vừa và nhỏ tại Ngân hàng Thương mại
Khi xem xét đánh giá chất lượng của công tác thẩm định dự án của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngân hàng, ta không thể chỉ căn cứ vào một chỉ tiêu cụ thể mà phải vận dụng tổng hợp một hệ thống các chỉ tiêu để có thể đưa ra kết luận chính xác. Một số chỉ tiêu thường được sử dụng để đánh giá hoạt động thẩm định dự án vay vốn có thể kể đến như:
2.3.1. Nhóm chỉ tiêu định lượng
- Quy mô dư nợ và doanh số cho vay theo dự án: Dưới góc độ của ngân hàng, chỉ tiêu này phản ánh mục tiêu công tác thẩm định là hướng tới tăng trưởng dư nợ và doanh số cho vay, tránh trường hợp từ chối hồ sơ vay vốn của khách hàng do kết quả thẩm định dự án không chính xác
- Tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ cho vay theo dự án:
Tỷ lệ nợ quá hạn = Dư nợ quá hạn / Tổng dư nợ
Đến kỳ hạn trả nợ và lãi khoản vay, nếu bên đi vay không có khả năng trả nợ và không được gia hạn nợ thì ngân hàng sẽ chuyển số nợ đó sang nợ quá hạn. Đây là điều ngân hàng không mong muốn nhưng lại là chỉ tiêu cơ bản phản ánh chất lượng một khoản cho vay cũng như chất lượng công tác thẩm định dự án. Trên thực tế các ngân hàng luôn cố gắng hạ tỷ lệ nợ quá hạn tới mức thấp nhất có thể.
- Doanh thu, chi phí, lợi nhuận từ hoạt động cho vay dự án: Thông qua chỉ tiêu này, ta biết được khả năng sinh lời từ hoạt động cho vay dự án của khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do tín dụng nói chung và hoạt động cho vay dự án nói riêng là một trong những nguồn doanh thu quan trọng trong ngân hàng, một trong những chỉ tiêu đánh giá công tác thẩm định dự án có hiệu quả là xác định được danh mục tài trợ dự án tốt, đem lại nguồn thu nhập cho ngân hàng với mức chi phí và mức độ rủi ro hợp lý.
- Thời gian thẩm định dự án kể từ khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn của khách hàng: công tác thẩm định dự án được thực hiện tốt sẽ rút ngắn thời gian thẩm định, đem lại trải nghiệm chất lượng dịch vụ tốt cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao tính cạnh tranh và khẳng định uy tín của ngân hàng.
- Tỷ lệ dự án bị từ chối cho vay/ dự án xin vay: tỷ lệ những dự án của khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ngân hàng từ chối cho vay và trên thực tế hoạt động kém hiệu quả chính là một căn cứ phản ánh chất lượng thẩm định của những dự án đó.
- Dư nợ cho vay theo dự án trung bình/ cán bộ thẩm định: mức dư nợ bình quân/ cán bộ thẩm định cũng thể hiện một phần hiệu quả của công tác thẩm định, nếu mức dư nợ cao trong điều kiện các chỉ tiêu khác tương đương nhau thì có thể kết luận công tác thẩm định đang vận hành tốt.
2.3.2. Nhóm chỉ tiêu định tính
- Tính tuân thủ trong thực hiện thẩm định dự án: ngân hàng chỉ chấp nhận cho vay khi tuân thủ các nguyên tắc: vốn vay phải được đảm bảo bằng tài sản đảm bảo nợ vay, khách hàng phải hoàn trả vốn và lãi vay đúng thời hạn và theo cam kết
tại hợp đồng tín dụng đã ký. Công tác thẩm định phải thực hiện trước, trong và sau khi vay vốn, phải tuân thủ các điều kiện như: lập hồ sơ cho vay, có phương án sản xuất kinh doanh, công ty có báo cáo tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh từ dự án phải có hiệu quả, có tài sản thế chấp hợp pháp…
- Chất lượng sản phẩm cho vay theo dự án: ngân hàng cung cấp danh mục sản phẩm cho vay theo dự án đa dạng và linh hoạt, được thiết kế phù hợp với nhu cầu thực tiễn của khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động đa lĩnh vực, thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau, với nhiều quy mô và ngành nghề khác nhau.
- Sự phù hợp giữa kết quả thẩm định và thực tế thực hiện dự án: dự án thực tế trong quá trình thực hiện và đi vào hoạt động các diễn ra sát với dự toán cũng như kết quả thẩm định càng khẳng định chất lượng của công tác thẩm định và cho thấy tính chủ động của ngân hàng trong quá trình cho vay, thu nợ đối với dự án.
- Tính đầy đủ của nội dung thẩm định: chỉ tiêu này đánh giá hiệu quả của công tác thẩm định qua việc cán bộ thẩm định thực hiện kiểm tra, đánh giá đầy đủ các nội dung liên quan tới khách hàng và dự án vay vốn. Công việc thẩm định càng được thực hiện đầy đủ, chi tiết, khách quan thì chất lượng thông tin và kết quả thẩm định càng chính xác, có hiệu quả trong đánh giá khả năng hoạt động của dự án.
- Sử dụng thông tin và phương pháp thẩm định phù hợp với nội dung thẩm định: điều này phản ánh chất lượng thông tin được thu thập phù hợp, cách thức sử dụng thông tin hợp lý, cán bộ thẩm định biết vận dụng kết hợp thông tin thu thập được và phương pháp thẩm định vào từng nội dung trong quá trình thẩm định dự án để công tác thẩm định mang tính khoa học và đạt hiệu quả cao.
doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Ngân hàng Thương mại