Quản lý hoạt động bồi dưỡng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa các xã, phường thành phố thái nguyên trong giai đoạn hiện nay​ (Trang 26 - 28)

8. Cấu trúc luận văn

1.2. Một số khái niệm cơ bản

1.2.3. Quản lý hoạt động bồi dưỡng

* Hoạt động bồi dưỡng

Hoạt động bồi dưỡng là quá trình toàn vẹn có sự thống nhất giữa hai mặt của các chức năng hoạt động dạy và hoạt động học. Đó là quá trình vận động và phát triển của các thành tố tạo nên hoạt động bồi dưỡng. Hiệu quả của hoạt động bồi dưỡng phụ thuộc vào mối quan hệ tương tác, sự hỗ trợ của hoạt động dạy và hoạt động học. Hoạt động bồi dưỡng là quá trình bộ phận, là một

phương tiện trao đổi học vấn, phát triển năng lực và giáo dục phẩm chất nhân cách thông qua sự tác động qua lại giữa người dạy và người học nhằm truyền thụ và lĩnh hội có hệ thống những tri thức khoa học, những kỹ năng nhận thức và thực hành. Nói cách khác, hoạt động bồi dưỡng là quá trình vận động kết hợp giữa hai hoạt động dạy và học nhằm đạt được nhiệm vụ của bồi dưỡng.

Hoạt động bồi dưỡng là một hệ thống toàn vẹn bao gồm các thành tố cơ bản: mục đích, nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức, người dạy và người học. Các thành tố này tương tác với nhau, thâm nhập vào nhau để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng.

Hoạt động bồi dưỡng là một quá trình mà trong đó dưới sự tổ chức, điều khiển, lãnh đạo của người dạy làm cho người học tự giác, tích cực, chủ động tự tổ chức, tự điều khiển hoạt động nhận thức và học tập của mình nhằm thực hiện những nhiệm vụ bồi dưỡng. Với tư cách là một hệ thống, các thành tố trong hoạt động bồi dưỡng tương tác với nhau theo quy định riêng, thâm nhập vào nhau, quy định lẫn nhau để tạo nên sự thống nhất biện chứng giữa dạy và học, giữa truyền đạt và lĩnh hội, giữa điều khiển và tự điều khiển. Hoạt động bồi dưỡng gắn liền với hoạt động giáo dục. Cả hai hoạt động này đều hướng tới một mục tiêu chung là phát triển toàn diện nhân cách người học.

* Quản lý hoạt động bồi dưỡng

Quản lý hoạt động bồi dưỡng là một hệ thống tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lý tới khách thể quản lý trong quá trình bồi dưỡng nhằm đạt được mục tiêu đề ra; là quá trình người quản lý hoạch định, tổ chức, điều khiển hoạt động bồi dưỡng nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Quản lý hoạt động bồi dưỡng có nhiều cấp độ khác nhau nhưng đều dễ nhận thấy nhất ở hai cấp độ: Vi mô và vĩ mô. Cấp quản lý vĩ mô tương ứng với việc quản lý đối tượng với quy mô lớn, bao quát toàn bộ hệ thống. Trong hệ thống này có nhiều hệ thống nhỏ, tương ứng với hệ thống nhỏ này là các hoạt động quản lý vi mô. Tuy nhiên, sự phân chia quản lý vi mô và quản lý vĩ mô chỉ là tương đối.

Nội dung của quản lý hoạt động bồi dưỡng được xác định bao gồm: Quản lý việc lập kế hoạch, nội dung chương trình, phương pháp bồi dưỡng; quản lý người dạy, người học; quản lý công tác tổ chức bồi dưỡng; quản lý chất lượng và hiệu quả bồi dưỡng; quản lý các hoạt động đảm bảo điều kiện nhân lực (con người), vật lực (cơ sở vật chất, trang thiết bị), tài lực (tài chính, ngân sách) và cả quản lý các hoạt động bổ trợ cho công tác bồi dưỡng.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ sở bồi dưỡng sẽ có những đối tượng riêng, phù hợp. Không thể áp dụng một cách máy móc các biện pháp quản lý quá trình bồi dưỡng đối với tất cả các cơ sở bồi dưỡng mà phải phụ thuộc vào từng yếu tố cụ thể của cơ sở bồi dưỡng đó.

Như vậy, quản lý hoạt động bồi dưỡng thực chất là quá trình quản lý hoạt động truyền thụ tri thức, kỹ năng, kỹ xảo của đội ngũ giáo viên và quá trình lĩnh hội tri thức, kỹ năng, kỹ xảo của người học; quản lý các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bồi dưỡng của người quản lý.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa các xã, phường thành phố thái nguyên trong giai đoạn hiện nay​ (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)