7. Kết cấu của luận văn
3.2.2. Quy trình thực hiện bài giảng trên lớp
Thực hiện bài giảng trên lớp là sự thống nhất giữa hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học viên.Trong đó, giáo viên giữ vai trò chủ đạo, tổ chức, điều khiển quá trình lĩnh hội tri thức của học viên.Học viên giữ vai trò chủ động, tích cực tham gia vào quá trình dạy học để chiếm lĩnh tri thức.
Cũng giống như quá trình dạy học nói chung, quá trình dạy học chương trình LLCT phải tuân thủ theo logic và quy tắc của quá trình dạy học. Thực hiện đúng quy tắc dạy học tức là người giáo viên hướng dẫn học viên thực hiện đúng quy trình dạy học.
Quy trình thực hiện bài giảng vận dụng phương pháp nêu vấn đề và sử dụng tình huống trong dạy học chương trình LLCT gồm 5 bước sau:
Bước 1: Kiểm tra bài cũ: do đặc thù của mỗi bài học, giáo viên có thể
thực hiện hoặc không, thông thường được thực hiện đan xen trong quá trình dạy bài mới bằng các câu hỏi tái hiện hoặc phân tích, đánh giá.
Bước 2: Giới thiệu bài mới: đây là hoạt động hỗ trợ của giáo viên nhằm
dẫn dắt, lôi cuốn học viên đến với nội dung của bài mới một cách tự nhiên. Do vậy, việc giới thiệu bài mới cần đảm bảo các yêu cầu sau: Kết nối bài cũ, khái quát mục tiêu của bài học mới, nhất là cách nêu vấn đề hoặc đưa ra tình huống trong sự liên hệ với thực tiễn, các sự kiện, hiện tượng đã và đang diễn ra trong đời sống xã hội.
Bước 3: Dạy bài mới: đây là hoạt động chính của giáo viên nhằm giúp học viên lĩnh hội tri thức mới. Thông thường, khi chuẩn bài giảng, giáo viên phải thể hiện được hai nội dung cơ bản sau:
- Hoạt động của thầy và trò: thực tế chứng minh, hoạt động của thầy và trò được thiết kế kỹ lưỡng, khoa học thì hiệu quả vận dụng phương pháp nêu vấn đề và sử dụng tình huống trong dạy học càng cao, theo đó chất lượng được nâng lên. Trong phần này, giáo viên căn cứ vào nội dung chuyên đề, mục tiêu dạy học... để lựa chọn phương pháp, phương tiện dạy học phù hợp. Đối với mỗi nội dung và đơn vị kiến thức, giáo viên cần đặt ra những yêu cầu từ đơn giản đến phức tạp để học viên tích cực tham gia và hiểu bài tốt nhất. Đồng thời, phải đơn giản hóa kiến thức, minh họa bằng những ví dụ, tình huống gắn với thực tiễn. Có như vậy mới giúp học viên dễ dàng hơn trong việc nắm bắt nội dung bài học và vận dụng vào thực tế cuộc sống, công việc. Những yêu cầu này thực chất là những câu hỏi bài tập hoặc những chỉ dẫn được sắp xếp theo lôgíc của nhận thức.
Tóm lại, việc thiết kế bài giảng phải đảm bảo các yếu tố sau: thời gian thực hiện, phương pháp, phương tiện, hoạt động của thầy và trò, dự kiến các
tình huống khi thực hiện bài giảng. Đặc biệt, giáo viên phải luôn ý thức được tầm quan trọng và tích cực vận dụng phương pháp nêu vấn đề và sử dụng tình huốngvào trong bài giảng một cách chủ động.
- Nội dung cần đạt: đây là phần kiến thức trọng tâm của mỗi bài giảng. Nội dung này chủ yếu dựa trên hệ thống tri thức được giáo viên xác định trước đó. Nội dung cần đạt được gồm:
Thứ nhất, nội dung cơ bản. Đó là những nội dung cốt lõi, cần nhấn mạnh mà học viên phải nắm được. Nội dung này được giáo viên lựa chọn trong bài học, từ các nguồn tài liệu bổ trợ và thực tiễn cuộc sống.
Thứ hai, nội dung tham khảo, bổ sung. Nội dung này góp phần làm phong phú vốn hiểu biết của học viên. Căn cứ vào từng đơn vị kiến thức, mục tiêu và đối tượng học tập... giáo viên có thể đưa ra những nội dung bổ trợ gắn với tình hình chính trị, xã hội của địa phương, trong nước, thế giới và yêu cầu người học phải thực hiện. Thông thường, người học rất có hứng thú với kiến thức tham khảo. Vì vậy, trong quá trình thiết kế bài giảng, giáo viên nên tìm hiểu và đưa vào những kiến thức xã hội để lôi cuốn học viên vào bài học.
Bước 4: Củng cố, luyện tập: khi kết thúc mỗi chuyên đề, giáo viên cần
dành thời gian cần thiết để củng cố lại kiến thức đã học và việc vận dụng những kiến thức đó vào thực tiễn. Đây là khâu rất cần thiết. Trong phần này, giáo viên khái quát lại nội dung bài học thành hệ thống, các đơn vị kiến thức được kết nối theo một lôgíc. Việc củng cố trên nhằm giúp học viên thấy được tổng thể nội dung bài học, thấy được mối quan hệ biện chứng giữa các đơn vị kiến thức, lưu ý các kiến thức trọng tâm, từ đó học viên ghi nhớ dễ dàng hơn.
Bước 5: Hướng dẫn học tập ở nhà: đây là bước cuối cùng trong quá
trình thiết kế phần nội dung dạy học. Trước khi kết thúc bài học, giáo viên thường nhận xét, hướng dẫn học viên thực hiện bài tập ở nhà bằng những hoạt động cụ thể.