3.1.1. Các thương hiệu thời trang hưởng lợi khi các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may được đầu tư phát triển
Tham gia hai hiệp định quan trọng là TPP và AFTA, để có thể tận dụng và hưởng lợi những chính sách về thuế xuất nhập khẩu, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phải được đầu tư và định hướng phát triển một cách dài hạn có quy hoạch. Những yêu cầu về nguồn gốc xuất từ “từ sợi trở đi” và “từ vải trở đi” đối với các sản phẩm dệt may xuất nhập khẩu trong khu vực hiệu lực của thương mại tự do sẽ khiến Việt Nam phải chủ động thoát ra khỏi sự phụ thuộc về nguyên liệu dệt may.
Theo nguồn tin từ VCCI, ngành dệt may của Việt Nam phải nhập khẩu 80 - 85% nguyên phụ liệu. Nguồn nguyên liệu cung cấp cho ngành dệt may, các loại có nguồn gốc tự nhiên như bông, tơ tằm, gai, đay, lanh mới chỉ sản xuất và đáp ứng được 3-5% nhu cầu sử dụng của toàn ngành. Phần lớn xơ sợi tổng hợp hiện nay Việt Nam vẫn phải nhập khẩu.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Bộ Công thương, phát triển hỗ trợ cho ngành dệt may là một trong ba lĩnh vực ưu tiên, với mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, với các giải pháp và chính sách cụ thể. Đây sẽ là điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thời trang chủ động và có nhiều lựa chọn hơn trong cả quá trình sản xuất của mình.
3.1.2. Các vấn đề về bảo hộ thương hiệu ngày càng được chú trọng
Cũng bắt nguồn từ các hiệp định mà Việt Nam tham gia như TPP và AFTA, cùng với đó là sự đổ bộ vào thị trường của các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, và sự hòa mình vào làn sóng toàn cầu hóa của Việt Nam, vấn đề bảo hộ thương hiệu sẽ trở nên vô cùng quan trọng. Nó sẽ tạo ra sự thay đổi về môi trường kinh doanh Việt
Nam nói chung và thị trường thời trang Việt Nam nói riêng, khi các vấn đề về hàng giả, hàng nhái sẽ được kiểm soát vô cùng chặt chẽ.
Với xu hướng này, các cửa hàng tự kinh doanh nhỏ lẻ các mặt hàng nhập lậu từ Trung Quốc, hoặc đa phần các cửa hàng bán đồ Việt Nam xuất khẩu (một hình thức hàng nhái lại các thương hiệu thời trang lớn) sẽ gặp khó khăn. Các chợ đầu mối quần áo như chợ Ninh Hiệp, An Đông,… cũng dần phải tìm nguồn cung thay thế cho hàng Trung Quốc.
Về phía mình, các thương hiệu thời trang như CANIFA cũng cần chú ý đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ trong mỗi sản phẩm của mình. Đây không chỉ là vấn đề bảo vệ quyền lợi của thương hiệu trước nạn hàng giả, hàng nhái, mà cũng có thể ảnh hưởng đến việc các sản phẩm của thương hiệu có thể tiến ra thị trường nước ngoài một cách dễ dàng hơn hay không.
3.1.3. Sự thay đổi trong mô hình kinh doanh
Khi các vấn đề về bảo hộ thương hiệu ngày càng được chú trọng như đã phân tích ở trên, mô hình kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ cũng sẽ phải dần thích nghi. Thay vì manh mún nhập các sản phẩm từ các nguồn không chính thống và không có nguồn gốc rõ ràng như chợ Ninh Hiệp, quần áo Quảng Châu hay quần áo gia công gắn mác hàng Việt Nam về bán, các cửa hàng sẽ phải đi theo ngạch chính thống, trở thành nhà phân phối cho thương hiệu, hoặc phải tự sản xuất sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
Việc tự sản xuất và xây dựng thương hiệu không chỉ có các thương hiệu lớn như Ivy Moda, CANIFA, Elise,… mới làm được, mà bây giờ các cửa hàng nhỏ tự làm được việc này cũng đã bắt đầu nổi lên rất nhiều, trong đó có thể kể đến Naked by V, Vikilady Shop,… Dù chỉ là các shop bán hàng thời trang do mình tự thiết kế, nhưng các việc từ thiết kế sản phẩm, sản xuất, xây dựng thương hiệu, quảng bá, bán hàng,… đều được thực hiện rất bài bản. Có thể coi đó là mô hình thu nhỏ của các thương hiệu lớn ở trên. Xu hướng này sẽ ngày càng trở nên phổ biến trong thời gian tới.
3.1.4. Xây dựng lòng trung thành của khách hàng trở thành vấn đề tối quan trọng
Một trong những mục tiêu quan trọng của chiến lược marketing là xây dựng lòng trung thành từ khách hàng. Trong tình hình cạnh tranh từ các thương hiệu cả trong và ngoài nướcngày càng mạnh mẽ, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn, các chương trình kích thích tiêu dùng của các cửa hàng hay thương hiệu thời trang được tiến hành thường xuyên trong cả năm, đó chính là những yếu tố tác động trực tiếp khiến cho lòng trung thành của khách hàng đối với những thương hiệu nhất định ngày càng giảm.
Chính vì vậy, xây dựng lòng trung thành của khách hàng sẽ có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo dựng nền tảng để phát triển bền vững. Và mối quan hệ này không chỉ cần dựa vào những lợi ích về mặt tài chính (giảm giá, chiết khấu,…) mà khách hàng nhận được. Những giá trị vô hình gắn với thương hiệu, giống như cách những thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới đang làm, sẽ cần được học hỏi và phát triển cho phù hợp, để không chỉ tạo giá trị thương hiệu cho từng công ty, mà còn có thể tiến tới tạo dựng những thương hiệu quốc gia về thời trang cho nước ta.
3.1.5. Vai trò của chất lượng sản phẩm trong quyết định mua hàng
Với ngày càng nhiều các vụ việc về hàng hóa độc hại từ Trung Quốc, vị thế trên thị trường ngày càng cao, cũng như yêu cầu ngày một khắt khe đối với các sản phẩm, người tiêu dùng ngày càng đề cao chất lượng sản phẩm.
Chất lượng sản phẩm ở đây không chỉ là về chất liệu sản phẩm, mà sẽ còn là nguồn gốc xuất xứ nguyên vật liệu, quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng, dịch vụ khách hàng, hàm lượng chất xám trong một sản phẩm,…Chính vì vậy, mỗi thương hiệu thời trang sẽ cần có những chiến lược sản phẩm phù hợp để vừa có thể thỏa mãn nhu cầu này, đồng thời có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững đối với các đối thủ.