Các phương pháp giáo dục kỷ luật cho sinh viên tại Trung tâm Giáo dục

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục kỷ luật cho sinh viên tại trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh đại học thái nguyên (Trang 30 - 36)

7. Cấu trúc đề tài

1.3. Một số lý luận cơ bản về kỷ luật của sinh viên tại Trung tâm Giáo dục quốc

1.4.4. Các phương pháp giáo dục kỷ luật cho sinh viên tại Trung tâm Giáo dục

quốc phòng và an ninh

Hệ thống các phương pháp giáo dục kỷ luật cho SV bao gồm nhiều phương pháp, mỗi phương pháp có vai trò, chức năng khác nhau trong quá trình tác động đến nhận thức, tình cảm, ý chí và hành vi của SV. Căn cứ vào các giai đoạn của quá trình giáo dục và chức năng trội của từng phương pháp giáo dục trong hệ thống các phương pháp giáo dục. Hệ thống phương pháp giáo dục kỷ luật có thể phân chia thành các nhóm cơ bản như sau:

* Nhóm phương pháp xây dựng ý thức kỷ luật cho SV

- Phương pháp thuyết phục: là cách thức tác động trực tiếp vào ý thức của SV bằng lời nói và việc làm, bằng sự kiện thực tế, nhằm làm cho SV có được sự hiểu biết và niềm tin vào tính tất yếu của kỷ luật, từ đó có quyết tâm hành động đúng theo yêu cầu của pháp luật, Nhà nước, điều lệnh quân đội và quy chế của nhà trường.

Phương pháp thuyết phục giữ vị trí, vai trò là cơ sở, định hướng trong hệ thống các phương pháp giáo dục kỷ luật cho SV. Phương pháp thuyết phục được thực hiện bằng sự tác động trực tiếp đến nhận thức, cảm xúc - tình cảm và ý chí của học viên. Thông qua các cách thức, biện pháp như: phân tích, so sánh, lý giải, chứng minh... để SV có được sự hiểu biết đúng đắn; trên cơ sở đó có tình cảm, ý chí, động cơ phấn đấu, tự giác chấp hành theo các đòi hỏi của điều lệnh, điều lệ quân đội.

Phương pháp thuyết phục - giáo dục kỷ luật cho SV thường thực hiện bằng cả lời nói và thuyết phục bằng việc làm.

Thuyết phục bằng lời nói: là sử dụng ngôn ngữ nói để tác động vào nhận thức, tình cảm và ý chí của SV, nhằm hình thành ở SV tri thức và niềm tin đối với kỷ luật quân sự. Căn cứ vào nội dung, hình thức giáo dục cụ thể mà thực hiện các biện pháp: giải thích, chứng minh hay bác bỏ, nhằm nâng cao nhận thức, xoá đi sự phân vân, nghi hoặc, củng cố niềm tin bền vững, có cơ sở khoa học cho SV.

Thuyết phục bằng việc làm, chính là bằng hành động cụ thể, bằng thực tế khách quan để tác động đến SV, nhằm xây dựng niềm tin vào tính tất yếu của kỷ luật quân sự ở họ.

Thuyết phục bằng lời nói và thuyết phục bằng việc làm luôn luôn tác động qua lại, hỗ trợ hoặc chế ước lẫn nhau. Thuyết phục bằng lời nói, giúp học viên hiểu rõ được những chân lý, lẽ phải; làm cho những bài học kinh nghiệm, những sự kiện thực tế sâu sắc, sáng tỏ hơn. Thuyết phục bằng việc làm lại tạo điều kiện để thuyết phục bằng lời nói tăng thêm sức mạnh cảm hoá, xây dựng niềm tin của SV vào tính tất yếu của kỷ luật.

- Phương pháp đối thoại: là cách thức trao đổi ý kiến một cách trực tiếp giữa cán bộ, GV với SV về những sự kiện, hiện tượng trong đời sống hoạt động của cá nhân hoặc xã hội, nhằm đi đến thống nhất về mặt nhận thức, ý chí và hành vi kỷ luật ở SV.

Mục đích đặt ra cho những cuộc đối thoại là phải hướng SV vào việc phân tích, đánh giá các sự kiện, hiện tượng, các quan niệm, thái độ, hành vi trong đời sống xã hội và hoạt động quân sự, nhằm làm cho SV có được nhận thức, thái độ, tình cảm đúng đắn về các sự kiện, hiện tượng dựa trên những chuẩn mực đạo đức xã hội chủ nghĩa, pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của quân đội. Trên cơ sở đó, người học tự ý thức về nghĩa vụ quân nhân và trách nhiệm chính trị của mình trước quân đội và Tổ quốc.

Nội dung của các cuộc đối thoại cần được thực hiện là những vấn đề về pháp luật, Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của quân đội, quy chế, quy định của nhà trường, của đơn vị. Cách thức là, các ý kiến được trao đổi thẳng thắn, chân thành, học viên có thể phân tích, bình luận, đánh giá, nhận xét về một con người, một tập thể, một sự việc nào đó; cả về mặt động cơ, mục đích, thái độ, hành vi và đối chiếu chúng với những chuẩn mực có tính pháp lý đã được thừa nhận, như hiến pháp, pháp luật, điều lệnh, quy chế, chỉ thị...

Đối thoại được thực hiện thông qua hai hình thức tổ chức giáo dục cơ bản, đó là đối thoại giữa cán bộ (GV) với tập thể SV; đối thoại giữa cán bộ (GV) với cá nhân SV. Thông qua trò chuyện, hỏi đáp, bình luận, trao đổi ý kiến một cách cởi mở để đi đến thống nhất cao về nhận thức, ý chí và hành động.

- Phương pháp tranh luận: là cách thức hình thành ở SV những phán đoán, đánh giá dựa trên sự cọ sát giữa các ý kiến, quan niệm khác nhau. Thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin vững chắc vào tính tất yếu của kỷ luật quân sự cho SV.

Phương pháp tranh luận tạo điều kiện thuận lợi cho sự tự do tư tưởng ở mỗi thành viên. Tranh luận tạo ra cơ hội tốt để học viên phân tích, lý giải; làm sáng tỏ các khái niệm, phạm trù, nội dung thuộc pháp luật Nhà nước, điều lệnh quân đội... đồng thời biết lập luận một cách có lôgíc để khẳng định cái đúng, phê phán cái sai. Thông qua tranh luận, đòi hỏi các thành viên phải thật sự dũng cảm từ bỏ những nhận thức, quan niệm, thái độ sai trái; mặt khác phải biết tiếp thu những nội dung, quan niệm đúng đắn, khoa học.

- Phương pháp nêu gương tốt: là cách thức sử dụng gương người tốt, việc tốt tác động đến SV, khiến họ đồng tình, khâm phục và noi theo.

Quá trình giáo dục kỷ luật cho SV phải thường xuyên dựa vào những mẫu mực cụ thể về ý thức tự giác và hành vi chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ quân đội. Phương pháp nêu gương tốt có vai trò to lớn đối với việc bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, tình cảm và ý chí cho các SV.

Phương pháp nêu gương được dựa trên cơ chế tâm lý - sự bắt chước. Khác với lứa tuổi nhỏ, SV đã ở độ tuổi thanh niên, họ đã có sự trưởng thành nhất định về mặt nhân cách, do đó sự bắt chước có ý thức và tự ý thức cao. Sự bắt chước được dựa trên những tri thức, kinh nghiệm, vốn sống của bản thân SV, được thúc đẩy bởi động cơ phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện của mỗi SV. Thông qua các tấm gương, người SV sẽ có điều kiện thuận lợi để lựa chọn cho mình những mẫu mực để noi theo.

* Nhóm phương pháp rèn luyện thói quen hành vi kỷ luật của SV

Quá trình giáo dục thói quen hành vi kỷ luật là quá trình tổ chức cuộc sống, hoạt động cho SV. Thói quen hành vi kỷ luật của SV chỉ có thể được hình thành, phát triển và củng cố vững chắc trong hoạt động. Thông qua hoạt động rèn luyện, thực hiện các chế độ, nền nếp, tác phong quân sự ở Trung tâm GDQP&AN; nhà trường. Người học từng bước có được nhận thức một cách sâu sắc, khoa học về những yêu cầu của kỷ luật. Trên cơ sở nhận thức được tính tất yếu của kỷ luật mà người học có

được thái độ, tình cảm đúng; có ý chí khắc phục khó khăn thử thách để rèn luyện các hành vi, nếp sống phù hợp. Do đó, việc tổ chức một cách khoa học các hoạt động của SV học tập tại Trung tâm GDQP&AN chính là việc thực hiện các cách thức, biện pháp tác động giáo dục mang lại kết quả cao trong rèn luyện thói quen hành vi kỷ luật cho sinh viên.

Nhóm phương pháp rèn luyện thói quen hành vi kỷ luật cho SV bao gồm các phương pháp cụ thể sau:

- Phương pháp luyện tập: là cách thức tổ chức cuộc sống, hoạt động đa dạng, tạo điều kiện cho SV luyện tập các hành vi kỷ luật thành thói quen vững chắc, và trở thành nhu cầu bên trong không thể thiếu được của người học.

Trong quá trình giáo dục thói quen hành vi kỷ luật cho SV, phương pháp luyện tập có ý nghĩa to lớn. Cơ chế của thói quen hành vi là việc tạo nên những động hình và sự hình thành các phản xạ có điều kiện. Quá trình luyện tập đồng thời cũng là quá trình hình thành các thuộc tính tâm lý bền vững và trở thành nhu cầu bên trong của nhân cách SV.

Việc luyện tập thói quen hành vi kỷ luật của SV luôn luôn gắn liền với rèn luyện động cơ, ý chí, rèn luyện bản lĩnh, ý thức kỷ luật của người lao động trong tương tương lai. Luyện tập không phải là việc làm nhất thời mà là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì vượt qua mọi khó khăn thử thách.

- Phương pháp đòi hỏi sư phạm: là cách thức mà nhà giáo dục yêu cầu người học phải làm theo những chỉ dẫn, những quy định cụ thể được đặt ra trong đời sống hoạt động, nhằm hình thành và củng cố các thói quen hành vi kỷ luật cho SV.

Đòi hỏi thực hiện theo chuẩn mực, với tư cách là một phương pháp có chức năng tổ chức hoạt động của SV. Phương pháp đòi hỏi thực hiện theo chuẩn mực nhằm thực hiện các chức năng sau:

+ Những đòi hỏi được đặt ra đối với SV trong việc thực hiện hiến pháp, pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của quân đội, quy chế, quy định trong Trung tâm GDQP&AN và nhà trường.

+ Những đòi hỏi có chức năng kích thích hay kiềm chế, ngăn chặn hành động của SV. Có thể đó là những chỉ dẫn SV khi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ và khi kết

thúc nhiệm vụ, hoặc uốn nắn, ngăn chặn những việc làm trái chuẩn mực, những hành vi gây tác hại, cản trở đến người khác, đến tập thể.

Với phương pháp đòi hỏi thực hiện theo chuẩn mực, nếu nhà giáo dục biết vận dụng phù hợp đối với đặc điểm SV, đặc điểm rèn luyện kỷ luật ở nhà trường, trên cơ sở luôn luôn bám sát mục tiêu đào tạo thì sẽ có hiệu quả thiết thực trong việc hình thành và củng cố thói quen hành vi kỷ luật cho SV.

- Phương pháp tạo tình huống giáo dục: là cách thức mà nhà giáo dục đặt SV vào những hoàn cảnh, tình huống nhất định, buộc SV phải bộc lộ những khả năng và thói quen hành vi vốn có; thông qua đó mà tiếp tục phát huy hay điều chỉnh, uốn nắn cho phù hợp với yêu cầu chuẩn mực đã quy định.

Trong hoạt động lao động của các SV thường nảy sinh các hoàn cảnh, các tình huống rất phong phú, đa dạng. Thông qua cách thức, biện pháp tạo tình huống giáo dục, những hành vi kỷ luật của SV sẽ được thử thách, rèn luyện và kiểm nghiệm về độ bền vững. Trong những hoàn cảnh, điều kiện, tình huống nhất định, người học thường sẽ ứng xử bằng những thói quen hành vi của mình. Những hành vi đó có phù hợp hay không phù hợp, nhà giáo dục phải phát hiện kịp thời những tình huống và cách ứng xử của người học để giúp họ giải quyết những mâu thuẫn, những xung đột nảy sinh trong các tình huống đó một cách hợp lý. Thông qua việc lựa chọn các giải pháp, cách giải quyết các tình huống, dần dần SV tích lũy thêm kinh nghiệm, hình thành và củng cố những thói quen hành vi kỷ luật đúng đắn, phù hợp với đòi hỏi của nhà giáo dục, phù hợp với yêu cầu xã hội.

Ngoài việc phát hiện ra các hoàn cảnh tình huống xảy ra một cách tự nhiên để giáo dục SV, nhà giáo dục còn phải biết tạo ra những tình huống có khả năng làm xuất hiện ở SV những cảm xúc - tình cảm, thái độ, động cơ và hành vi cần thiết.

Các tình huống giáo dục kỷ luật có thể được tạo ra trong các hoạt động đa dạng của SV như: huấn luyện, thực hiện nền nếp chế độ hàng ngày, sẵn sàng chiến đấu, lao động, công tác, văn nghệ - thể thao...

* Nhóm phương pháp kích thích và điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi.

Nhóm các phương pháp kích thích và điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi kỷ luật là nhóm phương pháp hỗ trợ, củng cố và phát triển kết quả của hai nhóm phương

pháp trên. Nhóm phương pháp này có chức năng trội là kích thích, uốn nắn và củng cố nhận thức, thái độ và thói quen hành vi kỷ luật của SV theo định hướng đúng đắn, phù hợp với điều lệnh quân đội, pháp luật Nhà nước.

- Phương pháp thi đua: là hệ thống các cách thức, biện pháp kích thích SV tích cực rèn luyện, phấn đấu vươn lên, đồng thời lôi cuốn những thành viên khác của tập thể giành thành tích cao nhất trong các hoạt động ở Trung tâm GDQP&AN, thi đua với tư cách là một phương pháp giáo dục có ý nghĩa tác dụng rất lớn trong việc rèn luyện kỷ luật cho SV và tập thể SV.

Phương pháp thi đua được sử dụng trong các hoạt động: huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chấp hành các chế độ quy định... Thi đua tạo ra phong trào tập thể sôi nổi, nó kích thích tinh thần tích cực, ý chí khắc phục khó khăn của từng thành viên trong tập thể. Thông qua thi đua, từng SV có sự nỗ lực trong rèn luyện, giúp đỡ lẫn nhau, thúc đẩy lẫn nhau để giành thành tích cao nhất. Các phong trào thi đua thường hướng vào các nội dung như: rèn luyện tốt, kỷ luật nghiêm, mẫu mực, mọi người hành động theo điều lệnh... Như vậy, thi đua sẽ phát huy được cao nhất tinh thần, trí tuệ, sức lực của mỗi người, sức mạnh của cả tập thể trong việc thực hiện các chỉ tiêu thực hành kỷ luật; thông qua đó mà củng cố thói quen hành vi kỷ luật cho SV.

- Phương pháp động viên, khen thưởng: là cách thức, biện pháp kích thích bằng tinh thần và vật chất, nhằm thúc đẩy ý thức vươn lên trong rèn luyện thói quen hành vi kỷ luật của học viên.

Phương pháp động viên, khen thưởng trong giáo dục thói quen hành vi kỷ luật cho SV, thường được thể hiện bằng các hình thức cơ bản sau:

+ Nhà giáo dục thể hiện sự đồng ý, hài lòng bằng lời nói động viên, khích lệ hay cử chỉ vui vẻ, đồng tình với SV.

+ Nhà giáo dục nhận xét, biểu dương cá nhân, tập thể có thành tích trong rèn luyện, giữ nghiêm kỷ luật.

+ Đề nghị tặng thưởng giấy khen, bằng khen... đối với cá nhân SV hoặc tập thể có thành tích cao, là tấm gương trong rèn luyện, thực hiện tốt kỷ cương, pháp luật.

+ Cùng với khen ngợi, động viên về tinh thần, thường kèm theo là tặng thưởng về vật chất. Song, không nên quá đề cao khen thưởng về vật chất và cũng không nên tuyệt đối hoá khen thưởng chỉ về mặt khích lệ tinh thần.

- Phương pháp trách phạt: là cách thức, biện pháp tác động giáo dục đối với những SV lơ là, thực hiện chức trách không đầy đủ hoặc có hành vi vi phạm kỷ luật; nhằm mục đích ngăn ngừa những sai phạm của SV và giúp họ sửa chữa khuyết điểm để rèn luyện tiến bộ.

Phương pháp bắt buộc, xử phạt biểu thị thái độ không đồng tình, sự lên án của nhà giáo dục, của tập thể đối với những hành vi sai trái của đối tượng giáo dục. Thông qua biện pháp trách phạt để buộc cá nhân hoặc tập thể mắc khuyết điểm có sự điều chỉnh, sửa chữa hành vi hoạt động của mình cho phù hợp với quy định, luật pháp Nhà Nước.

Tuy nhiên, khi thực hiện trách phạt, nhà giáo dục cần hết sức thận trọng, không được xúc phạm đến nhân phẩm người học, và càng không được gây ra sự đau đớn về tinh thần và thể xác người mắc khuyết điểm. Vì mục đích của phương pháp trách phạt là nhằm giúp cho SV nhận rõ khuyết điểm, sẵn sàng từ bỏ những nhận thức không đúng, thái độ và hành vi sai trái để tiến bộ.

Hệ thống các phương pháp giáo dục kỷ luật cho SV ở Trung tâm GDQP&AN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục kỷ luật cho sinh viên tại trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh đại học thái nguyên (Trang 30 - 36)