Ngôn ngữ thơ ngắn gọn, giản dị

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc thiểu số tiêu biểu (Trang 74 - 78)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.1. Ngôn ngữ thơ ngắn gọn, giản dị

Ngôn ngữ ngắn gọn, giản dị là một yêu cầu, một đặc trưng có bản của thơ thiếu nhi. Bởi đối với lứa tuổi thiếu nhi, một bài thơ hay và có thể tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của các em phải là một bài thơ ngắn gọn để các em dễ tiếp cận, dễ nhớ đồng thời dễ hiểu. Làm thơ cho thiếu nhi không phải là một sự đánh đố các em đằng sau câu chữ mà phải biến câu chữ đó trở nên dễ hiểu, có sức hấp dẫn, sức hút đối với các em. Và để làm được điều đó thì trước tiên ngôn ngữ trong thơ thiếu nhi phải ngắn gọn, trong sáng, giản dị thể hiện thông qua việc nhà thơ lựa chọn thể thơ, cách ngắt nhịp cũng như cách diễn đạt.

Về thể thơ và cách ngắt nhịp, qua việc tìm hiểu thơ viết cho thiếu nhi của một số nhà thơ dân tộc thiểu số có thể thấy rằng các nhà thơ thường ưu tiên sử dụng nhiều những thể thơ ngắn gọn như thể thơ 2 chữ, 3 chữ , 4 chữ, 5 chữ cùng với cách ngắt nhịp ngắn. Việc sử dụng thể thơ và cách ngắt nhịp này gần với những bài hát đồng dao, bài vè quen thuộc của trẻ thơ tạo nên một tâm thế nhẹ nhàng, hứng khởi cho trẻ khi tiếp cận tác phẩm. Bài thơ về hòn cuội hấp dẫn trẻ thơ với thể thơ 3 chữ ngắn gọn, mỗi câu thơ tạo thành một nhịp thơ chắc nịch, khỏe khoắn như những bước chân của trẻ:

Những hòn cuội Béo béo tròn Như lợn con

(Cuội hát - Dương Thuấn)

Hay với thể thơ 4 chữ thường được các nhà thơ ngắt nhịp chẵn 2/2 tạo nên sự đăng đối hài hòa cho trẻ thơ khi đọc cũng như khi lấy hơi ngừng, nghỉ như:

- Làng Kinh / làng Tày Chung nhau/ con suối Mặn cùng/ hạt muối Giống ngày/ giống đêm

(Ngôi nhà quê em - Nông Thị Ngọc Hòa) Tích tắc/ tích tắc

Nhắc em/ rửa chân Nhắc em/ rửa tay Nhắc em/ rửa mặt Nhắc em/ quét sân Dọn mâm/ rửa bát Học bài/ học hát

(Tích tắc tích tắc- Lò Ngân Sủn)

Ngoài ra thể thơ lục bát truyền thống cùng với lối ngắt nhịp chẵn cũng được các nhà thơ dân tộc thiểu số sử dụng nhiều để mang lại một âm hưởng nhẹ nhàng, du dương cho những trang thơ thiếu nhi của mình tạo nên sự lắng đọng trong cảm nhận của thiếu nhi về bài thơ:

Núi thiêng năm ấy, bây giờ Rừng hoang đã hóa rừng thưa mất rồi

Rẫy Cò không bóng cò trôi Mình ngồi nướng bắp kể thời xửa xưa

(Rẫy Cò nhà em - Trà Ma Hani)

Bên cạnh việc lựa chọn thể thơ, cách ngắt nhịp thơ ngắn gọn, ngôn ngữ thơ thiếu nhi của các nhà thơ dân tộc thiểu số còn giản dị, dễ hiểu. Đó là thứ ngôn ngữ được chắt lọc từ chính cuộc sống của đồng bào dân tộc được các nhà thơ đưa vào trong thơ tự nhiên như những gì vốn có của nó, không cầu kỳ, chau chuốt:

Cả lớp yên lặng nào Cô sẽ cho một phút Em ghi lên điều ước Chỉ một điều ước thôi

(Điều ước - Inrasara)

Sự giản dị của ngôn ngữ trong thơ thiếu nhi dân tộc thiểu số còn thể hiện thông qua cách diễn đạt. Các nhà thơ dân tộc thường sử dụng lối diễn đạt thẳng, trực tiếp những gì mình nhìn thấy, cảm nhận thấy: “Bé Mi tuổi lên ba/ Bắt chước chị “ ê a”/ Tay cầm bút, tay vẽ/ Vạch mãi thành chữ cha/ Tô nắn nót chữ mẹ/ Khoái chí reo “ý a”!(Theo tay chị - Mã Thế Vinh)

Đó là cách cắt nghĩa, định nghĩa trực tiếp rất ngắn gọn, mạch lạc, trong sáng về thiên nhiên gắn với những hình ảnh đặc trưng của quê hương miền núi trong con mắt trẻ thơ như: quả núi, ánh trăng, hạt lúa:

Thiên nhiên là quả núi Ngồi cho em vẽ tranh Thiên nhiên là ánh trăng Soi cho em tập múa Thiên nhiên là hạt lúa Mẹ gánh về trên vai

Và thông qua cách nói, cách định nghĩa đó, mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống hàng ngày hiện lên dễ hiểu, gần gũi và gắn bó với trẻ thơ dân tộc hơn bao giờ hết. Đó chính là cuộc sống của các em, là cái mà các em nhìn thấy, cảm thấy, tiếp xúc hàng ngày.

Với một lối viết dung dị, tự nhiên, ngắn gọn cùng những hình ảnh thường thấy trong cuộc sống lao động và sinh hoạt ở vùng cao, cách sử dụng ngôn ngữ ngắn gọn, giản dị của các nhà thơ dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại thể hiện thông qua cách lựa chọn thể thơ, cách ngắt nhịp cũng như cách diễn đạt rất phù hợp với tâm lý của trẻ thơ dân tộc. Đó là lối tư duy thẳng, miêu tả trực tiếp những gì mình nhìn thấy, cảm thấy không vòng vo nhiều ẩn ý - một trong những nét thuộc về bản chất của người dân tộc nói chung cũng như trẻ thơ dân tộc nói riêng. Đồng thời thông qua cách sử dụng ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn các nhà thơ đã thể hiện được cái nhìn ngây thơ, trong sáng của trẻ thơ dân tộc thiểu số trước các hiện tượng, sự việc diễn ra xung quanh mình.

Tuy nhiên, vấn đề cũng cần bàn thêm là với lối diễn đạt thẳng, trực tiếp này nhiều khi ngôn ngữ trong thơ viết cho thiếu nhi của các nhà thơ dân tộc thiểu số còn thiếu sự chau chuốt, xơ cứng trong cách diễn đạt dẫn đến thiếu sự uyển chuyển, mềm mại của ngôn ngữ thơ. Vẫn còn cách diễn đạt mang đậm tính chất khẩu ngữ của ngôn ngữ hàng ngày như:

Những lúc ngồi chụm đầu học hát Nốt nhạc chưa quen

Giọng lạc nhiều bè

Nhưng sự hồn nhiên thì nghe chả lẫn vào đâu.

(Tuổi học trò - Lò Ngân Sủn)

Và chính điều đó đã trở thành một trong những hạn chế cần được khắc phục trong cách dùng ngôn ngữ của các nhà thơ thiếu nhi dân tộc thiểu số để mảng thơ này trở nên thực sự hay và đặc sắc hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc thiểu số tiêu biểu (Trang 74 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)