Tổng quan các nghiên cứu liên quan đến đề tài

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Hoàn thiện công tác thẩm định dự án vay vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Sở giao dịch Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) (Trang 29 - 32)

Thẩm định dự án vay vốn là công việc đóng vai trò quan trọng trong công tác cho vay của Ngân hàng do đây là cơ sở để Ngân hàng đưa ra quyết định cho vay vốn. Liên quan tới đề tài thẩm định dự án đầu tư tại các Ngân hàng thương mại, đã có nhiều công trình nghiên cứu trong nước và nước ngoài tập trung giải quyết.

Hoạt động thẩm định đánh giá dự án đã được các học giả quan tâm nghiên cứu tương đối nhiều trên thế giới: John R Hasen trong “Hướng dẫn đánh giá các dự án đầu tư trên thực tế” (1990) đưa ra quan điểm thẩm định dự án vay vốn là kỹ thuật phân tích dự án vay vốn. Bản chất của thẩm định dự án chính là việc đánh giá các

đề xuất bằng cách đưa ra tính toán lợi ích và chi phí của dự án, đặc biệt xem xét trên hai quan điểm từ phía nhà nước và tư nhân. Trong “Phân tích dự án tại các nước đang phát triển” (1993) John Weiss & Curry Steve đưa ra đánh giá về phân tích sự cân đối giữa chi phí và lợi ích trong đầu tư dự án. Lumby Stephen trong “Thẩm định dự án đầu tư và các quyết định tài chính” (1994) tập trung xem xét đưa ra quyết định tài chính dựa trên phân tích lợi ích và chi phí dự án vay vốn, đặc biệt tác giả đề cập nhiều đến các kỹ thuật thẩm định truyền thống như phương pháp tính lợi nhuận trên vốn, cách tiếp cận dòng tiền chiết khấu.

Đối với các công trình nghiên cứu trong nước, đa số tập trung nghiên cứu về thẩm định vay vốn dự án của một số ngành nghề, lĩnh vực kinh tế cụ thể hoặc một số nội dung trọng tâm trong thẩm định dự án như thẩm định tài chính, thẩm định rủi ro. Tác giả đã sưu tầm được một số công trình nghiên cứu, bài báo, tài liệu về công tác thẩm định cho vay dự án nói chung như: TS Phạm Văn Vận trong “Chương trình và dự án phát triển kinh tế - xã hội” (1999) bàn về đổi mới công tác thẩm định dự án tại Việt Nam dưới góc độ vĩ mô trong nền kinh tế. TS Nguyễn Thế Nhã trong “Lập dự án đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn” tập trung vào xem xét các nội dung cần thẩm định độc lập khi xem xét dự án trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp. Lưu Thị Hương trong “Thẩm định tài chính dự án” (2004) tập trung vào nội dung thẩm định tài chính dự án đầu tư như dự toán vốn đầu tư, phân tích rủi ro của dự án, các chỉ tiêu thẩm định dự án tài chính. Ngoài ra, tác giả cũng tìm hiểu được nguồn tư liệu phong phú liên quan tới lĩnh vực thẩm định dự án từ các bài viết, nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín như Thời báo Kinh doanh, Báo Đầu tư, Tạp chí Tài chính… Tại các tổ chức thường xuyên phát sinh nghiệp vụ thẩm định, như các tổ chức tín dụng, công ty thẩm định giá, ngân hàng thương mại, trên thực tế cũng đã tự xây dựng bộ tiêu chuẩn và cẩm nang về thẩm định dự án, tổng kết các kiến thức, kinh nghiệm một cách khoa học, có hệ thống, có chọn lọc dưới dạng quy trình nghiệp vụ, có thể kể đến như “Cẩm nang hướng dẫn thẩm định dự án đầu tư” tại Công ty CP Thẩm định giá và Giám định Việt Nam VVI, “Hướng dẫn thẩm định

dự án vay vốn” tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam, “Quy trình thảm định và phê duyệt tín dụng áp dụng cho Khách hàng doanh nghiệp” tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam…

Riêng về đề tài nghiên cứu chi tiết về công tác thẩm định dự án dành cho khách hàng doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ tại các Ngân hàng thương mại, trên thực tế cũng có nhiều công trình nghiên cứu luận văn thạc sỹ kinh tế đi sâu vào khai thác tại nhiều đơn vị như:

+ Đề tài: Nâng cao chất lượng thẩm định tài chính dự án trong hoạt động cho vay của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, tác giả Nguyễn Ngọc Vũ (2016), với đề tài này tác giả đã đánh giá được công tác thẩm định tài chính tại ngân hàng trên cơ sở đánh giá chất lượng công tác thẩm định. Tác giả đi sâu vào nghiên cứu các tiêu chí ảnh hưởng đến chất lượng công tác thẩm định tài chính của dự án, từ đó đưa ra nhận xét về thực trạng tại đơn vị kinh doanh dựa vào các tiêu chí chất lượng công tác thẩm định đã nêu. Tác giả cũng chỉ ra những hạn chế của công tác thẩm định tài chính tại đơn vị trong luận văn, sau đó đưa ra những giải pháp khắc phục để có thể nâng cao chất lượng công tác thẩm định tài chính tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.

+ Đề tài: Hoàn thiện công tác thẩm định tài chính trước khi cho vay các dự án tín dụng đầu tư tại Ngân hàng phát triển Việt Nam – Sở giao dịch I, tác giả Trần Hương Giang (2017). Đề tài đã nêu lên khá hoàn thiện về thực trạng cũng như giải pháp được đưa ra nhằm hoàn thiện công tác thẩm định tài chính trong hoạt động tài trợ dự án đầu tư tại Ngân hàng này.

+ Đề tài: Hoàn thiện công tác thẩm định các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực viễn thông vay vốn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Chương

Dương, tác giả Hoàng Thị Hồng (2018). Đề tài đã phản ánh chi tiết thực trạng của hoạt động cho vay dự án cho các doanh nghiệp viễn thông tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển – Chi nhánh Chương Dương, đặc biệt tác giả đã trích dẫn được rất nhiều ví dụ cụ thể minh họa cho hoạt động vận hành thực tế tại Chi nhánh.

+ Đề tài: Hoàn thiện công tác thẩm định dự án vay vốn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hà Nội, tác giả Trần Thị Thu Hà (2019), đề tài đã nêu khá đầy đủ về thực trạng cũng như giải pháp được đưa ra nhằm hoàn thiện công tác thẩm định dự án vay vốn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tác giả đã chỉ ra được đặc điểm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lợi thế cũng như thách thức khi thực hiện công tác thẩm định dự án đối với loại hình doanh nghiệp này.

Nhìn chung, các nghiên cứu trước đây đã tổng quát được cơ sở lý luận về thẩm định dự án vay vốn và áp dụng khung lý thuyết này vào nhiều lĩnh vực hoạt động đầu tư và nhiều phân khúc doanh nghiệp khác nhau trên nền kinh tế. Tuy nhiên, với phạm vi nghiên cứu tại Sở giao dịch Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, tác giả tìm hiểu cho tới nay chưa có công trình nghiên cứu nào đi sâu tìm hiểu về công tác thẩm định dự án vay vốn đầu tư đối với khách hàng doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, do vậy đề tài này sẽ không bị trùng lặp với các tài liệu, công trình đã được nghiên cứu trước đó. Do vậy, trong quá trình thực hiện luận văn thạc sĩ, tác giả kế thừa và phát huy một cách có chọn lọc những ưu việt của công trình nghiên cứu trước đó để hoàn thiện đề tài của mình “Hoàn thiện công tác thẩm định dự án vay vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam – Sở giao dịch”.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Hoàn thiện công tác thẩm định dự án vay vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Sở giao dịch Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(192 trang)
w