Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, một làn sóng nước ngoài đầu tư vào thị trường bất động sản. Trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn, đã đẩy chỉ tiêu kinh tế về đầu tư trực tiếp tăng vọt, vượt kỷ lục cao nhất 20 năm qua. Thị trường bất động sản chiếm đến 50% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (bao gồm cả lượng kiều hối nước ngoài), cả về số dự án lẫn tổng vốn đầu tư. Cụ thể, năm 2007, đã có 24 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS với tổng vốn đầu tư là 1,530.4 triệu USD, gần gấp 2 lần tổng vốn đầu tư từ năm 2000 đến năm 2006 cộng lại. Con số này tiếp tục tăng lên sang năm 2008: 45 dự án đầu tư vào lĩnh vực BĐS với tổng vốn đầu tư lên gần 3 tỷ USD (nguồn: Savills) . Khi nguồn vốn trong nước còn hạn hẹp thì việc
FDI tăng mạnh vào lĩnh vực BĐS sẽ góp phần rất quan trọng vào việc đô thị hóa, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Thực tế cho thấy tại các thành phố lớn hầu hết các dự án, công trình lớn, những khách sạn 5 sao… đều có yếu tố nước ngoài.
Biểu đồ 2. 5: Vốn FDI vào thị trường bất động sản Việt Nam
Nguồn: Cục đầu tư Nước ngoài [40]– Bộ kế hoạch đầu tư [21] – Savills[41]
Tuy nhiên khi phân tích về lợi, hại khi Việt Nam vào WTO năm 2007, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dòng vốn lớn vào TTCK và bất động sản tạo nên sự tăng nóng tài sản, các mã cổ phiếu đột ngột tăng giá gấp 5-10 lần so với trước, đặc biệt là cổ phiếu ngành bất động sản. Từ đó hình thành giá ảo trên sàn chứng khoán, một mặt bằng giá mới đối với các loại tài sản khác cũng hình thành. Theo đó, bong
bóng bất động sản bắt đầu phát triển, giá nhà đất tăng mạnh, các ngân hàng sẵn sàng đổ vốn cho vay với tài sản thế chấp không ngừng lên giá hàng ngày, từ đó các doanh nghiệp, giới kinh doanh và nhiều người đã giàu lên nhanh chóng, tạo bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng cao.
Biểu đồ 2. 6: Biến động giá bất động sản ở Việt nam
Nguồn: Savills[41]
Theo đà tăng trưởng của các kênh đầu tư sinh lợi cao, các doanh nghiệp đã không tận dụng lợi thế mới từ gia nhập kinh tế quốc tế để cải tiến sản xuất, đầu tư công nghệ, chiếm lĩnh thị trường nội địa và mở rộng xuất khẩu theo thế mạnh của mình. Họ nhảy sang đầu tư chứng khoán, bất động sản, ngân hàng. Trước sức nóng quá lớn, mức giá tài sản đã vượt quá xa giá trị thực của nó, khiến nhiều người lo ngại thị trường xì hơi dẫn đến đỗ vỡ hàng loạt. Nhà nước đã chủ động phá vỡ bong bóng bất động sản bằng chính sách tiền tệ thắt chặt, hạn chế cho vay vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán, đẩy giá cả thị trường bất động sản tuột dốc và kéo dài cho đến nay. Năm 2009, để hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ đã đưa ra gói kích cầu 9 tỷ USD, nhưng các doanh nghiệp lại tiếp tục đổ xô vào kinh doanh bất động sản với tâm lý bất động sản sẽ phục hồi, thêm một lần nữa đã tạo ra những cơn sốt ảo cho thị trường bất động sản.
Hệ quả, GDP năm 2009 chỉ tăng trưởng thêm 1%, đồng thời tạo ra nhiều rủi ro kéo dài đến nay như kinh tế suy thoái, lạm phát gia tăng, nợ xấu bùng phát, nhiều doanh nghiệp đổ vỡ, thị trường chứng khoán liên tiếp lập đáy, bất động sản đóng băng…
Cho đến giữa năm 2011 dòng vốn nước ngoài vào thị trường bất động sản giảm mạnh chỉ còn 850 triệu USD, mức thấp nhất trong giai đoạn 2006-2012. Theo các chuyên gia kinh tế, sự sụt giảm này do một phần tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu và nguyên nhân từ lạm phát tăng cao của Việt Nam, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, khó khăn trong khâu phê duyệt dự án kéo dài… đã làm giảm hiệu quả đầu tư của các dự án đầu tư nước ngoài. Dấu hiệu suy giảm FDI gây lo ngại và triển vọng kinh tế của Việt Nam, vì hiện nay Việt nam vẫn đang phụ thuộc khá nhiều từ luồng vốn đầu tư từ bên ngoài khi tỷ lệ tiết kiệm nội địa luôn thấp hơn đầu tư trong nhiều năm.