Qua nhiều năm nghiên cứu và quan sát được trong tự nhiên chúng tôi nhận thấy rằng khả năng tái sinh từ hạt của loài Sâm ngọc linh là không cao. Xung quanh những cây mẹ nhiều tuổi rải rác có cây tái sinh. Một số cây có vết sẹo lớn có thể do các tác động cơ học như cành cây gãy, chim thú... tạo ra, nhưng qua thời gian chúng đã hình thành nên cá thể mới sau khi rời khỏi thân rễ (củ) ban đầu.
Có thể giải thích được lý do này là bởi vì trong tự nhiên khả năng tồn tại của hạt trong một thời gian dài là rất khó bởi vì khi hạt sâm chín rụng xuống rễ bị mưa lũ cuốn trôi (do tính mưa mùa của Miền trung). Mặt khác, vỏ quả Sâm ngọc linh chín có vị ngọt nên nhiều chim thú nhỏ thích ăn, thậm chí có loài thú nhỡ (Hoãng) rất thích ăn lá sâm. Những hạt còn sót lại sẽ phải chịu thời gian khô hạn của những tháng cuối năm nên khả năng nảy mầm sẽ giảm đi rất nhiều. (Vì thế phải gieo hạt khi còn tươi).
Trong những năm đầu của thập kỷ 80, ngành Y tế Quảng Nam cũng đã có chủ trương khôi phục và phát triển Sâm ngọc linh, bắt đầu bằng việc thu thập những cây sâm mọc tự nhiên đem về trồng dưới tán rừng phía sườn Đông của núi Ngọc Linh (gọi tên là Trạm dược liệu Trà Linh, thuộc nóc Măng Lùng, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Độ cao trên 1920m). Kể từ đó đến nay vườn đã được mở rộng, diện tích trên 1 héc ta với gần 300.000 cây ở các lứa tuổi khác nhau.Tuy nhiên khả năng cho hạt giống vẫn chỉ ở mức dưới 200.000hạt/năm (năm nhiều nhất) và 70.000hạt/năm (năm ít nhất) và quan trọng là tỷ lệ hạt giống nảy mầm hàng năm rất bấp bênh.
Để có thể bảo tồn và nhân trồng Sâm ngọc linh tại chỗ thành công, vấn đề quan trọng là cần nắm được các đặc điểm sinh thái cơ bản của cây; mùa hoa quả, khả năng tái sinh ... để từ đó có những tác động hợp lý, tìm cách tạo ra cây con từ chính những cây Sâm ngọc linh đang được bảo tồn.
Mặt khác, với điều kiện vật chất và trang bị tại đây còn hết sức thô sơ, trình độ cán bộ còn ở mức hạn chế (duy nhất 1 Trung cấp Nông nghiệp, còn lại 10 công nhân là người dân tộc Xê Đăng của địa phương chưa hề qua đào tạo).Vì thế các phương pháp nghiên cứu sẽ được áp dụng vừa phải đảm bảo tính khoa học, vừa phải dễ thực hiện nhưng vẫn có thể đưa lại kết quả khả quan.
ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... có bề dầy truyền thống về trồng Nhân sâm, Tam thất (những loài trong cùng chi Sâm - Panax L. với Sâm ngọc linh) đều tiến hành nhân giống từ hạt nhưng là hạt giống tươi. Nghĩa là sau khi thu giống xong người ta phải gieo ngay.
Phát triển trồng sâm dưới tán rừng tự nhiên, ngay tại những nơi mà trước đây vốn có Sâm ngọc linh mọc hoang dại là sự lựa chọn vùng sinh thái tối ưu nhất. Phát triển vườn giống tại chỗ và tiến hành gieo ươm (hạt, đầu mầm) cũng là những điều kiện thuận lợi cho thành công của nghiên cứu.