Thẻ điểm cân bằng ra đời đã giúp nhà quản lý thay đổi về nhận thức về đánh giá hiệu quả kinh doanh và triển vọng phát triển của doanh nghiệp. Đây là sự thay đổi có ý nghĩa lớn. Tuy nhiên để đạt được thành công từ những sự thay đổi thì các cá nhân, tổ chức cần phải vượt qua các rào cản. Các lý thuyết về quản trị sự thay đổi nghiên cứu sâu rộng và đầy đủ về nội dung này. Nó là nền tảng cho nghiên cứu áp dụng công cụ quản trị mới vào tổ chức.
Thay đổi là hiện tượng biến đổi sự vật, sự việc, thay đổi bao gồm cả sự biến đổi về số lượng, chất lượng, hành vi, thói quen, hành động. Sự thay đổi là quá trình liên tục theo thời gian, không gian. Sự thay đổi tồn tại khách quan.
Các mức độ của sự thay đổi bao gồm mức độ cải tiến, mức độ đổi mới, mức độ cách mạng, mức độ cải cách.
Quản trị sự thay đổi là sự định hướng xây dựng và chia sẽ tầm nhìn về sự thay đổi của tổ chức, lựa chọn những việc cần thay đổi và xác định chiến lược để thay đổi bao gồm: định hướng tổ chức bằng chiến lược, tầm nhìn và những bến bờ cụ thể; dẫn dắt tổ chức vượt qua những khó khăn thách thức; trao cho cấp dưới quyền hạn, nhiệm vụ rõ ràng những đầu việc có tính mục tiêu rõ ràng, cụ thể. Tạo môi trường tin cậy, hợp tác. Đánh giá đúng mọi quá trình và quản trị sự thay đổi trong nội bộ theo hướng thích nghi tích cực.
Như vậy, quản trị sự thay đổi được hiểu là một tập hợp toàn diện các quá trình từ việc ra quyết định, lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát, điều chỉnh, củng cố quá trình thay đổi trong mọi hoạt động của tổ chức.
Bản chất của quản trị sự thay đổi là làm tốt hơn, mới hơn một hoạt động của tổ chức, con người. Thay đổi chính là làm phá vỡ những thông lệ thường ngày đang kìm hãm sự phát triển, thay vào đó là cái mới thúc đẩy sự phát triển.
Vì vậy, quản trị sự thay đổi có tính tích cực; tính giúp tổ chức phát triển bền vững; tính giúp phát triển năng lực lãnh đạo; tính giúp phát triển được kỹ năng làm việc của nhân viên.
Nội dung cốt lõi quản trị sự thay đổi bao gồm: Xác định nhu cầu của sự thay đổi; Lập kế hoạch sự thay đổi; Thực hiện sự thay đổi; Quản trị đối phó với rào cản khi thực hiện sự thay đổi; Giám sát, điều chỉnh và củng cố sự thay đổi.
Nhà lãnh đạo là người khởi xướng và lôi kéo mọi người vào quá trình thay đổi phải tuân thủ nguyên tắc: Xây dựng được lòng tin ở mọi người; phải thay đổi bản thân trước khi yêu cầu người khác thay đổi và phải tạo được sự tự chủ cho mọi người, thì họ mới có thể thực hiện được quá trình thay đổi.