Hoàn thiện môi trường kiểm soát

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Kiểm soát nội bộ hoạt động tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội (Trang 122 - 125)

- Chênh lệch thu chi tăng trưởng 14% /năm Lợi nhuận trước thuế: tăng trưởng 15%/năm

4.3.1. Hoàn thiện môi trường kiểm soát

Để hoàn thiện KSNB nói chung và KSNB hoạt động tín dụng nói riêng, Vietinbank – CN Hà Nội cần chú trọng hoàn thiện môi trường kiểm soát bởi môi trường kiểm soát có tốt thì các thủ tục kiểm soát mới có thể phát huy tối đa hiệu quả.

Thứ nhất, hoàn thiện cơ cấu tổ chức

- Cần tách biệt bộ phận KSNB tại Chi nhánh, bộ phận này sẽ là bộ phận độc lập thuộc bộ máy KSNB của Vietinbank theo ngành dọc để đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình kiểm tra, giám sát, đánh giá và đưa ra kết luận.

- Hiện nay, quy mô tín dụng của Vietinbank – CN Hà Nội đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là đối với phân khúc KHDN đòi hỏi Chi nhánh cần tách biệt phòng KHDN thành nhiều phòng nhỏ hơn: Phòng KHDN vừa và nhỏ, phòng KHDN lớn và FDI để tạo điều kiện tối đa cho cán bộ QHKH tập trung công tác chuyên môn vào một nhóm khách hàng nhất định nhằm nâng cao chất lượng quản lý khách hàng và thẩm định tín dụng. Việc chia tách phòng ban này cũng sẽ giúp nâng cao chất lượng quản lý điều hành và kiểm soát rủi ro hoạt động tín dụng

Thứ hai, hoàn thiện chính sách nhân sự

Hiện nay, trong giai đoạn khủng hoảng nền kinh tế tài chính toàn cầu, cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ngày càng khắc nghiệt và lời giải cho bài toán trên chính là chính sách nhân sự. Một môi trường kiểm soát tốt cần có đội ngũ nhân viên chất lượng. Nhận thức được điều này, trong thời gian vừa qua, Chi nhánh đã chú trọng đến công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cũng như trang bị những kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ nhân viên. Chi nhánh không chỉ tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên tham gia các khóa đào tạo do Trường đào tạo nguồn nhân lực Vietinbank tổ chức mà còn chủ động tổ chức những khóa đào tạo ngắn hạn, những buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng cần thiết phục vụ công việc. Tuy nhiên, việc đào tạo tại Chi nhánh chưa diễn ra liên tục và chưa có kế hoạch thống nhất trong trung và dài hạn. Do vậy, để có được một đội ngũ nhân viên chất lượng đòi hỏi Chi nhánh phải:

- Chi nhánh cần phải xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nhân viên trong trung và dài hạn, đào tạo theo hệ thống nhằm giúp cán bộ am hiểu các kiến thức tổng hợp về kinh tế, chính trị, xã hội, pháp luật và kinh nghiệm trong giao tiếp. Cần khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên tham gia các khóa đào tạo để nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cũng như kiến thức thị trường; cử

cán bộ tham gia các lớp học về công nghệ thông tin để ứng dụng khoa học công nghệ trong công việc nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như hạn chế rủi ro. Ngoài ra, Chi nhánh cần tăng cường tổ chức các buổi chia sẻ, giao lưu kinh nghiệm giữa các phòng ban chi nhanh; mời các chuyên gia về pháp lý ngân hàng giảng dạy, trao đổi các tình huống nghiệp vụ thực tế, các vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng để cán bộ có thêm kinh nghiệm xử lý tình huống. Chi nhánh cũng cần khuyến khích tinh thần tự học hỏi, sáng tạo của nhân viên, tổ chức các cuộc thi về nghiệp vụ, sản phẩm, dịch vụ mới,… tạo sân chơi cho các cán bộ cùng giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ, tạo động lực cho nhân viên hoàn thiện và phát triển.

- Công tác luân chuyển cán bộ giữa các phòng ban cần diễn ra thường xuyên và nghiêm túc theo đúng quy định (tối đa 03 năm đối với cán bộ QHKH và tối đa 05 đối với lãnh đạo phụ trách công tác tín dụng). Hiện nay, trưởng PGD Hà Khẩu đã quá hạn luân chuyển cần được tiến hành luân chuyển theo đúng quy định hiện hành, tuy nhiên vẫn cần đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của các phòng ban. Việc luân chuyển cán bộ thường xuyên giúp giảm thiểu được rủi ro chủ quan trong quá trình thực hiện công việc, cũng như giúp cán bộ tích lũy thêm kinh nghiệm trong những mảng nghiệp vụ, kiến thức khác nhau.

- Chi nhánh cần bố trí thêm vị trí lãnh đạo tại Phòng tổng hợp và PGD để kịp thời xử lý công việc, đảm bảo công tác quản trị điều hành

- Chi nhánh cần có chế độ thưởng, phạt, trả lương theo mức độ hoàn thành công việc, xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá cán bộ để đảm bảo tính công bằng và tạo tinh thần làm việc, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ nhân viên. Chính sách thưởng, phạt cũng cần cập nhật thường xuyên, kịp thời để tạo động lực làm việc cho nhân viên.

Thứ ba, tăng cường nhận thức về kiểm soát nội bộ

Hệ thống KSNB là một trong những công cụ hữu hiệu trong việc phát hiện, ngăn chặn và chấn chỉnh những sai sót trong quá trình thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng, trong đó có nghiệp vụ tín dụng. Để tăng cường nhận thức của cán bộ công nhiên viên về tầm quan trọng của KSNB, Chi nhánh cần phải:

- Nâng cao ý thức về tuân thủ các quy định, quy trình tín dụng cá nhân, coi trọng tính chính trực và các giá trị đạo đức không chỉ của nhân viên mà cả các nhà quản lý cấp cao của hệ thống

- Phân định rõ trách nhiệm của cá nhân và bộ phận khi tham gia vào quy trình tín dụng cá nhân nhằm ngăn chặn và phát hiện kịp thời các sai phạm. Có chế tài xử phạt cần thiết áp dụng trong trường hợp cán bộ thường xuyên vi phạm lỗi nghiệp vụ: phê bình, khiển trách, hạ xếp loại thi đua, kéo dài thời gian được nâng lương…

- Tăng cường đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho những cán bộ làm công tác KSNB. Hoạt động đào tạo phải gắn liền với nghiệp vụ thực tế để nâng cao chất lượng trong công tác KSNB tại Chi nhánh

- Các phòng ban tại Chi nhánh cần nghiêm túc thực hiện báo cáo rủi ro tác nghiệp định kỳ

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Kiểm soát nội bộ hoạt động tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội (Trang 122 - 125)