Giọng điệu suy tư, triết lý

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc thiểu số tiêu biểu (Trang 95 - 98)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.4. Giọng điệu suy tư, triết lý

Cùng với giọng trữ tình, tha thiết thì giọng điệu suy tư, triết lí cũng được sử dụng nhiều trong thơ thiếu nhi dân tộc thiểu số khi nhà thơ muốn đề cập đến các vấn đề thế sự hoặc giáo dục tư tưởng, tình cảm cho các em thiếu nhi. Bằng sự trải nghiệm của cuộc đời mình, các nhà thơ dân tộc thiểu số đã gửi đến thế hệ măng non miền núi những lời nhắc nhở giản dị mà vô cùng sâu sắc trong đó có việc giữ gìn tiếng nói dân tộc:

Ôi tiếng nói, tiếng nói Ở trên trái đất này Có rất nhiều thứ tiếng Và có một thứ tiếng Gọi là: tiếng quê hương!

(Tiếng quê hương- Lò Ngân Sủn)

Vấn đề nguồn cội cũng được nhiều nhà thơ dân tộc thiểu số đề cập đến bằng một giọng thơ mang tính thể nghiệm sâu sắc. Qua đó người đọc có thể dễ dàng nhận thấy đó là sự day dứt của các nhà thơ đối với thế hệ trẻ trước tình trạng muốn thoát ly khỏi quê hương vùng cao để tìm đến lập nghiệp nơi phố phường phồn hoa đô hội:

Ngày mai con xuống núi

Cùng tay nải hành trang đầu tiên Đi như suối chảy về với biển Chớ quên mạch đá cội nguồn

(Rồi ngày mai con đi - Lò Cao Nhum)

Từ đó các nhà thơ dân tộc thiểu số đã có những triết lý sâu sắc về mối quan hệ giữa con người và quê hương như triết lý về hình ảnh cánh diều trong thơ Inrasara:

Một cánh diều - ba cánh diều Bay là bay cao - tung mình gió lớn Vẫn cứ cần dây- vẫn không quên đất Gió là chí cả - dây là cuống nhau Đất là quê hương - diều là sức trẻ Cứ thế mà bay - sánh vai bốn bể Ngày mai mỏi gió - đất lại thu về Diều nghỉ trong quê - diều nằm với đất

(Hội diều - Inrasara)

Cánh diều tượng trưng cho tuổi trẻ, sức trẻ, “gió là chí lớn, “dây” diều là cuống nhau bám vào đất mẹ. Để có thể bay cao bay xa, con người không chỉ cần có sức trẻ, chí lớn mà còn cần đến sợi dây vô hình bám chặt vào quê hương, nguồn cội. Con người sống không thể thiếu quê hương giống như cánh diều không thể thiếu sợi dây nối đất. Quê hương, nguồn cội bao giờ cũng là nơi bắt đầu, là nơi chắp cánh, nâng đỡ ước mơ đồng thời cũng là chốn đi về bình yên nhất khi con người đã mỏi gối, chồn chân trên cuộc đời. Bằng giọng thơ đầy sự trải nghiệm sâu sắc, các nhà thơ thiếu nhi dân tộc đã mang đến cho trẻ thơ bài học sâu sắc về tình yêu quê hương và lòng tự hào dân tộc qua hình ảnh giản dị “cánh diều”.

Bên cạnh đó, giọng thơ chiêm nghiệm, triết lý cũng được các nhà thơ dân tộc thiểu số sử dụng để đưa ra những bài học ứng xử, bài học về mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội. Đó là niềm tin vào phẩm chất của con người miền núi: “Quê em/ Đường đèo dốc cong queo/ Chỉ có lòng người luôn thẳng/ Trời có

ngày mù sương/ Chỉ có lòng người luôn sáng!” (Quê em – Vi Hồng Nhân). Hay lời khuyên nhẹ nhàng mà đầy thấm thía của người cha với con về cuộc đời, con người, lối sống và cách sống:

Chỉ có người nói dối

Cái chữ không nói dối bao giờ Đừng uống rượu một mình sẽ say Đừng đi đường một mình sẽ buồn

(Lời khuyên của cha – Ma Phương Tân) Đó còn là cái lý làm người mà ai cũng phải nhớ được rút ra thông qua hàng loạt lập luận theo cách suy nghĩ, lý giải của người dân tộc:

Suối chảy ra mây Cây thổi ra gió Lúa mọc ra nắng Nước mọc ra trăng sao

Đất mọc ra quê hương, tổ quốc Tình yêu mọc ra hạnh phúc

Hận thù mọc ra chết chóc, khổ đau Cái đầu mọc ra cái lý làm người

(Cái lý làm người- Lò Ngân Sủn)

Với một giọng thơ triết lý song không hề cao ngạo mà thủ thỉ, nhẹ nhàng, những bài học làm người của các nhà thơ dân tộc thiểu số đã đi sâu và có sức lay động lớn đến suy nghĩ, tình cảm của trẻ thơ. Đó là lời nhắc nhở sâu sắc cho trẻ thơ trong thái độ, cách ứng xử đối với những số phận kém may mắn hơn mình:

Chẳng ai muốn làm hành khất Tội trời đày ở nhân gian Con không được cười giễu họ Dù họ hôi hám úa tàn

…Mình tạm gọi là no ấm Ai biết cơ trời vần xoay Lòng tốt gửi vào thiên hạ Biết đâu nuôi bố sau này

Hay bài học về mối quan hệ tình cảm gia đình, anh em ruột thịt:

Con ơi, con hãy nhớ

Anh em trong nhà là cùng xương thịt Đói ăn đói mặc sẽ đến lúc no

Đói tình đói nghĩa thì chẳng ai cho

(Nhà của cha - Dương Thuấn)

Cuộc sống thiếu thốn mãi rồi sẽ có lúc no ấm làm ra bằng sức lao động của bản thân mình nhưng nếu thiếu thốn, nghèo nàn về tình cảm thì không ai có thể làm giàu cho mình được. Bởi vậy anh em phải trọng nhau ở cái tình, cái nghĩa. Từ sự đúc kết kinh nghiệm của cuộc đời từng trải, các nhà thơ dân tộc thiểu số đã mang lại cho lứa tuổi măng non những bài học quý báu về cách làm người.

Như vậy, có thể thấy thơ thiếu nhi của các nhà thơ dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại rất phong phú, đa dạng về giọng điệu: từ giọng hồn nhiên, trong sáng, dí dỏm, hài hước đến giọng trừ tình tha thiết hay suy tư, triết lý…Mỗi một giọng điệu lại đem đến cho người đọc những cung bậc xúc cảm khác nhau về vấn đề mà nhà thơ đề cập đến. Và quan trọng hơn, thông qua giọng điệu thơ đó, các thi sĩ miền núi đã thể hiện được sự am hiểu sâu sắc cũng như niềm tin yêu, trân trọng của mình dành cho tuổi thơ dân tộc thiểu số.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc thiểu số tiêu biểu (Trang 95 - 98)