Giọng điệu tinh nghịch, hóm hỉnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc thiểu số tiêu biểu (Trang 89 - 92)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.2. Giọng điệu tinh nghịch, hóm hỉnh

Bên cạnh giọng điệu trong sáng, hồn nhiên thì giọng điệu tinh nghịch, hóm hỉnh cũng là một trong những giọng thơ chủ đạo của mảng thơ thiếu nhi dân tộc thiểu số. Tinh nghịch, hóm hỉnh cũng là một phẩm chất đặc thù của lứa tuổi thơ - lứa tuổi hiếu động luôn nhìn cuộc sống với lăng kính màu hồng vui nhộn. Bởi vậy thơ ca viết cho thiếu nhi cũng không thể thiếu chất tinh nghịch, hóm hỉnh. Hơn nữa chất tinh nghịch, hóm hỉnh của thơ thiếu nhi cũng giúp các em tiếp cận tác phẩm một cách vui

vẻ, thoải mái hơn, để mỗi bài thơ thực sự là một món quà thú vị sau mỗi giờ học căng thẳng hay công việc lao động vất vả của trẻ thơ miền núi. Giọng điệu tinh nghịch, hóm hỉnh được các nhà thơ thiếu nhi dân tộc thiểu số sử dụng nhiều khi đi tìm hiểu, lý giải cho các em những hiện tượng tự nhiên diễn ra trong cuộc sống thường ngày hoặc chính các em tự đi tìm hiểu, cắt nghĩa những hiện tượng đó. Đó là cuộc hỏi đáp đầy thú vị, dí dỏm giữa bố và con:

Bố ơi bố, sao gà lại chọi nhau? À, vì gà có cái mỏ nhọn.

Thế sao trâu lại húc nhau? À, vì trâu có cái sừng ở đầu Thế vì sao ngựa lại đá nhau?

À, vì ngựa có hai cái chân sau rất khỏe Thế sao chó lại cắn nhau?

À, vì chó hay tranh phần gậm xương

(Những điều con hỏi - Lò Ngân Sủn)

Bằng sự am hiểu tâm lý trẻ thơ, các nhà thơ dân tộc thiểu số đã sống mình với tâm hồn trẻ thơ để giải đáp những thắc mắc của các em. Cách giải đáp đó không chỉ giải tỏa những câu hỏi của các em mà còn mang lại sự bất ngờ, ngạc nhiên và cả những tiếng cười sảng khoái. Gà chọi nhau đơn giản vì có cái mỏ nhọn, trâu húc nhau đơn giản vì có chiếc sừng, chó cắn nhau vì tranh gậm xương…Cách giải thích đơn giản nhưng lại rất phù hợp với logic trẻ thơ. Sau mỗi câu trả lời người đọc như nhận thấy sự reo vui, đầy bất ngờ của các em khi nhận thức ra những điều mới lạ, gản dị mà mình không ngờ tới.

Còn đây là lời giải thích dí dỏm cho tên thằng Cuội. Thằng Cuội thì cả người lớn và trẻ con ai cũng biết “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa/ Để trâu ăn lúa gọi cha ồi ồi” (đồng dao) nhưng để thắc mắc tại sao lại gọi là thằng Cuội thì thực sự chỉ có trẻ thơ mới nghĩ ra. Hóa mình thành những nghệ sĩ nhí, các nhà thơ dân tộc thiểu số đã giải đáp thắc mắc này của các em một cách rất hóm:

Cuội ngồi trong trăng Có hàng ngàn tuổi Mà ai cũng gọi Là thằng Cuội thôi Nếu như gọi khác Không có trăng rồi

(Hỏi Cuội - Dương Thuấn)

Gọi là thằng Cuội đơn giản vì Cuội ngồi trong trăng mà thôi. Trăng là chị Hằng thì Cuội cũng mãi mãi chỉ là thằng Cuội dù có hàng ngàn tuổi đi nữa vì nếu gọi khác thì sẽ không còn trăng, không còn chị Hằng nữa. Cách giải thích của tác giả rất tự nhiên, hóm hỉnh không những đã giải đáp được một cách rất có lý những thắc mắc ngây ngô vô cùng trẻ con của các em mà còn mang lại cho các em những tiếng cười hồn nhiên đầy sảng khoái.

Giọng điệu đầy hóm hỉnh, tinh nghịch còn thể hiện thông qua lời đối đáp giữa các nhân vật mà các nhà thơ dân tộc thiểu số đã xây dựng nên trong tác phẩm của mình. Đó là cuộc đối đáp giữa cọp và trâu trong Tại sao trâu không có hàm dưới của Inrasara. Bằng ngôn ngữ của trẻ thơ, nhà thơ đã thể hiện rất thành công những đặc điểm tính cách của hai nhân vật ngộ nghĩnh này. Chú cọp gắn liền với sự cao ngạo, hống hách, nghênh ngang còn bác trâu gắn liền với sự chăm chỉ, cần cù, hiền lành:

- Này bác khờ kia Dại gì dại thế Thằng người bé tí Xỏ mũi bác chơi - Không, bác Cọp ơi

Thân người tuy nhỏ

Trí thời rất to - À thì ra thế Để ta thử cho

Cuộc đối thoại tuy ngắn gọn song đã làm thỏa mãn được sự hiếu kì của trẻ thơ về cuộc gặp gỡ của hai nhân vật đặc biệt. Cách nhà thơ sử dụng ngôn ngữ đối thoại để khắc họa đặc điểm của từng nhân vật, ngôn ngữ nói đi kèm với ngôn ngữ cử chỉ, điệu bộ đã làm toát tiếng cười thích thú của trẻ thơ. Và càng thích thú hơn nữa khi các em được tự hóa thân vào những nhân vật này để thể hiện những giọng điệu rất riêng của nhân vật.

Giọng điệu tinh nghịch, hóm hỉnh còn được các nhà thơ thiếu nhi dân tộc thiểu số thể hiện thành công khi tái hiện lại những trò chơi vui nhộn gắn liền với tuổi thơ của các em. Qua giọng thơ đó, người đọc phần nào cảm nhận được không khí vui nhộn, rộn rã đầy ắp tiếng cười cũng như sự hào hứng của các em khi hết mình cùng những trò chơi đó: “Dung dăng dung dẻ/ Một bầy trẻ nhỏ/ Chạy nhảy ngoài sân/

Thấy con thằn lằn/ Thò tay chộp bắt/ Thấy con chuột nhắt/ Hò nhau định vồ”

(Thương cá rô gầy - Hồ Chư)

Có thể thấy với chất giọng tinh nghịch, hóm hỉnh thì ở mảng thơ thiếu nhi dân tộc thiểu số, bài thơ nào cũng vui tươi, khỏe khoắn mang âm hưởng của cuộc sống vùng cao. Mỗi bài thơ thực sự trở thành một người bạn đường tuổi thơ vui nhộn của thiếu nhi miền núi. Và ẩn đằng sau những nụ cười ròn rã, sảng khoái đó người đọc nhận ra một tấm lòng tha thiết với tâm huyết muốn mang lại nhiều hơn niềm vui, tiếng cười cho trẻ thơ của các nhà thơ dân tộc thiểu số.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc thiểu số tiêu biểu (Trang 89 - 92)