CBTD cần kiểm tra tính hợp pháp của các hồ sơ pháp lý và hồ sơ thế chấp, giấy đề nghị vay vốn và các giấy tờ có liên quan khác của khách hàng vay vốn.
CBTD cần thẩm định về tư cách, uy tín, đạo đức của khách hàng trước khi vay vốn và sau khi vay vốn, nhằm hạn chế tối thiểu những rủi ro chủ quan do khách hàng gây nên, bằng cách thông qua việc thu thập thông tin khách hàng đầy đủ, CBTD có thể trực tiếp xuống địa phương thông qua những người hàng xóm, láng giềng, chính quyền địa phương nhằm nắm bắt tình hình thực tế của khách hàng.
Về khả năng quản lý điều hành sản xuất kinh doanh của khách hàng: CBTD xem xét khách hàng có thực sự am hiểu về ngành nghề sản xuất kinh doanh của mình hay không, có kinh nghiệm, có kiểm soát được rủi ro khi thị trường biến động giá cả, nếu trình độ kinh nghiệm của khách hàng còn quá yếu kém thì CBTD có thể tư vấn giúp cho khách hàng có tầm nhìn rõ ràng hơn, hoặc có thể từ chối cho vay.
Thẩm định về năng lực tài chính của khách hàng, khả năng thanh toán, hoàn trả nợ vay, vốn tự có của khách hàng tham gia vào phương án kinh doanh. CBTD phải yêu cầu khách hàng phải có đủ vốn tự có, đây là yêu cầu bắt buộc trong hợp đồng tín dụng, vốn tự có của khách hàng thể hiện trách nhiệm của người đi vay, khi khách hàng bỏ vốn ra sẽ có quyết tâm kinh doanh, ý thức làm việc hơn, giảm thiểu rủi ro cho Ngân hàng.
CBTD cần phải tìm hiểu thêm ngoài nguồn thu của dự án đầu tư, khách hàng còn nguồn thu khác không nhằm bảo đảm đủ nguồn vốn hoàn trả cho Ngân hàng khi khách hàng gặp rủi ro.
4.3.Một số kiến nghị
4.3.1.Với chính phủ.
Cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý: nhằm tạo ra môi trường bình đẳng an toàn cho mọi hoạt động kinh tế ở Việt Nam, khuyến khích các tổ chức tín dụng và NHTM trong nước, ngoài nước cạnh tranh lành mạnh.
Chính phủ nên hỗ trợ mua bảo hiểm rủi ro giá cả: việc mất mùa, thiên tai, dịch bệnh, hạn hán đối với những sản phẩm nông nghiệp thường xuyên xảy ra. Nên chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích mua bảo hiểm rủi ro giá cả cho lĩnh vực nông nghiệp, thay cho việc hỗ trợ lãi suất thấp trong cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn. Với cách làm này sẽ giúp cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh đầu tư vốn vào lĩnh vực nông nghiệp.
Nguồn vốn huy động của NHNo&PTNT thì có hạn mà nhu cầu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thì rất lớn, đặc biệt là nguồn vốn trung hạn và dài hạn. Do đó kiến nghị với chính phủ cho phép kho bạc nhà nước gửi tiền vào NHNo&PTNT nhằm khơi tăng nguồn vốn để phục vụ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Chính phủ cần xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn tốt cùng với việc đào tạo nghề ở nông thôn nhằm tạo điều kiện cho các đô thị nhỏ mọc lên, và các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh.
Chính phủ cần thi hành chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý phù hợp với nền kinh tế: hiện tại nhằm ổn định nền kinh tế, ổn định giá trị đồng nội tệ, thông qua đó thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đời sống người dân được cải thiện, kích thích tăng tiêu dùng; từ đó người dân sẽ gửi tiền vào Ngân hàng với tâm lý thoải mái hơn. Ngược lại với chính sách kinh tế vĩ mô không hợp lý sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của NHTM, và ảnh hưởng đến khách hàng gửi tiền và vay vốn.