Giọng điệu trữ tình, tha thiết

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc thiểu số tiêu biểu (Trang 92 - 95)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.3. Giọng điệu trữ tình, tha thiết

Thơ viết cho thiếu nhi của các tác giả dân tộc thiểu số bên cạnh những bài thơ mang âm hưởng vui tươi, nhí nhảnh cũng có không ít những bài thơ lại mang giọng điệu trữ tình, tha thiết. Đó là những bài thơ thiếu nhi dành để ca ngợi cảnh sắc của quê hương vùng cao cùng một vẻ đẹp rất riêng, rất nên thơ. Bằng một lời thơ tha thiết, các nhà thơ đã khắc họa thành công bức tranh quê hương mình. Đó là quê hương đẹp giàu, hùng vĩ với những cây cầu treo nối liền những đỉnh đèo xa cách, với những tiếng khèn gọi bạn mùa xuân hòa lẫn trong tiếng gió, tiếng vó ngựa vọng về cùng những bước chân người đi xa…

Cầu treo vắt qua đèo Nhịp khèn lượn theo gió Vó ngựa vọng cheo leo…

(Cầu treo -Lò Ngân Sủn):

Không miêu tả nhiều nhưng bức tranh quê hương hiện lên như một tứ thơ đầy thơ mộng, trữ tình, một bản nhạc đầy duyên dáng qua những trang thơ viết về thiếu nhi dân tộc thiểu số. Bằng một giọng thơ trữ tình, tha thiết cùng những nét chấm phá nhẹ nhàng, các nhà thơ miền núi đã thể hiện được tình cảm của mình đối với mùa xuân của đất nước, của quê hương:

Như một đàn bướm trắng Đến đậu ở quanh nhà Sáng dậy ra nhìn thấy Ôi! Một trời tuyết sa

(Hoa lê - Dương Thuấn)

Quê hương miền núi vào xuân đẹp ngỡ ngàng và đầy ảo diệu với màu trắng đặc trưng của hoa lê, hoa mận. Bằng một giọng thơ trữ tình đầy sức lôi cuốn, người đọc như đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên mùa xuân vùng cao cùng tác giả qua từng câu thơ.

Bên cạnh đó, hình ảnh quê hương hiện lên đầy sức hút dưới con mắt trẻ thơ qua lời mời bạn đến thăm quê mình:

Bạn lại được đi dưới hàng dương Lá như tạt mát xuống con đường Ở đây tha hồ nghe nhạc cát Gió bè cao và biển bè trầm

(Tuy Phong làng Chăm - Inrasara)

Lời mời bạn thủ thỉ như một lời tâm tình đầy tình cảm mà qua đó cô bé, cậu bé Chăm đã giới thiệu về quê hương mình. Đó là miền quê vô cùng đẹp, vô cùng thú vị của xứ nắng, xứ gió. Đến với quê hương miền Trung, bạn sẽ được đi bộ dưới những hàng dương dài chắn cát, chắn sóng mùa nước lên. Rồi bạn sẽ được tha hồ nghe nhạc cát mà chỉ duy nhất ở nơi đây mới được thiên nhiên ưu đãi. Và họa cùng nhạc cát sẽ là

cả một dàn nhạc đặc biệt của tạo hóa với “gió bè cao” và “biển bè trầm”. Từng câu thơ du dương như có tiếng sóng trùng dương, tiếng gió lao xao, ì ào…khiến chúng ta thêm tự hào và yêu xiết bao quê hương nắng lửa miền Trung. Như vậy có thể thấy rằng bằng một giọng điệu thơ tha thiết, trữ tình các thi sĩ dân tộc thiểu số đã thể hiện một cách sâu sắc tình cảm, niềm tự hào về quê hương mình đồng thời đã khơi dậy tình yêu quê hương, gắn bó với quê hương của tầng lớp thanh thiếu niên dân tộc thiểu số.

Ngoài ra giọng điệu trữ tình, tha thiết cũng im đậm trong thơ thiếu nhi của các nhà thơ dân tộc thiểu số thời kì hiện đại qua những trang thơ đề cập đến những vấn đề, hoàn cảnh, cảnh ngộ đau thương, xúc động trong cuộc sống. Đó là tâm sự nghẹn ngào của con chim én trước một khoảng vắng lặng đầy nhức nhối màu “lửa nung”

khi mà cả cánh rừng đã cháy. Hình ảnh chú én nhỏ tội nghiệp như đang cô đơn, bất lực trước cuộc sống:

Én bay bịn rịn Đậu xuống cành mít Rung đôi cánh nhỏ Trước một khoảng vắng Đất màu lửa nung!

(Khoảng trời én bay - Lò Ngân Sủn)

Giọng thơ đầy nghẹn ngào, xúc động khi các nhà thơ viết về cuộc sống còn nghèo đói, thiếu nước của đồng bào dân tộc “Lũ trâu cày ruộng cạn/ Mục đồng: nước đái trâu” (Inrasara). Ở nơi đó, con người vẫn phải vật lộn, vất vả với cuộc sống mưu sinh:

Chiều về nơi đồi vắng Bó củi trên lưng gầy Bước chân em sải ngắn Lòng chẳng vương bóng mây

(Buôn em - Niê Thanh Mai)

Hay câu chuyện thấm đẫm nỗi xót xa và thương cảm về những số phận kém may mắn trong xã hội nhưng họ vẫn nỗ lực sống tốt, sống ý nghĩa và để lại cho đời nhiều thông điệp quý báu:

Elkosi…! Elkosi…!

Cả thế giới đã nghe nói về em Dáng nhỏ xíu trên các diễn đàn Ước mơ một thế giới không có AIDS Elkosi…! Elkosi…!

Mười hai tuổi em đi vào cõi chết Ánh mắt ngây thơ buồn bất tuyệt Khẩn cầu toàn nhân loại ra tay…

(Elkosi- Dương Thuấn)

Không giống như những bài giảng đạo đức, bằng một giọng thơ trữ tình, tha thiết, sâu lắng, thơ viết cho thiếu nhi của các nhà thơ dân tộc thiểu số thời kì hiện đại đã đi vào lòng người đọc đặc biệt là lứa tuổi thơ một cách nhẹ nhàng, sâu sắc như một nốt trầm xao xuyến nhưng lại có sức âm vang. Mỗi trang thơ là một bài học lớn giúp các em biết yêu thương, đồng cảm, sẻ chia trước mỗi mảnh đời - mỗi số phận của cuộc đời.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc thiểu số tiêu biểu (Trang 92 - 95)