Ước mơ được học tập, hiểu biết về thế giới muôn màu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc thiểu số tiêu biểu (Trang 65 - 69)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.1. Ước mơ được học tập, hiểu biết về thế giới muôn màu

Mặc dù hoàn cảnh sống còn nhiều khó khăn, vất vả song cũng giống như tất cả trẻ thơ trên thế giới, trẻ thơ dân tộc luôn mang theo bên mình những ước mơ, những khát vọng được học tập cũng như được tìm hiểu, hiểu biết về thế giới muôn màu xung quanh các em. Đây cũng là một điều rất phù hợp với tâm lý lứa tuổi thơ - lứa tuổi nhìn cuộc sống với đầy sự háo hức, mới mẻ, thích thú, tò mò của ánh mắt lúc nào cũng là lần đầu tiên: lần đầu tiên được nhìn thấy, lần đầu tiên nhận thấy, nghe thấy...

Bởi vậy, bất cứ sự vật, hiện tượng gì cũng khiến các em thắc mắc, đặt ra muôn ngàn câu hỏi vì sao. Việc tìm hiểu để đi đến giải thích, trả lời được các câu hỏi đó sẽ làm cho các em thêm hiểu biết, lớn dần và trưởng thành hơn. Và những ước mơ, mong muốn được hiểu biết, được khám phá đó của trẻ thơ đã được các nhà thơ dân tộc thiểu số thể hiện rất chân thực, sinh động qua những trang thơ - những món quà đầy ý nghĩa dành tặng thiếu nhi của mình.

Qua những trang thơ thiếu nhi của các nhà thơ dân tộc thiểu số, trẻ thơ miền núi hiện lên là những em nhỏ hiếu học. Mỗi ngày đến trường đối với các em là một niềm vui

lớn. Kho kiến thức bất tận ẩn chứa bao điều diệu kỳ luôn luôn có sức hút lớn mời gọi các em tham gia tìm hiểu. Mỗi trang sách mở ra là bao ước mơ, hy vọng của các em:

Khi trang sách mở ra Biết bao điều hấp dẫn Những con số thần kỳ Dòng chữ đen bí ẩn …Khi trang sách mở ra Mở ra chân trời mới

(Khi trang sách mở - Bùi Thị Tuyết Mai) Mỗi ngày đến trường đối với các em là một ngày vui, ngày hội. Niềm vui hiện lên trên từng khuôn mặt ngây thơ, từng nụ cười, ánh mắt “Đầy ắp khoảng trời riêng” của các em. Tuổi học trò của các em là lứa tuổi đẹp nhất, hồn nhiên nhất, trong sáng nhất trong cuộc đời mỗi con người. Bằng cái nhìn trải nghiệm của đời người, các nhà thơ dân tộc thiểu số đã có những vần thơ đầy rung động về niềm vui của lứa tuổi học trò với những cảm xúc rất riêng:

Tuổi học trò Như hoa mới nở Vừa rạo rực như lửa Vừa rụt rè ngây thơ

Ước mơ chắp cánh bay đi khắp phương trời

(Tuổi học trò - Lò Ngân Sủn)

Hiện thực cuộc sống của đồng bào dân tộc dù còn nhiều thiếu thốn, để đến được với cái chữ các em phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách nhưng với tinh thần hiếu học các trẻ thơ dân tộc thiểu số sẵn sàng vượt qua tất cả thực hiện ước mơ được hiểu biết, được khám phá thế giới tri thức của mình. Có thể hình ảnh “đèn đom đóm”

đối với trẻ thơ thành phố chỉ là một câu chuyện kể để đề cao tinh thần vượt khó học tập của người xưa thì điều này lại là chuyện rất bình thường đối với trẻ thơ ở miền núi khi mà thực tế ở nhiều vùng sâu, xa chưa có điện. Ở đó, nguồn sáng chủ yếu để các em học bài, đọc sách là ánh sáng của ngọn đèn dầu leo lét. Bởi vậy, hình ảnh cái bật lửa cùng ngọn đèn đã trở thành người bạn đồng hành quen thuộc trên con đường khám phá tri thức của trẻ thơ vùng cao:

Em bật cái: cạch Thắp lên Ngọn đèn. Đêm ngồi Đọc sách Ngọn lửa Nhìn em!

(Cái bật lửa - Lò Ngân Sủn)

Nếu như ở thành phố hiện đại, trẻ thơ đến trường thuận lợi bằng các phương tiện xe cộ thì ở miền núi cao các em chủ yếu phải đi bộ đến trường. Tuy nhiên quãng đường đến trường của các em không phải là đơn giản, bằng phẳng mà đó là cả một sự gian nan, vất vả thậm chí còn là hiểm nguy luôn rình rập đối với những em ở bản sâu xa. Và quãng đường đó luôn là cả một chặng hành trình dài đầy sự thử thách, đe dọa dưới con mắt trẻ thơ: “Đêm gà gáy lần đầu / Dậy gọi nhau đi học/ Bó đuốc to sáng rực/ Í ới gọi lên đường/ Cây lá còn rơi sương/ Áo quần khô thành ướt/ Hôm mưa trơn

bước trượt/ Ngã áo bẩn quay về/ Hôm hổ đói gầm ghè/ Gõ um rừng tiếng mõ/ Hôm

bỗng rừng đổ gió/ Cành rơi ngập lối đi/ Hôm nước suối lên to/ Cầu trôi, vin hàng

sậy” (Bản xa đi học - Dương Thuấn).

Song dù vất vả, khó khăn là thế nhưng các em vẫn quyết tâm bám lớp, bám trường. Hình ảnh trẻ thơ miền núi mang trên mình chiếc cặp, chân bước thấp bước cao trên dốc núi cheo leo như chạy đua cùng mặt trời đã trở thành một biểu tượng đẹp, đáng ngưỡng mộ cho ý chí, nghị lực, tinh thần hiếu học quyết tâm đến với ánh sáng tri thức của trẻ thơ miền núi:

Sáng nào cũng như vậy Mỗi người một chiếc gậy Vượt rắn dữ, hùm beo Bên dốc núi cheo leo Bên mặt trời chân bước

Dường như cuộc sống càng khó khăn, vất vả, các em càng thêm nghị lực để quyết tâm học tập. Học để trau dồi tri thức, học để đổi đời, để thoát nghèo, để xây dựng, phát triển quê hương. Bởi vậy trong cuộc sống hiện nay có rất nhiều những tấm gương sáng là các em thiếu nhi dân tộc vượt khó học tập. Xã hội cũng như các đoàn thể cần khích lệ hơn nữa tinh thần của các em bằng những hành động cụ thể để các em có điều kiện thực hiện được ước mơ của mình.

Cùng với ước mơ được đến trường, được học tập thì tâm hồn trong sáng của trẻ thơ dân tộc thiểu số còn luôn khát khao muốn tìm hiểu, hiểu biết về thế giới xung quanh mình. Điều đó được thể hiện thông qua muôn vàn những câu hỏi, những thắc mắc rất ngây thơ của các em: “Em hỏi chim chim bay về đâu”, “Em hỏi mây mây trôi về đâu”, “Em hỏi gió”, “Em hỏi sông(Câu hỏi - Inrasara), tại sao gà lại chọi nhau,

tại sao trâu lại húc nhau…(Những điều con hỏi - Lò Ngân Sủn). Và bằng tấm lòng

yêu mến trẻ thơ của mình, các nhà thơ dân tộc thiểu số đã có những sự lý giải rất hóm hỉnh, dễ thương song lại hoàn toàn logic, hợp lý trong trường suy luận của trẻ thơ: hoa lục bình màu tím vì hiếu học không thể quên được những trang sách mực tím “ghi bài học ban đầu” (Hoa lục bình - Thái Vĩnh Linh), cây lúa trèo thang vì “Bờ khe ít đất/

Núi chen nhau hóa chật/ Cây lúa phải trèo thang” (Cây lúa trèo thang - Bùi Thị Tuyết

Mai), gà chọi nhau vì có cải mỏ nhọn, trâu húc nhau vì có cái sừng trên đầu, ngựa đá nhau vì có hai chân sau rất khỏe, chó cắn nhau vì tranh phần gậm xương (Những điều con hỏi - Lò Ngân Sủn), sự hình thành của núisóng biển qua cái nhìn của các nhà thơ cũng rất đặc biệt bắt nguồn từ tình bạn thân thiết giữa biển núi:

Biển vươn mình ôm núi Hóa thành sóng nhấp nhô Núi hiểu lòng của biển Núi duỗi dài lô xô…

(Núi và biển - Dương Thuấn)

Hay phát hiện thú vị về những con đường của sương, của gió rồi qua đó các nhà thơ dân tộc đã có sự liên tưởng bất ngờ đến con đường của mẹ và của bé để qua đó giúp các em nhận ra thế giới là muôn hình, muôn vẻ nhưng ai, sự việc gì cũng có

những công việc riêng trong thế giới của nó: “Đường của sương /Đi trên cỏ / Đường của gió / Chui trong cây/ Đường lên nương/ Đường của mẹ / Đường của bé/ Đi tới

trường”(Những con đường - Dương Thuấn).

Có thể nói thế giới muôn màu đối với các em là cả một kho tàng ẩn chứa biết bao điều kì diệu, bí ẩn mà các em luôn khao khát được tìm hiểu, khám phá. Đồng điệu với tâm hồn trẻ thơ, các nhà thơ thiếu nhi nói chung cũng như các nhà thơ thiếu nhi dân tộc thiểu số nói riêng đã nói và nhìn cuộc sống theo cách riêng của các em để tìm giải đáp cho những bí ẩn, thắc mắc đó. Cách giải đáp hết sức bất ngờ, mọi điều tưởng chừng như vô lý thì lại trở nên rất hợp lý, hợp logic trong sự nhận thức của trẻ thơ. Đồng thời quan trọng hơn qua đó, các nhà nhà thơ dân tộc đã phác họa thành công bức tranh tâm hồn ngây thơ, trong sáng, cùng phẩm chất ham học hỏi, ham hiểu biết của trẻ thơ dân tộc và qua những phẩm chất tốt đẹp này chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của quê hương vùng cao.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc thiểu số tiêu biểu (Trang 65 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)