Sử dụng các công cụ PRA sau đây để thu thập các thông tin và số liệu ngoài hiện trường:
- Phỏng vấn ban quản lý các thôn, bản của các cộng đồng nghiên cứu: Công cụ này được thực hiện đầu tiên khi tới thôn, bản, nhằm tìm hiểu tình hình chung về kinh tế – xã hội của thôn, bản như: Dân số, mức sống, dân trí, các loại đất đai, các hỗ trợ từ bên ngoài, các hình thức sử dụng tài nguyên rừng...
- Phỏng vấn hộ gia đình: Bảng phỏng vấn bán định hướng được chuẩn bị trước. Tiến hành phỏng vấn 120 HGĐ. ở mỗi dân tộc Tày, Dao, Kinh, H'mông phỏng vấn 30 HGĐ. Các HGĐ phỏng vấn được lựa chọn theo phương pháp ngẫu nhiên có hệ thống. Danh sách phân loại hộ được thu thập tại UBND các xã nghiên cứu.
- Thảo luận nhóm: Phương pháp này được thực hiện sau khi thực hiện công cụ phỏng vấn HGĐ. Các cuộc thảo luận được tiến hành dựa trên khung thảo luận chuẩn bị sẵn. Nhóm thảo luận gồm 5 - 7 người, với đầy đủ thành phần kinh tế hộ trong thôn. Thảo luận nhóm nhằm bổ sung và thống nhất về các hình thức, mức độ tác động của người dân vào rừng và đất rừng của khu bảo tồn, các nguyên nhân của sự tác động đó. Những khó khăn và khuyến nghị của cộng đồng trong quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng. Tiến hành 3 cuộc thảo luận nhóm về các chủ đề: Các hình thức tác động, nguyên nhân tác động và giải pháp khắc phục.
- Phân tích tổ chức: Xác định các tổ chức tồn tại trong cộng đồng, các thể chế cộng đồng và sự ảnh hưởng của chúng tới việc quản lý, bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng.
- Phỏng vấn cán bộ hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang, cán bộ xã của 4 xã điều tra, trong mỗi dân tộc điều tra tiến hành phỏng vấn 1 trưởng thôn và 2 đại diện của các tổ chức trong thôn, bản.