Chúng ta phải xác định xem liệu thẻ điểm cân bằng vừa phát triển có thực sự nhất quán với sứ mệnh, các giá trị, tầm nhìn và chiến lược của tổ chức hay không.
a) Sứ mệnh: Sứ mệnh chính là câu trả lời “tại sao chúng ta tồn tại” (Niven, 2008). Mỗi tổ chức sinh ra đều xây dựng cho mình những sứ mệnh riêng. Niven (2008) cho rằng sứ mệnh không giống như chiến lược và mục tiêu vốn có thể đạt được qua thời gian, mỗi tổ chức không bao giờ thực sự hoàn thành được sứ mệnh của mình. Sứ mệnh như một chiếc đèn hiệu cho công việc của bạn, bạn sẽ không ngừng đuổi theo nó nhưng chẳng bao giờ đạt được tất cả.
Hãy xem sứ mệnh như là chiếc la bàn để bạn dẫn dắt tổ chức mình hoạt động. Thẻ điểm cân bằng cho phép một tổ chức diễn giải sứ mệnh của mình thành những mục tiêu cụ thể, thống nhất tất cả nhân viên. Để tạo ra một định hướng hiệu quả, các thước đo trên một thẻ điểm cân bằng phải phản ánh những khát vọng được biểu thị trong tuyên bố sứ mệnh.
b) Các giá trị: đại diện cho những niềm tin sâu sắc trong tổ chức và những nguyên lý trường tồn mà tổ chức sử dụng để dẫn dắt việc ra quyết định. Thẻ điểm cân bằng cung cấp cho các tổ chức một phương tiện đánh giá sự nhất quán của các giá trị trong khắp tổ chức. Thẻ điểm cũng có thể được sử dụng để theo dõi phạm vi mà tổ chức thực hiện những giá trị được tuyên bố của mình.
c) Tầm nhìn: Tầm nhìn là bức tranh bằng lời về tương lai của một tổ chức.( Niven, 2008, trang 106). Tầm nhìn biểu thị sự chuyển đổi của chúng ta từ sứ mệnh và các giá trị trường tồn thành một chiến lược năng động. Tầm nhìn cung cấp một bức tranh rõ ràng về hình ảnh tương lai mà tổ chức muốn hướng đến. Về bản chất, thẻ điểm là một thiết bị diễn giải tầm nhìn thành hiện thực thông qua việc thể hiện tầm nhìn và chiến lược bằng lời. Tôn chỉ của thẻ điểm là sự cân bằng, chính xác hơn là sử dụng các thước đo để nắm bắt sự cân bằng đúng đắn của các kỹ năng, quy trình và các yêu cầu của khách hàng – những yếu tố sẽ dẫn tới tương lai tài chính mà chúng ta mong muốn và phản ánh trong tầm nhìn.
d) Chiến lược: Có rất nhiều khái niệm khác nhau về chiến lược, tại vì đối với mỗi cá nhân và mỗi tổ chức khác nhau thì chiến lược lại có ý nghĩa khác nhau. Theo Porter (1996, Harvard Business review) thì “Chiến lược là sự chọn các hoạt động khác nhau, theo đuổi những điều mà dẫn tới sự độc nhất và giá trị cao cho tổ chức”. Cho dù còn nhiều quan niệm khác nhau về khái niệm chiến lược nhưng Theo Niven (2008) nó vẫn có những nguyên tắc chính như sau:
- Tập hợp những hoạt động khác nhau: để thực hiện tốt một chiến lược thì chiến lược đó phải bao hàm nhiều hoạt động khác nhau hoặc tạo ra sự khác biệt trong hiệu quả hoạt động.
- Sự đánh đổi: một chiến lược tạo ra không thể đáp ứng yêu cầu của toàn bộ mọi người. Cho nên mỗi tổ chức phải chọn những việc nên và không nên thực hiện.
- Phù hợp: các hoạt động phải phù hợp với mỗi người mới tạo ra sự thành công cho chiến lược cho công ty.
- Tính liên tục: trong quá trình hoạt động sẽ có nhiều thay đổi và dẫn đến sự thay đổi của chiến lược đây là một quá trình diễn ra liên tục để tạo ra cơ hội mới.
Dù chiến lược được định nghĩa như thế nào thì việc sử dụng thẻ điểm cân bằng cần đem lại cho các tổ chức một cơ hội lớn nhằm xóa bỏ sự xung đột trong việc thực thi hiệu quả bằng cách diễn giải chiến lược thành những thành phần xuất hiện trong cả bốn viễn cảnh. Chiến lược sẽ trở nên sáng tỏ khi các nhân viên từ khắp tổ chức tập trung vào các thành phần chiến lược mà họ có thể ảnh hưởng tới.