* Chính sách tín dụng:
Chính sách tín dụng là hệ thống các quan điểm, chủ trương, giải pháp và định hướng chỉ đạo hoạt động tín dụng và đầu tư của Ngân hàng. Chính sách tín dụng của Ngân hàng phải đạt được mục tiêu cân bằng giữa tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro, đảm bảo khả năng tăng trưởng tín dụng và đầu tư an toàn, hiệu quả, đúng định hướng và chiến lược phát triển của Ngân hàng. Nó có ý nghĩa quan trọng quyết định đến sự thành công, thất bại trong hoạt động tín dụng.
Một chính sách tín dụng đúng đắn, phù hợp, linh hoạt được đưa ra sẽ giúp ích cho Ngân hàng kiểm soát được rủi ro và cũng là điều kiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng của NHTM.
* Nguồn nhân lực:
Nguồn nhân lực có chất lượng luôn là mối quan tâm hàng đầu của các NHTM. Chất lượng nguồn nhân lực của Ngân hàng được đánh giá thông qua các chỉ tiêu: trình độ học vấn, trình độ ngoại ngữ, tin học, các kỹ năng mềm. Cán bộ tín dụng là người tham gia thực hiện vào các bước trong quy trình tín dụng, từ bước đầu tiên cho đến bước cuối cùng. Vì vậy, mỗi cán bộ tín dụng cần có nghiệp vụ, đạo đức, năng lực tốt, có kiến thức về pháp luật, hiểu biết về môi trường kinh tế - xã hội sẽ giúp cho Ngân hàng đánh giá, lựa chọn được những khách hàng, dự án, phương án tốt để cho vay. Nhờ vào đó, những khoản cho vay diễn ra an toàn và hiệu quả, ngăn ngừa được những rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động tín dụng, và đây cũng là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng.
* Công tác tổ chức:
Việc phân công nhân sự, bố trí bộ máy hoạt động của Ngân hàng cần phải được sắp xếp một cách phù hợp, logic, khoa học nhằm đảm bảo có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các khối, các phòng ban trong Ngân hàng, trong toàn bộ hệ thống Ngân hàng cũng như giữa các Ngân hàng với nhau, giữa Ngân hàng với các cơ quan khác có liên quan. Thông qua đó, Ngân hàng tạo điều kiện đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng và đồng thời cũng giúp Ngân hàng theo dõi, quản lý có hiệu quả các khoản tín dụng.
* Công tác thông tin:
Thông tin có vai trò quan trọng bậc nhất đối với NHTM. Thông tin càng đầy đủ, chính xác, toàn diện thì Ngân hàng sẽ đưa ra được những quyết định đúng đắn, kịp thời có liên quan đến hoạt động tín dụng. Từ những thông tin thu thập được, Ngân hàng thực hiện phân tích để đưa ra nhận xét về khả năng hiện tại cùng với tiềm năng của khách hàng trong quá trình sử dụng nguồn vốn vay cũng như khả năng hoàn trả nợ vay. Nhờ có thông tin đầy đủ, chính xác, sẽ giúp cho Ngân hàng tìm kiếm những tình huống dẫn đến rủi ro, dự đoán khả năng kiểm soát các rủi ro đó và đưa ra được các biện pháp phòng ngừa nhằm hạn chế tối thiểu thiệt hại xảy ra.
* Quy trình tín dụng:
Quy trình tín dụng là bảng tổng hợp mô tả các bước đi cụ thể từ khi tiếp nhận nhu cầu vay vốn của khách hàng cho đến khi Ngân hàng ra quyết định cho vay, giải ngân và thanh lý hợp đồng tín dụng. Hiệu quả hoạt động tín dụng luôn phụ thuộc vào việc lập ra một quy trình tín dụng hợp lý, đảm bảo thực hiện tốt những quy định ở từng bước cũng như có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bước trong quy trình.
* Kiểm soát nội bộ:
Kiểm soát nội bộ là các chính sách, quy trình, thông lệ và cơ cấu tổ chức được thiết lập nhằm có được sự đảm bảo ở mức độ hợp lý rằng Ngân hàng sẽ đạt được
các mục tiêu kinh doanh và phòng ngừa, phát hiện hoặc khắc phục các sự việc xảy ra ngoài mong muốn.
Hoạt động tín dụng luôn là lĩnh vực chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn nhất, do đó các NHTM cần phải xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ. Thông qua hoạt động kiểm soát giúp cho ban lãnh đạo Ngân hàng nắm bắt được thông tin về thực trạng kinh doanh của Ngân hàng, phát hiện được những sai sót cũng như nguyên nhân dẫn đến sai sót từ đó đưa ra được những biện pháp khắc phục kịp thời.
* Công nghệ Ngân hàng:
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện nay, thì việc đầu tư trang thiết bị đầy đủ tiên tiến phục vụ hoạt động tín dụng sẽ giúp ích cho Ngân hàng trong quá trình hoạt động kinh doanh cũng như góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng như: đơn giản hóa thủ tục hành chánh; rút ngắn thời gian giao dịch; tiết kiệm chi phí; xử lý thông tin nhanh, chính xác; hạn chế những khả năng xảy ra nhầm lẫn, sai sót trong quá trình giao dịch với khách hàng; giúp cho nhà quản trị nắm bắt được thực trạng hoạt động tín dụng cũng như hoạt động kinh doanh của Ngân hàng, để từ đó có những biện pháp điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.