6. Cấu trúc của luận văn
1.2.1. Tiểu sử của tác giả Tô Hoài
Tên thật là Nguyễn Sen. Các bút danh khác: Mắt Biển, Mai Trang, Hồng Hoa, Duy Phương… sinh ngày 07/09/1920 ở quê ngoại: Làng Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, quê nội: thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, nay là xã Kim An, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.
Tô Hoài sinh trưởng trong một gia đình nghèo làm nghề dệt lụa thủ công. Học xong bậc tiểu học, ông làm nhiều nghề: thợ cửi, dạy tư, bán giày, phụ kế toán hiệu buôn… Tuy quê gốc ở Thanh Oai nhưng ông lại gắn bó với làng Nghĩa Đô. Bút danh của ông được lấy từ hai địa danh phủ Hoài Đức và sông Tô Lịch.
Từ năm 1938 chịu ảnh hưởng của phong trào Mặt trận Bình dân, Tô Hoài bắt đầu tham gia hoạt động trong các tổ chức Ái hữu thợ dệt và Thanh niên dân chủ ở Hà Nội. Lúc này, ông mới 17 tuổi. Từ đây, nhà văn đã bắt đầu tìm và đi theo cách mạng. Ông đi giải chữ cho mọi người: Viết văn, truyền đơn, viết văn để mưu sinh và lấy văn chương để phục vụ cách mạng. Giáo sư Phan Cư Đệ viết:
“Có những người từ sách vở lý luận, từ vốn văn hóa kiến thức đi vào văn học. Tô Hoài chủ yếu từ cuộc sống mồ hôi nước mắt, từ cuộc đời lam lũ của quần
chúng, từ những cái gì rất dân tộc và dân gian mà đi vào con đường sáng tác”.
Những sáng tác đầu tiên của ông được đăng trên Hà Nội tân văn và Tiểu thuyết
thứ bảy vào cuối những năm 30.
Từ năm 1943, Tô Hoài tham gia hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc và phong trào Việt Minh; viết bài báo bí mật. Sau cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, ông lên Việt Bắc làm báo Cứu quốc, sau đó về công tác ở Hội văn nghệ Việt Nam.Từ năm 1957 đến năm 1980, ông liên tục tham gia công tác lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam.Từ năm 1966 đến năm 1996, ông làm chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội và còn đảm nhiệm nhiều chức trách xã hội khác.Ông mất ngày 6 tháng 7 năm 2014, hưởng thọ 94 tuổi.
Với một hành trình sáng tác không mệt mỏi cho đến nay ông đã sở hữu một gia tài văn học lớn. Ông được coi là nhà văn Việt Nam có số trang viết kỷ lục với khoảng trên 150 tác phẩm. Trong đó có 60 tác phẩm viết cho thiếu nhi thuộc các thể loại văn xuôi và văn cho thiếu nhi. Sự nghiệp văn chương của Tô Hoài có 3 thành công tiêu biểu không phải nhà văn nào cũng đạt được. Đó là thành công cho mảng viết cho thiếu nhi, thành công cho mảng viết về miền núi và thành công cho mảng viết về Hà Nội. Vì những đóng góp lớn lao trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nên ông được nhà nước phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.