4.2.1Đặc điểm hình thái
- Tên gọi thông dụng: Sâm Ngọc Linh (SNL)
- Tên gọi khác: Sâm việt nam, Sâm khu năm (sâm K5), Thuốc dấu, Củ rơm con (Xê Đăng)…
- Tên khoa học:Panax vietnamensisHa et Grushv., - Họ thực vật: Ngũ gia bì - Araliaceae.
- Mô tả tóm tắt:
Cây dạng cỏ, sống nhiều năm, có thể cao trên 1m. Thân rễ (củ) nạc, đường kính từ 2-3cm hoặc hơn, phân nhánh, nằm ngang và thường nổi trên mặt đất. Cuối thân rễ có rễ củ to hình cầu, hình con quay đường kính tới 3cm (5cm). Đường kính thân mang lá từ 0,3 – 0,6cm, nhẵn, lụi vào mùa đông để lại trên thân rễ những vết
sẹo gần tròn. Lá kép hình chân vịt, gồm 3-4 lá kép (ít khi 5 hoặc 6) mọc vòng; mỗi lá kép thường có 5-7 lá chét thuôn, dài 10-14cm, rộng 3-5cm, hai đầu nhọn, mép lá có răng cưa, có lông ở cả 2 mặt. Cụm hoa tán, mọc ở ngọn, cuống cụm hoa dài 15- 30cm, vượt khỏi tán lá (dài gấp 1,5 – 2 lần chiều dài cuống lá kép). Tán hoa có đường kính 2,5 – 5cm, có thể mang từ 50 -140 hoa. Cuống hoa dài 1- 2,5cm. Hoa nhỏ màu trắng ngà hay trắng xanh, gồm 5 lá đài hợp thành hình chuông, trên chia thành 5 răng nhỏ hình tam giác, cao 1-1,5mm; 5 cánh hoa hình tam giác rộng. Nhị 5, mọc giữa các cánh hoa; bầu 2 ô, đầu nhuỵ chẻ đôi. Bao phấn xoan, đính lưng. Quả hình cầu cầu hơi dẹt, đường kính 0,6-1,0cm, có vòi nhuỵ tồn tại (ảnh 4-1); khi chín có màu đỏ tươi, thường có chấm đen không đều ở đỉnh quả. Hạt 1 hoặc 2, có màu trắng hoặc trắng ngà, dài 6-7mm, rộng 5-6mm, dày 2mm; bề mặt hạt ráp, có nhiều chỗ lồi lõm [1],[7],[8],[9],[19],[21].
ảnh 4-1. Cụm quả sâm ngọc linh còn xanh
Nhìn khái quát đặc điểm hình thái bên ngoài, Sâm ngọc linh có một số điểm giống với loài Sâm nhật (Panax japonicus) như dạng lá, cuống cụm hoa và cụm quả dài, quả khi chín thường có bớt (chấm, đốm) đen ở đỉnh... Chính vì vậy, có tài liệu đã nhầm lẫn giữa hai loài kể trên [7],[37].
Tuy nhiên, với những nghiên cứu cụ thể về đặc điểm của hoa và số lượng hoa trên một cụm hoa; thêm nữa là những kết quả nghiên cứu về thành phần hoá học, dẫn liệu ADN đã càng khẳng định Sâm ngọc linh là một loài độc lập, riêng rẽ [19],[36],[37],[38].