7. Kết cấu của luận văn
3.4.2. Đối với đội ngũ giáoviên
Giáo viên cần được đào tạo đúng chuyên môn, nghiệp vụ. Trước khi yêu cầu mỗi giáo viên phải có phương pháp dạy học hiệu quả thì trước hết họ phải là những người nắm vững kiến thức, có trình độ hiểu biết về vấn đề nghiên cứu giảng dạy. Để làm được điều này thì điều kiện tiên quyết là giáo viên phải được đào tạo đúng các chuyên ngành giáo dục chính trị, khoa học xã hội; lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam...; đồng thời, nắm vững nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có sự am hiểu các vấn đề về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong nước và thế giới. Thường xuyên trau dồi, cập nhật kiến thức của các ngành khoa học liên quan đến nội dung giảng dạy. Đây là điều kiện rất quan trọng đặt ra đối với giáo viên để thực hiện thành công việc vận dụng nguyên tắc trên trong dạy học LLCT.
Mặt khác, giáo viên phải là người giải quyết tốt các tình huống sư phạm gặp phải trong quá trình dạy học. Tuy nhiên, hiện nay do tác động của mặt trái cơ chế thị trường nên có nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn ở một số địa phương đi ngược lại những lý luận đã đề cập và học viên thường đặt ra các câu hỏi, đưa ra nhiều tình huống để giáo viên lý giải nhằm để củng cố tri thức liên quan đến bài học cũng như thỏa mãn những thắc mắc của bản thân. Trong những trường hợp như vậy, giáo viên LLCT vừa phải thể hiện bản lĩnh, lập
trường chính trị vững vàng, vừa phải xử lý tình huống hợp lý sao cho học viên hiểu vấn đề một cách khoa học đúng với tri thức bài học, đồng thời người học được rèn luyện thêm về thế giới quan, phương pháp luận và cả bản lĩnh chính trị, từ đó giáo viên khuyến khích học viên tích cực hơn nữa trong quá trình học tập, chỉ rõ cho người học thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn. Như vậy, chỉ trên cơ sở vận dụng hiệu quả phương pháp nêu vấn đề và sử dụng tình huống trong dạy học, giáo viên mới thực hiện tốt vai trò truyền thụ tri thức, là người tổ chức, định hướng cho học viên trong quá trình dạy học. Hơn thế nữa, khi giáo viên đã nắm vững và vận dụng tốt phương pháp trên thì họ sẽ tự tin trong quá trình dạy học; tạo ra sự tôn trọng của đồng nghiệp và niềm tin yêu của người học; tăng cường tính giáo dục, niềm say mê, hứng thú cho học viên; từ đó tạo ra sức hấp dẫn đối với mỗi bài giảng. Đây chính là những phẩm chất quan trọng hàng đầu đặt ra đối với mỗi giáo viên.
Ngoài ra, giáo viên cần nắm vững trình độ nhận thức của học viên, nắm vững nội dung từng chuyên đề giảng dạy. Một trong những điều kiện tạo nên sự thành công của quá trình dạy học, đó là việc nắm vững đối tượng người học và nắm chắc được nội dung kiến thức của từng bài học, kịp thời nắm bắt và sử dụng các phương pháp dạy học phù hợp với việc vận dụng phương pháp nêu vấn đề và sử dụng tình huống để áp dụng cho từng bài học, từng đơn vị kiến thức sao cho đạt kết quả cao.Giáo viên phải quán triệt yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. Để vận dụng phương pháp nêu vấn đề và sử dụng tình huống trong dạy học thì giáo viên cần quán triệt một số quan điểm sau:
Một là, đổi mới phương pháp dạy học là nhiệm vụ của mỗi giáo viên. Giáo viên cần xác định rõ đổi mới phương pháp dạy học không chỉ dừng lại ở lý thuyết, không chỉ là thực hiện nhiệm vụ do lãnh đạo Huyện ủy phân công, mà quan trọng hơn là tinh thần, trách nhiệm của mỗi giáo viên; họ chính là những người trực tiếp thực hiện nguyên lý học đi đôi với hành, lý thuyết gắn
với thực tế. Điều này được quán triệt rất cụ thể trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục, đào tạo.
Hai là, đổi mới phương pháp dạy học là việc làm mang tính khoa học. Bản thân giáo viên cần nhận thức rõ, đổi mới phương pháp dạy học là một khoa học, là quy luật khách quan chứ không phải là một nhiệm vụ thuần túy, một khẩu hiệu hay một phong trào chung. Việc đổi mới phương pháp dạy học phải được thực hiện một cách đồng bộ, khoa học và có sự tham gia tích cực của đồng nghiệp trong toàn Trung tâm bồi dưỡng chính trị.
Ba là, đổi mới phương pháp dạy học phải theo quy định và đồng bộ. Đó không chỉ là kết quả của cá nhân hay một nhóm giáo viên theo những định hướng mang tính chủ quan, mà đòi hỏi phải thực hiện theo một quy trình thống nhất. Bài giảng phải có sự sáng tạo và được vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học theo một quy trình thống nhất và đồng bộ.
Giáo viên phải sử dụng thành thạo phương tiện dạy học hiện đại để hỗ trợ cho việc vận dụng phương pháp nêu vấn đề và sử dụng tình huống trong dạy học. Ngày nay, các phương tiện kỹ thuật có vai trò hỗ trợ rất lớn cho quá trình dạy học nói chung. Tuy không thay thế được vai trò của giáo viên nhưng các phương tiện kỹ thuật có tác động rất lớn đến hiệu quả dạy học, nhất là khi giáo viên chú trọng vận dụng phương pháp nêu vấn đề và sử dụng tình huống. Đặc biệt, khi giáo viên muốn minh họa tri thức bằng các hình ảnh trực quan, phim tài liệu lịch sử, các tình huống thực tế thì vai trò của phương tiện kỹ thuật càng trở nên quan trọng hơn. Vì thế, nếu giáo viên không biết sử dụng hoặc sử dụng không thành thạo các phương tiện ấy sẽ dẫn đến tâm lý ngại đưa hình ảnh trực quan vào giảng dạy, khi đó thuyết trình được coi là phương án sau cùng, sẽ làm hạn chế việc vận dụng nguyên tắc thống nhất lý luận với thực tiễn trong dạy học. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng tư duy và sự hứng thú của học viên đối với việc học tập và nghiên cứu LLCT. Nếu giáo viên sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại, nhất là sử dụng công nghệ
thông tin thì họ sẽ quan tâm đầu tư thời gian, công sức vào việc tìm kiếm số liệu thống kê, các biểu đồ, các phim ảnh phục vụ cho hoạt động dạy học.
Giáo viên phải có cơ chế gắn giảng dạy LLCT với thực tiễn đất nước. Để thực hiện việc vận dụng phương pháp nêu vấn đề và sử dụng tình huống đòi hỏi giáo viên phải tăng cường nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn nhằm nắm tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương vận dụng vào trong nội dung bài giảng như một minh chứng thuyết phục rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng. Qua nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn còn giúp giáo viên có thể kiểm tra được kết quả của việc truyền đạt nội dung kiến thức các chuyên đề mà mình đã cung cấp cho học viên và yêu cầu người học vận dụng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với từng lĩnh vực công tác, từng địa phương hay các vấn đề thực tiễn đất nước, thời đại trên cơ sở lý luận đã hợp lý chưa, đã đảm bảo nguyên tắc chưa. Qua đó, giáo viên tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn và điều chỉnh nội dung học tập cho phù hợp với học viên.
Để vận dụng có hiệu quả phương pháp nêu vấn đề và sử dụng tình huống thì một trong những nội dung không thể thiếu đối với mỗi giáo viên là hoạt động nghiên cứu khoa học. Nó góp phần hoàn thiện khả năng tư duy, nâng cao tính tích cực sáng tạo trong mọi hoạt động, phục vụ cho công tác giảng dạy được tốt hơn do được rèn luyện về năng lực độc lập trong nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn. Bằng việc nghiên cứu khoa học, người giáo viên không chỉ nắm chắc các tri thức khoa học, nhất là tri thức chuyên môn đã được thể hiện ở trình độ nhận thức lý luận mà còn có khả năng tiếp cận thực tiễn, cách thức giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Có tham gia nghiên cứu khoa học, giáo viên mới bám sát thực tiễn, kịp thời phát hiện những vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống. Trên cơ sở ấy mà tìm cách lý giải về mặt lý luận và đề xuất những phương án giải quyết kịp thời.
Giáo viên phải thực sự tâm huyết với việc vận dụng phương pháp nêu vấn đề và sử dụng tình huống trong dạy học. Thực tế chứng minh, trong mọi lĩnh vực nếu người lao động không yêu nghề, say mê, sáng tạo trong lĩnh vực công tác của mình thì khó thành công. Hơn nữa, vận dụng phương pháp nêu vấn đề và sử dụng tình huống trong dạy học là một công việc khó. Giáo viên tâm huyết với việc vận dụng phương pháp nêu vấn đề và sử dụng tình huống trong dạy học được thể hiện trước hết ở sự say mê học tập và nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ LLCT cũng như thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi phải có một quá trình lao động công phu, không ngại khó, luôn có tinh thần cầu thị, có như vậy giáo viên mới trở thành những người vững vàng về mặt tri thức; nhất là đối với giáo viên dạy học LLCT cho học viên lớp bồi dưỡng LLCT cho cán bộ; đảng viên, với đặc thù riêng của các chuyên đề bồi dưỡng LLCT, đòi hỏi giáo viên phải luôn tự ý thức được việc nâng cao kiến thức, thường xuyên cập nhật các vấn đề thời sự của địa phương, trong nước và quốc tế để làm phong phú, hấp dẫn bài giảng chính là đã vận dụng thành công phương pháp nêu vấn đề và sử dụng tình huống trong dạy học.
Một giáo viên tâm huyết sẽ là người biết kết hợp và vận dụng các phương pháp dạy học với phương pháp nêu vấn đề và sử dụng tình huống có hiệu quả. Nhất là hiện nay, có một bộ phận công chức, viên chức và người lao động ít quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội, thậm chí có tâm lý thờ ơ. Do đó, rất cần lòng nhiệt tình, tâm huyết, truyền cảm hứng của người giáo viên thông qua việc vận dụng phương pháp nêu vấn đề và sử dụng tình huống trong dạy học.