Ngôn ngữ thơ mang đậm bản sắc dân tộc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc thiểu số tiêu biểu (Trang 81 - 86)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.3. Ngôn ngữ thơ mang đậm bản sắc dân tộc

Các nhà thơ dân tộc thiểu số đại diện cho dân tộc mình luôn ý thức được việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc và điều này được thể hiện rõ trong từng trang thơ của họ thông qua cách sử dụng ngôn ngữ. Ngôn ngữ thơ thiếu nhi của các nhà thơ dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại mang đậm bản sắc riêng của từng dân tộc.

Bản sắc dân tộc thể hiện trước hết qua cách dùng từ ngữ của các nhà thơ dân tộc thiểu số. Họ đã sử dụng chính kho từ vựng của dân tộc mình để sáng tác nên tác phẩm. Đó là bản sắc dân tộc Tày gắn liền với việc sử dụng từ ngữ quen thuộc của người Tày trong thơ Dương Thuấn, Dương Khâu Luông, Nông Quốc Chấn, Nông Thị Ngọc Hòa… Thông thường, chúng ta hay dùng từ “đào măng” hay “bẻ măng” vì măng là thân non của cây thuộc họ tre, trúc mọc dưới đất song trong ngôn ngữ cũng như lối tư duy và diễn đạt của người Tày họ lại dùng là “hái măng” trong khi vốn dĩ động từ “hái” thường được dùng với ý nghĩa dùng tay ngắt rời hoa, quả hay lá khỏi cây với một khoảng cách ở xa với mặt đất. Gắn bó sâu sắc với dân tộc mình, “tỉ mẩn, kiên nhẫn nhặt nhạnh những hạt ngọc trong cách ăn, lời nói, trong lối tư duy và đặc

điểm tâm lí của đồng bào mình” [26, tr.18], hơn một lần trong thơ thiếu nhi của các

nhà thơ Tày, chúng ta bắt gặp cách sử dụng từ “hái măng” - một cách diễn đạt rất riêng của dân tộc:

Em lên rừng hái măng Nghe vi vu gió hát

(Hái măng - Dương Thuấn)

Động từ “cõng” cũng được cũng được các nhà thơ dân tộc thiểu sổ sử dụng nhiều trong thơ của mình với nhiều ý nghĩa khác nhau ngoài với nghĩa gốc được ghi trong từ điển. Đó có thể là người cõng gùi, bà cõng cháu, sông cõng phà hay đường cõng xe, ngựa cõng người, ngựa cõng hàng hóa:

Đường Cõng xe Cõng ngựa Xe ngựa cõng người cõng hàng lên núi lên bản (Mừng xuân, mừng tết - Lò Ngân Sủn)

Ngoài ra, bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ thơ thiếu nhi của các nhà thơ dân tộc thiểu số còn thể hiện ở chỗ các nhà thơ thường sử dụng rất nhiều những từ ngữ chỉ địa danh của quê hương mình như: hồ Ba Bể, Bắc Kạn, sông Năng, bản Hon,

Phjabjooc (thơ Dương Thuấn, Dương Khâu Luông), sông Bằng Giang (thơ Y

Phương), suối Pí Lè, bản Mường, Mương Bui, Mường Động (thơ Lò Ngân Sủn, Lò Cao Nhum), làng Chăm, buôn, plây, Tuy Phong, tháp Chàm, Cà Ná, Ma Nới, Từ

Tâm, Phan Rang, Ban Mê, Raglai, làng Chakleng (thơ Inrasara, Trà Ma Hani)…

Cùng với việc dùng từ ngữ để gọi tên địa danh quê hương, các nhà thơ dân tộc thiểu số còn sử dụng nhiều từ ngữ gợi người đọc liên tưởng đến không khí và cuộc sống lao động, sinh hoạt đặc trưng của từng dân tộc như nương, ruộng, quả núi, đồi, ngô, lúa, rừng cây bồ đề, rừng mỡ, rừng vầu, sàn trăng, cầu thang, nhà gác, thầy mùn, hát then, lượn cọi…

Mây trắng treo đầu nguồn Núi, đồi thi nhau chạy ngược Địu đầy ngô, lúa, sắn, khoai…

(Núi đồi - Lò Ngân Sủn)

Lễ hội là một trong những nét văn hóa đặc sắc nhất của từng dân tộc. Mang đậm dấu ấn dân tộc, ngôn ngữ trong thơ của các nhà thơ dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại đó còn là ngôn ngữ của lễ hội. Những lễ hội đặc trưng của từng dân tộc đã được thể hiện một cách trọn vẹn thông qua cách dùng những danh từ riêng gọi tên từng lễ hội như: hội Lồng Tồng (dân tộc Tày), hội kèn Pí Lè (dân tộc Mông, Giáy), hội Kate (dân tộc Chăm), hội diều (Dân tộc Chăm), hội trống Ginang (đồng bào Tây Nguyên)… Tất cả đã tạo thành một mã ngôn ngữ rất riêng của từng dân tộc như mã ngôn ngữ của dân tộc Chăm thể hiện qua các từ ngữ chỉ vũ điệu trống Biyen

Tiong, Tang hok, Chei Tathun, Atapah trong thơ Inrasara:

Êm dịu điệu Biyen Tiong Hùng tráng nhịp Tang hok Sôi nổi điệu Chei Tathun Buồn buồn khúc Atapah

Bên cạnh đó, ngôn ngữ trong thơ thiếu nhi của các nhà thơ dân tộc thiểu số còn có sự ảnh hưởng lớn từ các yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó là ảnh hưởng của điệu lượn trong thơ Y Phương; hát mo trong thơ Lò Cao Nhum; điệu then,

điệu sli, điệu khèn, điệ lượn trong thơ Dương Thuấn, Dương Khâu Luông:

Tiếng lượn xinh trắng ngần Ngọt hơn ngàn tiếng chim Không bắt được bỏ túi Không cầm được để xem Người nào yêu tiếng lượn Tiếng lượn sẽ đến tìm

(Tiếng lượn - Dương Thuấn)

Rồi đó còn là cách diễn đạt rất riêng của dân tộc cũng được các nhà thơ dân tộc thiểu số khéo léo thể hiện trong những trang thơ thiếu nhi của mình. Chẳng hạn như trong khuôn âm của người Tày vốn không có thanh ngã, bởi vậy trong sáng tác của mình, các nhà thơ Tày rất hạn chế sử dụng thanh này. Thậm chí có những đoạn thơ dài hay bài thơ họ không dùng thanh “ngã”:

Cái áo của bà Hai vai bạc phếch Một bên nắng táp Một bên mưa sa Vai áo của bà Gánh gió gánh mưa Nhọc nhằn vất vả

(Cái áo của bà - Dương Khâu Luông)

Bên cạnh đó, những cách diễn đạt mang tính chất khẩu ngữ, dân dã hàng ngày của từng dân tộc cũng trở thành ngôn ngữ thơ ca dưới ngòi bút của các nhà thơ. Nói về cả cuộc đời đầy vất vả, cay đắng của mình, Lò Cao Nhum có một cách nói rất riêng gắn liền với những món ăn, những gia vị gắn bó, không thể thiếu được trong đời sống của dân tộc mình:

Con gái út dứt đi

Nỗi củ gừng và niềm lá đu đủ Mưu sinh phập phù

Gai rừng núi đá

(Tóc trắng - Lò Cao Nhum)

Đó là lời dặn dò, nhắc nhở riêng của người cha Lũng Núi đối với đứa con của mình về kinh nghiệm sống, kinh nghiệm đi rừng:

Con ơi con!

Làm con trai Lũng Núi Khi đi rừng

Nhớ mang theo dao

Lối trong rừng không ai mở sẵn Bằng con dao sắc của mình Con tự mở lối đi

(Lời cha Lũng Núi – Trương Định)

Hay cách nói đầy tình cảm tha thiết của người cha đối với con qua cách gọi rất riêng của dân tộc: người đồng mình

Người đồng mình thô sơ da thịt Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương Còn quê hương thì làm nên phong tục

(Nói với con - Y Phương)

Hay cách gọi thân thiết, gần gũi về dân tộc mình như: chú bé bản Hon, người

mẹ xứ Mây, em bé xứ Mây (thơ Dương Thuấn)…để thông qua cách gọi đó, các nhà

thơ thiếu nhi dân tộc đã thể hiện được hình ảnh, tầm vóc, vị thế, nét riêng không trộn lẫn của dân tộc mình.

Như vậy có thể thấy rằng với việc sử dụng ngôn ngữ mang đậm dấu ấn dân tộc thể hiện qua cách dùng từ ngữ, khẩu ngữ, cách gọi tên, miêu tả các lễ hội đặc trưng của từng dân tộc, các nhà thơ thiếu nhi dân tộc thiểu số không những phản ánh được điệu tâm hồn mình mà còn góp một tiếng nói quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy những tinh hoa của dân tộc trong đó có vấn đề ngôn ngữ dân tộc. Và cùng với ngôn

ngữ giản dị, trong sáng, giàu hình ảnh, âm thanh, thì với ngôn ngữ mang đậm dấu ấn dân tộc, các nhà thơ dân tộc thiểu số đã tạo nên một diện mạo riêng, sức hút riêng cho những trang thơ viết về thiếu nhi của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc thiểu số tiêu biểu (Trang 81 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)