Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay có khoảng 80 ngân hàng lớn nhỏ. Tuy số ngân hàng nhiều như vậy nhưng các chỉ tiêu về phát triển ngân hàng lại chưa cao. Cụ thể là hệ số sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế còn rất cao, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng cũng còn thấp, hệ số giao dịch qua ngân hàng chưa cao. Thêm vào đó, chất lượng và công nghệ của ngân hàng Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của quốc tế. Việt Nam vẫn còn áp dụng những chuẩn mực ngân hàng riêng biệt, chưa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì lý do đó, Ngân hàng Nhà nước nên mạnh tay thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại theo hướng hợp nhất, sáp nhập, mua bán lại nhằm tăng sức cạnh tranh cho các ngân hàng thương mại. Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay phải bao gồm: (i) giải quyết vấn đề nợ xấu; (ii) bảo đảm tiền gửi của người dân; (iii) bảo đảm nguồn thanh khoản cho các ngân hàng và (iv) xây dựng các ngân hàng mạnh.
Mặt khác, việc các ngân hàng thương mại tại Việt Nam chưa thể phá sản cũng là một phần nguyên nhân khiến cho một số ngân hàng thương mại không để ý đến các rủi ro có thể xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động của mình, gây những biến động không đáng có trên thị trường những năm gần đây. Bởi không ít ngân hàng thương mại cho rằng: Nếu hoạt động yếu kém hay mất khả năng thanh khoản và đứng trước khả năng đổ vỡ thì Ngân hàng Nhà nước sẽ ra tay can thiệp. Tâm lý ỷ lại
đã khiến một số ngân hàng thương mại có hiệu quả hoạt động kinh doanh yếu kém cũng không có kế hoạch nâng tầm, mà chỉ mong đợi bằng cách này hay cách khác Ngân hàng Nhà nước sẽ ra tay can thiệp. Đây thật sự là điều không có lợi cho nền kinh tế và khiến cho các ngân hàng thương mại không có động lực để phát triển. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có những biện pháp mạnh tay xử lý các ngân hàng thương mại hoạt động kém hiệu quả như buộc phá sản hoặc hợp nhất, sáp nhập, mua bán lại; từ đó nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống ngân hàng.