Ngôn ngữ thơ giàu âm thanh, hình ảnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc thiểu số tiêu biểu (Trang 78 - 81)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.2. Ngôn ngữ thơ giàu âm thanh, hình ảnh

Theo tâm lý lứa tuổi, điều để lại ấn tượng sắc, lâu bền nhất với tuổi thơ là những gì các em được nhìn thấy, được nghe thấy. Bởi vậy, bằng tình yêu tha thiết với trẻ thơ, ngôn ngữ được các nhà thơ thiếu nhi dân tộc thiểu số lựa chọn và sử dụng nhiều đó là ngôn ngữ giàu âm thanh, hình ảnh. Điều này được thể hiện rõ thông qua việc các nhà thơ dân tộc thường sử dụng nhiều những từ ngữ gợi âm thanh, màu sắc để tạo nên tính nhạc cũng như tính họa cho những trang thơ thiếu nhi của mình đồng thời tạo nên sự tác động trực tiếp, lâu bền trong cảm nhận của trẻ thơ dân tộc. Đó là âm thanh rộn ràng, tươi vui, dồn dập của tiếng trống trung thu cùng tiếng hò reo của trẻ thơ đã trở thành một miền kí ức không thể phai mờ trong tuổi thơ của mỗi người:

Tung tung cắc tung tung Trống lân inh đầu ngõ …Đèn ông sao chớp đỏ Tiếng reo hò vang vang

(Trung Thu- Niê Thanh Mai)

Hay đó là âm thanh vội vã, háo hức theo từng bước chân của chú ngựa xuống chợ phiên. Miêu tả âm thanh của con ngựa nhưng qua âm thanh đó nhà thơ Lò Ngân Sủn đã lột tả cả sự háo hức, xốn xang được xuống chợ của cậu bé Mông:

Rung reng, rung reng Em đi chợ phiên Rạp mình trên ngựa … Gió ào kéo ngược Rung reng, rung reng

(Cưỡi ngựa- Lò Ngân Sủn)

Cuộc sống phong phú muôn màu, muôn vẻ cũng được các nhà thơ dân tộc thiểu số ghi nhận lại thông qua sự mô phỏng những tiếng kêu rất riêng của muôn loài: Chó con thì sủa “ách ách”, “âu âu”, gà rừng thì gáy “té… te… tè… te…”, cái cọn nước kêu “cót két”, đuôi nhím lắc nghe “re re”, tù và đu đủ kêu “tu tu”, vượn gọi bạn “ốc ốc”, chồn kêu “choa choa”, gấu chuyển động nghe kêu “rùng rình” , vịt kêu “ạp ạp”, ngỗng gọi “oang oang”, tiếng con quay “đốp chát”, tiếng đồng hồ “tích

tắc”, tiếng máy cày “ầm ầm”, tiếng máy xúc “phạch phạch”, “ xộc xộc” hay cùng là tiếng mõ song tiếng mõ của trâu mẹ và nghé con nghe cũng có sự khác nhau:

Lốc cốc Lốc cốc… Tiếng tròn vo Mõ to của trâu mẹ Lách cách Lách cách… Tiếng nhè nhẹ Mõ bé của nghé con

(Tiếng mõ - Dương Thuấn)

Tất cả những âm thanh đó là những âm thanh có thật của cuộc sống nhưng cũng là những âm thanh vang vọng trong tâm hồn tuổi thơ. Những âm thanh đó đã được các nhà thơ dân tộc khéo léo đưa vào từng trang thơ thiếu nhi của mình để tạo nên một khu vườn âm nhạc tuổi thơ rộn ràng với những khúc nhạc tuổi thơ hấp dẫn đối với các em thiếu nhi.

Cùng với cách sử dụng từ ngữ tràn ngập âm thanh thì để làm tăng tính họa, tính tạo hình, trong thơ viết cho thiếu nhi của các nhà thơ dân tộc thiểu số cũng thường sử dụng rất nhiều từ ngữ chỉ màu sắc. Cách sử dụng từ ngữ này đã tạo nên những ấn tượng trực tiếp cho trẻ thơ về đối tượng được các nhà thơ đề cập đến. Và ở phương diện này có thể thấy thơ thiếu nhi dân tộc thiểu số là những bức tranh sinh động, tươi sáng tràn ngập sắc màu ngôn ngữ. Đó là màu xanh của rừng, màu trắng của mây, màu vàng của nắng, màu biếc của lá, màu lửa nung của đất, màu thắm của hoa đào, màu đen trũi của con nòng nọc, hay màu mắt nổi vằn xanh, vằn đỏ của con sâu cơi:

Những con sâu cơi bằng ngón trỏ Cặp mắt nổi vằn xanh, vằn đỏ

(Những con sâu cơi - Dương Thuấn)

Tất cả những màu sắc đó đã tạo thành một bức tranh thiên nhiên đặc sắc, tươi vui, đầy sức sống, cuốn hút dưới con mắt trẻ thơ dân tộc thiểu số.

Bên cạnh việc sử dụng hệ thống từ ngữ gợi âm thanh, màu sắc thì việc các nhà thơ dân tộc sử dụng nhiều các biện pháp tu từ trong đó chủ yếu là biện pháp so sánh và nhân hóa cũng làm tăng tính họa, tính nhạc, tạo nên sự hàm súc và biểu cảm cao cho những trang thơ thiếu nhi của mình. Với biện pháp so sánh các sự vật, hiện tượng tượng được nhà thơ đề cập đến trở nên sinh động, cụ thể và dễ hiểu hơn đối với trẻ thơ. Đồng thời qua đó các nhà thơ đã thể hiện được trường liên tưởng đầy bất ngờ, mới lạ trong tư duy của trẻ thơ dân tộc. Đó là hình ảnh mặt trời đầy sức gợi hình

“tròn như cái nong”(Mặt trời - Lò Ngân Sủn), chiếc máy cày có “ hai mắt sáng như

hai ông trăng tròn” (Chiếc máy cày - Dương Thuấn), rồi chiếc máy ủi giống như

Những con bọ hung/ Làm bằng sắt/ Nung bằng lửa (Những con bọ hung - Lò Ngân

Sủn) hay âm thanh của suối Pí Lè có sự thay đổi khác nhau qua mỗi đoạn chảy đã được các em so sánh với âm thanh của sấm, bão, của lá cây rừng trong sự cảm nhận rất tinh tế của mình:

Đoạn nghe ầm ào như sấm như bão Khúc nghe lao xao như tiếng lá cây rừng

(Suối Pí Lè - Lò Ngân Sủn)

Thông qua biện pháp so sánh, những đối tượng, sự vật trừu tượng đã được các nhà thơ cụ thể hóa bằng những âm thanh, hình ảnh, sự vật gần gũi với các em để các em có thể dễ hình dung và cảm nhận. Trong đó có rất nhiều những sự so sánh, liên tưởng đầy bất ngờ, mới lạ như hình ảnh hoa Bjooc mạ được so sánh giống “chiếc váy sờn”, hình ảnh dòng sông “xanh như lá nghệ”, nắng “vàng như mật”, những hòn cuội “ béo béo tròn/ như con lợn”, những ngọn núi đi “như trâu kìn kịt”, ruộng bậc thang như “Chiếc quạt trời xòe nan”… (Dương Thuấn). Thậm chí có những sự vật trừu tượng song bằng biện pháp so sánh, các nhà thơ dân tộc thiểu số cũng đem đến cho các em sự cảm nhận giản dị, gần gũi nhất như: “Đời vui như cờ mở/ Hồn tươi như lá

xanh”, “Điện về như mắt sáng/ Mương như tay mẹ hiền” (Inrasara), “Lời then như

muôn hạt mưa xuân”, “Tình anh em không đi lại/ Như con đường hoang/ Như ngôi

nhà hoang/ Như mảnh vườn hoang/ Rậm cỏ” (Dương Khâu Luông). Qua đó có thể

thấy biện pháp tu từ so sánh đã phát huy cao độ tác dụng của nó trong thơ thiếu nhi của các nhà thơ dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại.

Cùng với biện pháp so sánh thì biện pháp nhân hóa đã được sử sụng triệt để trong những trang thơ thiếu nhi miền núi. Dưới lăng kính trẻ thơ vạn vật kể cả cây cỏ, muôn thú hay sự vật đều có một đời sống riêng vô cùng phong phú và hấp dẫn. Trong thế giới riêng đó, chúng có thể nói chuyện, vui đùa hoặc có những suy nghĩ, trăn trở giống như con người. Trong thế giới thần tiên lộng lẫy đó thiên nhiên như: mây, nắng, rừng cũng biết điệu đà, làm dáng: “Mây/ Mặc áo trắng/ Nắng / Mặc áo vàng/

Rừng / Mặc áo xanh”(Lò Ngân Sủn).

Rồi đó là cuộc sống đông đúc, vui vẻ, thuận hòa của đại gia đình muông thú ẩn sau sự âm u, tĩnh mịch của đại ngàn:

Trăn cuộn tròn ngẫm nghĩ Khỉ đánh đu dây rừng

Hươu nai múa bên cây cổ thụ Hổ báo ngồi chồm chỗm ngó xem

(Ô rừng- Lò Ngân Sủn)

Hay câu chuyện đầy ngộ nghĩnh và thú vị giữa chú ếch và cá rô (Chú ếch ăn trăng - Dương Thuấn), giữa chuột anh và chuột em về cách đối phó với kẻ thù mèo vằn (Anh em chuột - Dương Thuấn) hay câu chuyện giữa bác trâu hiền lành cam phận và con cọp nghênh ngang, tự đắc (Tại sao trâu không có hàm dưới - Inrasara). Như vậy, bằng việc sử dụng ngôn ngữ giàu âm thanh, hình ảnh thông qua việc dùng nhiều từ ngữ chỉ âm thanh, màu sắc cùng các biện pháp so sánh, nhân hóa, các nhà thơ dân tộc thiểu số đã tạo dựng nên cho thiếu nhi dân tộc một thế giới hoàn toàn mới lạ, sinh động đầy hấp dẫn - một thế giới thần tiên, cổ tích trong từng trang thơ của mình. Đồng thời qua đó, các nhà thơ dân tộc thiểu số đã giúp trẻ thơ phát triển tư duy liên tưởng, tưởng tượng, làm phong phú thêm đời sống tâm hồn và tình cảm của các em.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc thiểu số tiêu biểu (Trang 78 - 81)