Thứ nhất, nợ công là một nguồn rất cần thiết thuộc cấu trúc vốn tài chính của các
quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn có nguy cơ gây tổn hại cho nền kinh tế nếu không được quản lý tốt và cũng bởi những yêu cầu thanh toán cả vốn gốc và lãi của nó, trở thành gánh nặng nợ cho thế hệ tương lai. Một nền kinh tế phát triển hướng ngoại đến mức phụ thuộc rất lớn vào các nguồn lực bên ngoài không được xem là một nền kinh tế phát triển bền vững. Nếu đầu tư không hiệu quả thì không những hoạt động đầu tư đó không mang lại kết quả theo mục đích định trước mà còn làm mất thêm cả phần nguồn lực xã hội tạo ra. Hậu quả, giảm sút uy
tín với các quốc gia cho vay, lãi suất dài hạn cao hơn, bóp méo hệ thống thuế trong tương lai, lạm phát và sự không chắc chắn về các triển vọng và chính sách.
Thứ hai, tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm và đầu tư có mối quan hệ với nhau, khi vốn
nội địa không đủ để tài trợ cho chi tiêu đầu tư trong nước thì vay nợ là tất yếu để phục vụ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vay nợ luôn kèm theo những rủi ro do lãi suất, thời hạn, cơ cấu vay mượn, gây ảnh hưởng tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế, do đó vấn đề quản lý nợ hiệu quả đang trở nên cấp thiết.
Thứ ba, nợ công tạo áp lực gây ra lạm phát. Khi tăng vay nợ trong nước, lãi suất
tăng làm tăng chi phí đầu tư, tăng giá thành và giá bán sản phẩm. Bên cạnh đó lãi suất tăng, người nắm giữ trái phiếu chính phủ cảm thấy mình trở nên giàu có hơn và có thể tiêu dùng nhiều hơn. Tiêu dùng tư nhân tăng, chi tiêu công của chính phủ tăng dẫn đến cầu hàng hóa, dịch vụ tăng, tạo áp lực lạm phát trong ngắn hạn, từ đó tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng thực của nền kinh tế
Thứ tư, nợ tích lũy theo thời gian và dòng chi trả nợ đã gây cản trở lớn đến tăng
trưởng kinh tế do những trở ngại thuế khóa, bất ổn vĩ mô và sự giảm bớt chi tiêu cho đầu tư phát triển của chính phủ. Ngoài ra, nợ công còn làm méo mó các hoạt động kinh tế, gây tổn thất phúc lợi xã hội. Người dân phải chịu một khoản thuế cao hơn trong tương lai để trả lãi cho các khoản nợ vay nước ngoài của chính phủ sẽ làm giảm thu nhập, giảm tiêu dùng...từ đó giảm chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, việc tăng thuế để trả lãi vô hình chung đã tạo ra sự phân phối lại thu nhập giữa những người nộp thuế và người sở hữu trái phiếu chính phủ, theo đó lợi nhuận thu được từ việc sở hữu trái phiếu chính phủ bị sụt giảm.