Việc thẩm định điều kiện vay vốn của khách hàng trước khi ra quyết định cấp tín dụng buộc CBTD phải cân nhắc kỹ, nhằm hạn chế rủi ro tín dụng. Do đó, Ngân hàng cần tiếp tục thực hiện những giải pháp khả thi như:
- Nâng cao chất lượng thu thập và xử lý thông tin của khách hàng: Một số thông tin như tính pháp lý, năng lực hành vi nhân sự của khách hàng tránh tình trạng vô hiệu hóa hợp đồng tín dụng; tình hình tài chính của khách hàng; đánh giá kỹ về phương án sản xuất kinh doanh; xem xét kỹ về tài sản thế chấp; kiểm tra kỹ về mục đích sử dụng vốn.
- Ngoài ra, công nghệ phát triển cùng với thủ thuật tinh vi của khách hàng nên Ngân hàng cần thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ thẩm định cho
cán bộ tín dụng theo học; cán bộ tín dụng nên thường cập nhật các văn bản pháp luật của NHNN về thẩm định.
4.2.1.2. Quy trình cấp tín dụng:
Qua khảo sát cho thấy có đến 62,5% ý kiến cho rằng quy trình cấp tín dụng tại NHNo&PTNT nói riêng cũng như NHNo&PTNT Bình Minh nói chung là đơn giản đối với khách hàng, nhưng vẫn còn chưa chặt chẽ. Mà trong khi quy trình cấp tín dụng là yếu tố quan trọng giúp cho hoạt động tín dụng đạt hiệu quả cao. Do đó, Ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu để đơn giản gọn nhẹ những quy trình thủ tục nhằm dễ hiểu và dễ thực hiện đối với khách hàng, hơn nữa hạn chế tối đa thời gian chờ đợi của khách hàng. Đồng thời, Ngân hàng cũng cần thực hiện nghiêm chỉnh quy trình cấp tín dụng, không được xem nhẹ bất cứ khâu nào trong quy trình cho vay; Ngân hàng nên thiết lập trong quá trình cấp tín dụng theo hướng “3 khâu” nghĩa là:
+ Thứ 1, cán bộ tín dụng là người nhận hồ sơ vay vốn, thẩm định, phân tích và đề nghị xin cho vay.
+ Thứ 2, lãnh đạo phòng tín dụng là người kiểm soát, tái thẩm định lại, định lượng lại các rủi ro và đề xuất với lãnh đạo cho vay hoặc không cho vay.
+ Thứ 3, lãnh đạo Ngân hàng là người xét duyệt cho vay.
Như vậy, một khoản tín dụng được cấp phải gồm có 3 chữ ký của 3 khâu để phối hợp với nhau quản lý tốt khoản tín dụng.