Hương, 2016].
1.4.1.2. Một số chính sách hỗ trợ khác:
Hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ cho các DNKN tiềm năng cao như tài trợ nghiên cứu tính khả thi của các DNKN tiềm năng cao góp phần thiết lập các kế hoạch kinh doanh phù hợp với chi phí cấp vốn bẳng 50% chi phí nghiên cứu tối đa lên đến 15.000 EUR (Ireland); hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt dao động trong khoảng 10.000 đến 50.000 EUR để tài trợ cho các trang trải chi phí trong giai đoạn đầu (giai đoạn ý tưởng, giai đoạn hạt giống và giai đoạn khởi động) của các DNKN khi thu nhập do doanh nghiệp tạo ra còn thấp hoặc tài trợ cho các chi phí phát triển sản phẩm mới; hỗ trợ theo một tỷ lệ phần trăm trên tổng số tiền cần thiết cho hoạt động nghiên cứu tại các DNKN (Singapore); hỗ trợ bằng tiền mặt lên đến 100 triệu Đài tệ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các DNKN theo từng giai đoạn ý tưởng, nghiên cứu và phát triển giai đoạn triển khai (Đài Loan). [Lê Minh Hương, 2016].
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng như: Đơn giản hóa thủ tục pháp lý về đăng ký, về lao động, thanh kiểm tra đối với các startup nhằm giảm bớt gánh nặng pháp lý và chi phí tuân thủ cho Startup để họ tập trung vào kinh doanh.
1.4.2. Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam.
Tính tới 2016, Việt Nam đã có khoảng hơn 1.500 DNKN và dự kiến sẽ tăng nhanh trong những năm tiếp theo, tỷ lệ DNKN trên đầu người tại Việt Nam là 15.8 doanh nghiệp/1 triệu dân, nhiều hơn các quốc gia như Indonesia (8 DNKN/1 triệu dân) tại Indonesia; Trung Quốc ( 1.7 DNKN/1 triệu dân) và Ấn Độ (5.6 DNKN/1 triệu dân). [Lê Minh Hương, 2016].
Tuy nhiên sự phát triển của các DNKN Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do một số yếu tố: Cơ chế, chính sách hỗ trợ DNKN thiếu tính đồng bộ và hệ thống, đan
xen trong các chính sách chung hoặc chính sách đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; huy động vốn đối với các DNKN còn khó khăn do khung pháp lý và chính sách cho các nhà đầu tư thiên thần cũng như việc hình thành và phát triển quỹ đầu tư mạo hiểm còn sơ khai. Vì vậy, Việt Nam cần có những chính sách tín dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đặc biệt là các DNKN.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên phát triển tại Việt Nam, Chính phủ nên đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn tại các NHTM khi các DN không đủ tài sản thế chấp hoặc các DN đang gặp khó khăn trong công tác huy động vốn.
Thành lập các quỹ hỗ trợ giai đoạn đầu khởi nghiệp như quỹ Sáng kiến giai đoạn đầu… dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Thành lập quỹ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp (quỹ đầu tư khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm) theo mô hình hợp tác công tư. Theo đó, Nhà nước sẽ bỏ một khoản vốn nhất định hoặc đầu tư vào DNKN thông qua các quỹ này theo tỷ lệ vốn đối ứng.
Phát triển thêm các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, chú trọng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán. Nghiên cứu và triển khai sàn giao dịch chứng khoán dành cho các DNKN, giúp các doanh nghiệp huy động vốn trực tiếp từ xã hội góp phần tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
KẾT LUẬN CHƯƠNG I
Trong chương I, luận văn đã nghiên cứu tổng quan về tín dụng doanh nghiệp của ngân hàng thương mại. Đề tài tập trung vào các vần đề chủ yếu: khái niệm doanh nghiệp, tín dụng doanh nghiệp; các chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng TDDN; mục tiêu tăng trưởng TDDN qua đó ta thấy được tầm quan trọng của nguồn vốn tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh. Để việc đầu tư vốn cho doanh nghiệp mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và lợi ích cho ngân hàng thì các bên phải thỏa mãn được những điều kiện, những chính sách, cơ chế cần thiết để đảm bảo chất lượng tín dụng và giảm thiểu rủi ro tín dụng.
Qua việc học hỏi kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và trên thế giới trong việc hỗ trợ nguồn tín dụng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, từ đó có thể rút ra bài học áp dụng cho Việt Nam giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp mới thành lập ngày càng dễ dàng tiếp cận được với các nguồn vốn để hoạt động hiệu quả.
CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG DOANH NGHIỆP TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM – CHI NHÁNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2013 – 2016.
2.1. Khái quát tình hình KTXH tỉnh Bình Thuận giao đoạn 2013 - 2016 2.1.1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên.
Bình Thuận nằm trong vùng duyên hải cực Nam Trung Bộ, có mối liên hệ chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ và nằm trong khu vực ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Nằm cách thành phố Hồ Chí Minh 200 km, cách Thành phố Nha Trang 250 km. Có quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam chạy qua; quốc lộ 28 nối liền Bình Thuận với các tỉnh Nam Tây Nguyên; quốc lộ 55 nối liền với Trung tâm dịch vụ dầu khí và du lịch Vũng Tàu. Diện tích tự nhiên 7,828 km2, dân số khoảng 1.3 triệu người, lực lượng lao động 734,500 người. Gồm 10 đơn vị hành chính: Thành phố Phan Thiết (Trung tâm tỉnh lỵ), thị xã Lagi và 8 huyện; trong đó có 1 huyện đảo Phú Quý. Tiềm năng tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng:
- Chiều dài bờ biển 192 km, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: Mũi Né, Mũi Kê gà, Núi Tà Cú, Bàu Trắng, Gành son... Nhiều điểm di tích văn hoá, lịch sử nổi tiếng như: Tháp Chăm Poshanư, Chùa núi Tà Cú, Dinh Thầy Thím, Cổ Thạch Tự, Di tích Dục Thanh, Vạn Thủy Tú... Đã và đang hình thành các quần thể du lịch - nghỉ mát - thể thao - leo núi - du thuyền - câu cá - sân golf - nghỉ dưỡng - chữa bệnh, khu vui chơi giải trí. Bình Thuận đã tiến hành lập qui hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng các cụm du lịch như: Phan Thiết - Mũi Né, Hòm Rơm - Suối Nước, Tiến Thành - Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận - Ðami, Hàm Tân, Tuy Phong, Bắc Bình, Phú Quý…
- Bình Thuận có ngư trường rộng 52,000 km2 có trữ lượng thủy hải sản lớn, thuận lợi để nuôi trồng các loại thủy hải sản như cua, tôm, cá, trai ngọc, rong biển,… Lực lượng tàu thuyền đánh bắt có trên 6,500 chiếc, sản lượng khai thác thủy hải sản hàng năm đạt 200,000 tấn. Đảo Phú Quý (32 km2) là Trung tâm đánh bắt và dịch vụ hỗ trợ đánh bắt xa bờ, đang được đầu tư để trở thành khu kinh tế mở với các chức năng khai thác, chế biến hải sản và cung cấp các dịch vụ biển, dịch vụ hàng hải, dầu khí. Thủy hải sản của Bình Thuận đã xuất khẩu vào các thị trường Nhật
Bản, Bắc Mỹ, Tây Âu, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Australia... Có 3 cảng cá Phan Thiết, Tuy Phong và Lagi với quy mô tàu công suất 400 CV. Khu công nghiệp chế biến thuỷ hải sản Nam Phan Thiết tiếp tục đầu tư, hoàn thiện để thu hút các dự án công nghiệp chế biến thuỷ hải sản.
- Diện tích đất nông nghiệp 151,000 ha, cây lúa (50,000 ha), điều (9,000 ha), cao su (18,000 ha), tiêu (3,000 ha), thanh long (26,500 ha), nho (380 ha), bông vải (15,000 ha).... Thanh long là sản phẩm nổi tiếng, sản lượng năm 2016 đạt 500,000 tấn/ha, phần lớn sản lượng thanh long Bình Thuận tập trung cho xuất khẩu (80 - 85%), Tuy nhiên xuất khẩu chính ngạch chỉ 2 - 3%, còn lại tiêu thụ theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc. Đàn bò thịt khoảng 200,000 con, heo thịt khoảng 300,000 con và các gia súc có sừng khác như dê, cừu; ngoài ra, còn trên 50,000 ha đất nông nghiệp thích hợp trồng các loại cây công nghiệp và các loại cây ăn quả có giá trị. Diện tích rừng tự nhiên 258,000 ha có thể khai thác phục vụ du lịch sinh thái.
- Hoạt động công nghiệp chế biến nhìn chung ổn định, song tăng trưởng thấp. Tuy các sản phẩm nước khoáng, chế biến thức ăn gia súc tăng trưởng khá, song các sản phẩm thuỷ sản đông lạnh, nước mắm, nước máy, hàng may mặc chỉ đạt được mức tăng trung bình và các sản phẩm thuỷ sản khô, gạch nung, hạt điều nhân giảm khá lớn nên tính chung mức tăng trưởng không cao so với năm trước. Hoạt động tiểu thủ công nghiệp ổn định và tiếp tục thu hút được nhiều sự quan tâm của khách hàng. Công tác khuyến công được duy trì thường xuyên. Khu công nghiệp đã thu hút được 60 dự án thứ cấp (trong đó có 20 dự án đầu tư nước ngoài). Hiện có 44 dự án đi vào hoạt động sản (trong đó có 17 dự án có vốn đầu tư nước ngoài). Trong số các dự án đã đi vào hoạt động sản xuất có 36 dự án hoạt động thường xuyên, 8 dự án đang tạm ngừng và hoạt động cầm chừng do gặp khó khăn.
- Tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng, các loại khoáng sản có trữ lượng lớn là: cát thủy tinh, đá Granit, sét Bentonit, nước khoáng, sét làm gạch ngói, Ilmenit -Zicon (TiO2), muối công nghiệp. Dầu khí là nguồn tài nguyên gần bờ biển, có tiềm năng khai thác với các mỏ có trữ lượng lớn và chất lượng tốt như Sử Tử Đen, Sử Tử Trắng, Sư Tử Nâu, Sư Tử Vàng, Rubi.
- Hệ thống giao thông Bình Thuận đã được cải tạo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Các tuyến giao thông chính: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 55, Quốc lộ 28; Tuyến đường sắt Tp. Hồ Chí Minh – Phan Thiết phục vụ cho vận chuyển hàng hoá và du lịch; Cảng vận tải Phan Thiết và Phú Quý đã được xây dựng, Cảng cá Phan Thiết, Lagi, Phan Rí Cửa, Phú Quý đã được nâng cấp; đang có kế hoạch xây dựng Cảng vận tải tổng hợp Kê Gà – huyện Hàm Thuận Nam và Cảng chuyên dùng Vĩnh Tân – huyện Tuy Phong. Dự kiến sẽ khôi phục sân bay Phan Thiết và một sân bay mới sẽ được đầu tư xây dựng ở phía Bắc Phan Thiết. Tuyến quốc lộ cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đang chuẩn bị khởi công hứa hẹn phát triển du lịch và thu hút các dự án đầu tư vào Bình Thuận.
Hiện nay, Bình Thuận sử dụng nguồn cấp điện từ lưới điện quốc gia. Một số nhà máy thuỷ điện đã được đầu tư và đang hoạt động tại Bình Thuận: Nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi, nhà máy thuỷ điện Đại Ninh, Trung tâm nhiệt điện than Sơn Mỹ và Trung tâm nhiệt điện than Vĩnh Tân. Hệ thống thông tin liên lạc đã được nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa; mạng điện thoại, Internet phủ sóng tất cả các khu du lịch, khu công nghiệp, khu sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2013 – 2016, kinh tế Bình Thuận tăng trưởng đạt mức bình quân 12%/năm. Tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh là 8.2% cao hơn tốc độ trung bình cả nước (6.07%). Ngoại trừ năm 2015, thu ngân sách của tỉnh Bình Thuận không đạt dự toán năm (92.44%), các năm còn lại đều đạt và vượt dự toán thu ngân sách của tỉnh. Cùng với sự phát triển kinh tế đó tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế tại Bình Thuận hình thành và phát triển trong đó các loại hình doanh nghiệp. (Chi tiết xem phụ lục 01, 02)
2.1.2. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp tại Bình Thuận. 2.1.2.1. Số lượng DN thành lập và hoạt động tại tỉnh Bình Thuận: 2.1.2.1. Số lượng DN thành lập và hoạt động tại tỉnh Bình Thuận:
Theo số liệu thống kê tỉnh Bình Thuận, tính đến năm 2016, toàn tỉnh có 5,489 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó có 3,210 doanh nghiệp hoạt động,