3.2. Đánh giá về chất lượng, quy mô, cơ cấu dân số và lao động
3.2.1. Dân số, dân tộc và lao động
Phạm vi Khu BTTN Pù Hu nằm trong địa giới hành chính của 11 xã (2 huyện Quan Hóa và Mường Lát).
3.2.1.1.Dân số
Dân số có 33.910 người, 7.269 hộ. Mật độ trung bình là: 39 người/km2, mật độ cao nhất là xã Phú Xuân (mật độ là 75 người/km2) và thấp nhất xã Trung Lý là 29 người/km2. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên toàn khu vực là 1,1%.
3.2.1.2. Thành phần dân tộc
Trước chiến tranh chống Mỹ, người dân khu vực chủ yếu là người Thái, Mường. Sau chiến tranh chống Mỹ, có sự chuyển biến lớn về thành phần dân tộc, từ Sơn La, Yên Bái đồng bào H’mông di cư đến và thành lập các bản như; suối Tôn ở xã Phú Sơn, các bản ở Trung Lý, cùng với chương trình kinh tế mới người Kinh từ vùng đồng bằng ở các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa... đến đã làm cho thành phần dân tộc đa dạng hơn. Hiện nay trong khu vực khu bảo tồn có một số dân tộc chính sau: Dân tộc Thái 20.729 người chiếm 61,13%, dân tộc Mường 8.241 người chiếm 24,3%, dân tộc H’mông 4.055 người chiếm 11,96%, Kinh 885 người chiếm 2,6%.
3.2.1.3. Lao động
Tổng số lao động là 18.356 người, chiếm 55,3% tổng dân số. Trung bình mỗi hộ có khoảng 2,5 lao động. Lao động trong khu vực chủ yếu làm nông nghiệp (Chiếm trên 91,9%), còn lại là các ngành nghề khác như: Thương mại, dịch vụ, giáo viên, y tế, cán bộ viên chức làm việc tại các xã trong vùng.
(Chi tiết có phục lục kèm theo)
Trong tổng 11 xã vùng đệm, qua điều tra cho thấy trên địa bàn giáp ranh với khu bảo tồn có 61 bản thuộc vùng đệm với tổng số 3.855 hộ, và 19.329 khẩu, 8.928 lao động, trong đó huyện Quan Hóa có 45 bản thuộc 10 xã gồm: 3.186 hộ, 14.984 khẩu và 6.695 lao động; huyện Mường Lát có 1 xã Trung Lý có 16 bản với 609 hộ, 3.796 khẩu và 1.892 lao động.