Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay là hệ thống ngân hàng đa năng một phần, kinh doanh tổng hợp, được định hình và phát triển mạnh kể từ khi thực hiện cải cách hệ thống Tài chính – Ngân hàng từ năm 1990 đến nay. Hiện nay, hệ thống này bao gồm:
Ngân hàng thương mại nhà nước
Ngân hàng thương mại cổ phần
Ngân hàng chính sách
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Ngân hàng liên doanh
Ngân hàng 100% vốn nước ngoài
Văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài
2.1.2. Tác động của chính sách tiền tệ đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam hàng thương mại Việt Nam
Giai đoạn 1998 – 2001, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt thấp dưới 7% năm. Chính vì lý do đó, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp kích cầu nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi thời kỳ suy thoái. Chính sách tiền tệ mở rộng được duy trì liên tục trong giai đoạn 2003 – 2007. Tăng trưởng cung tiền và tín dụng liên tục tăng cao, các mức lãi suất khá ổn định ở mức dưới 8,25%. Chính sách tiền tệ mở rộng đã kích thích sản xuất, tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế nhưng cung tín dụng dồi dào cũng đã khơi thông cho các hoạt động đầu cơ vào thị trường chứng khoán và bất động sản. Cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp, các dòng vốn đầu tư gián tiếp,
kiều hối cũng đang đổ vào các thị trường này làm tăng thêm sức nóng cũng như góp phần thổi phồng các bong bóng giá chứng khoán và bất động sản mà đỉnh điểm là cuối năm 2007.
Đầu năm 2008, Ngân hàng Nhà nước thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng thêm 1% và áp dụng dự trữ bắt buộc cho tất cả các kỳ hạn theo quyết định số 187/2008/QĐ – NHNN. Tiếp theo đó Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu bắt buộc mệnh giá 20.300 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại theo quyết định số 346/QĐ – NHNN. Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước còn thay đổi cơ chế điều hành và tăng lãi suất cơ bản, lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn. Việc thắt chặt đột ngột đã tạo nên những diễn biến phức tạp trên thị trường tiền tệ, làm xuất hiện tình trạng thiếu thanh khoản và khởi đầu cho cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng thương mại, đỉnh điểm lãi suất tăng vọt lên đến 14%/năm. Cuối năm 2008, chịu tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế xuất phát từ Mỹ, nền kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu suy giảm. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phát tín hiệu nới lỏng tiền tệ bằng cách giảm nhẹ các lãi suất điều hành, điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi có kỳ hạn bằng VND, kích thích các ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng, ban hành Quyết định số 2321/QĐ – NHNN về tăng lãi suất phải trả cho dự trữ bắt buộc VND từ 5%/năm lên 10%/năm, ban hành Quyết định số 2317/QĐ – NHNN cho phép tín phiếu bắt buộc được thanh toán trước hạn.
Bước sang năm 2009, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hàng loạt Thông tư hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện lãi suất thỏa thuận như: Thông tư số 01/2009/TT-NHNN về thực hiện lãi suất thỏa thuận, Thông tư 02/2009/TT-NHNN về hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, Thông tư 27/2009/TT-NHNN về hỗ trợ lãi suất trung, dài hạn. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước còn giảm một loạt các lãi suất điều hành nhằm giảm mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ. Những điều kiện thuận lợi này đã làm cho tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng rất cao, cùng với chính sách tín dụng dễ dãi đã gây nên hệ lụy
về mất cân đối kỳ hạn và chất lượng tín dụng suy giảm mà đến nay vẫn đang phải giải quyết.
Hai quý đầu năm 2010, mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ được thực hiện khá tốt thể hiện qua tốc độ tăng cung tiền khá thấp (quý I là 17%, quý II là 21%), lạm phát cũng được kiểm soát ở mức thấp. Tuy nhiên, mức tăng trưởng kinh tế 06 tháng đầu năm 2010 chỉ đạt 5,57% (mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%), tạo nên áp lực buộc Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện một số điều chỉnh: tái cấp vốn cho Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam mỗi ngân hàng 10.000 tỷ đồng để cho vay đối với các đối tượng ưu tiên, bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần phối hợp cùng với Hiệp hội ngân hàng điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất. Động thái này đã làm cho cung tiền tăng trong hai quý cuối năm 2010, kéo lạm phát cũng tăng theo. Lúc này, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản lên mức 9%/năm vào đầu tháng 11/2010 sau 10 tháng liên tiếp duy trì ở mức 8%/năm, điều này gây khó khăn thanh khoản rất lớn cho các ngân hàng thương mại khi thời điểm cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp cần tiền để thanh toán cho các đối tác. Ngay từ đầu năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện quyết tâm kiềm chế lạm phát thông qua Chỉ thị 01/2011/CT-NHNN ban hành ngày 01/03/2011 với nội dung chủ yếu quy định mức tăng trưởng tín dụng dưới 20%, trong đó tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22% và hạ xuống 16% vào 31/12/2011, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 15% - 16%. Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước còn quy định trần lãi suất huy động có kỳ hạn là 14%/năm (thông tư 02/2011/TT-NHNN), trần lãi suất huy động không kỳ hạn là 6%/năm (thông tư 30/2011/TT-NHNN), tăng hàng loạt các lãi suất điều hành, thực hiện các biện pháp kiểm soát hoạt động cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất. Tuy nhiên, tình hình trên thị trường tiền tệ vẫn hết sức phức tạp, sự thiếu hụt thanh khoản tại các ngân hàng thương mại đã dẫn cuộc đua lãi suất “ngầm” kéo dài nhiều tháng. Đến tháng 09/2011, Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 02/2011/CT-NHNN về việc chấn chỉnh thực hiện quy định lãi suất huy động, tiếp theo đó là một số biện
pháp mạnh tay xử lý các ngân hàng vi phạm. Sự quyết liệt đó đã làm tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm từ mức 27,7% năm 2010 xuống mức 12,7% năm 2011. Chính sách tiền tệ thắt chặt trong giai đoạn này đã làm thanh khoản của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhỏ bộc lộ nhiều điểm yếu và Ngân hàng Nhà nước cũng thể hiện quyết tâm tái cơ cấu lại nhằm nâng cao sức khỏe của hệ thống ngân hàng.
Năm 2012, lãi suất điều hành được điều chỉnh giảm, trần lãi suất huy động liên tục giảm, đến cuối 2012, trần lãi suất chỉ còn 8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng và lãi suất thỏa thuận đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Ngày 13/02/2012 Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 01/2012/CT-NHNN về việc kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 14 - 16% và tín dụng 15 - 17%; giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý; điều hành tỷ giá linh hoạt; dựa trên cơ sở tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng, giao chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với 4 nhóm tổ chức tín dụng: nhóm 1 tăng trưởng tối đa 17%, nhóm 2 tăng trưởng tối đa 15%, nhóm 3 tăng trưởng tối đa 8% và nhóm 4 không được tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2012 chỉ đạt 8,19%, nguyên nhân một phần do việc thực hiện Chỉ thị 01, thêm vào đó là việc dòng vốn tín dụng bị ứ đọng tại các ngân hàng thương mại do chỉ tiêu cho vay được siết chặt nhằm cải thiện chất lượng tài sản Nợ, đồng thời nhu cầu vay của doanh nghiệp chưa cao vì sức mua của người tiêu dùng còn thấp trong thời kỳ kinh tế gặp khó khăn. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn này đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên lại không bền vững do chất lượng tín dụng toàn hệ thống vẫn chưa được cải thiện và tình trạng mất cân đối kỳ hạn (nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro thanh khoản trong giai đoạn cuối năm 2011) vẫn chưa được giải quyết triệt để.