2. Vấn đề đãi ngộ cho quân đội dưới triều Nguyễn đã được đề cập ở một số nội dung: định chế về thưởng phạt, cách tính và việc chi trả lương bổng cho
5.1.1. Sự khác nhau của chế độ đãi ngộ đối với quân đội qua hai giai đoạn trước và sau năm
và sau năm 1858
Chế độ đãi ngộ đối với quân đội dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1884 được ban hành dưới thời kỳ trị vì của các vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức chịu sự chi phối bởi bối lịch sử khác nhau. Từ năm 1802 đến năm 1858 là thời kỳ hòa bình, vương triều mới thành lập sau thời gian dài chia cắt đất nước. Từ năm 1858 đến năm 1884, sau thời gian củng cố và xây dựng vương triều, nhà Nguyễn phải đối mặt với cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Những thay đổi của hoàn cảnh đất nước, nhiệm vụ của quân đội đã tác động đến chính sách của triều Nguyễn đối với võ quan và binh lính ở từng giai đoạn.
5.1.1.1. Từ năm 1802 đến năm 1858
Chế độ đãi ngộ cho quân đội giai đoạn này được thực thi từ triều vua Gia Long đến 10 năm đầu dưới sự cai trị của vua Tự Đức. Ở thời kỳ đầu, dưới sự cầm quyền của vua Gia Long, vương triều được thành lập sau thắng lợi của các cuộc giao chiến lật đổ vương triều Tây Sơn lấy lại quyền cai trị cho dòng họ Nguyễn. Do đó, những chính sách về khao thưởng cho binh lính, đãi ngộ cho các công thần vào sinh ra tử cùng vua Gia Long được triều đình ưu tiên hàng đầu. Công thần được ban cấp bổng lộc, tiền, ruộng đất. Con cháu của họ cũng được hưởng chế độ đãi ngộ của triều đình.
Đồng thời, đây cũng là thời kỳ triều Nguyễn xác lập vai trò của dòng họ trên cả nước. Vì vậy, vua Gia Long đã ban hành những chế độ nhằm thống nhất sự quản lý của vương triều trên mọi lĩnh vực đặc biệt là về chính trị trong đó có lực lượng quân đội. Chế độ đãi ngộ bằng lương, bổng lộc cho võ quan và binh lính Bắc Thành sau đó thống nhất trên cả nước được ban hành.
Ngoài ra, đất nước được khôi phục sau thời gian binh đao, triều đình định đô ở vị trí mới, binh lính là lực lượng lớn triều đình sử dụng để khôi phục và xây dựng các công về thành quách, cung điện…Do vậy, triều đình đã ban thưởng và trợ cấp một số lượng tiền bạc lớn cho bộ phận binh lính tham gia xây dựng công trình này nhất là khi các công trình hoàn thành.
trong nước nên những chính sách về khen thưởng, trợ cấp cũng như chính sách đãi ngộ tuy đã được vua ban hành.
Sau thời gian khôi phục đất nước dưới triều vua Gia Long, chế độ phong kiến ổn định và phát triển dưới triều vua Minh Mệnh. Thời kỳ này quân đội được củng cố, tổ chức quân đội và số lượng tăng lên. Từ kết quả nghiên cứu về tổ chức, số lượng quân lính cho thấy thời Minh Mệnh quân đội có tổ chức hoàn thiện, số lượng quân đông nhất trong thời kỳ độc lập của vương triều Nguyễn đặc biệt là sự lớn mạnh của lực lương thủy binh. Đồng thời quân đội thời kỳ này được sai phái đi đánh dẹp các cuộc nổi dậy chống triều đình của các tầng lớp nhân dân cũng như chống lại sự xâm lược của quân Xiêm. Do vậy, thời kỳ này các chính sách đối với quân đội của triều đình thời gian này chú trọng đến tăng lương bổng, ban hành chế độ cho các đội quân mới lập và chi cấp một khối lượng lớn ngân khố để nuôi quân. Chế độ khen thưởng ưu hậu đối với võ quan và binh lính lập được nhiều công trạng trong đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa đặc biệt là các cuộc khởi nghĩa lớn được vua Minh Mệnh quan tâm thực hiện.
Dưới thời vua Thiệu Trị, chế độ đãi ngộ dành cho quân đội không có sự thay đổi đáng kể nhất là chế độ chi cấp thường xuyên như lương của võ quan và binh lính. Những năm đầu dưới triều vua Tự Đức mặc dù trước âm mưu xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây nhưng chính sách của vua Tự Đức thời kỳ này đối với quân đội vẫn duy trì như chế độ của các vua thời kỳ trước.
5.1.1.2. Từ năm 1858 đến năm 1884
Đây là giai đoạn có sự thay đổi quan trọng trong chế độ đãi ngộ của vua Tự Đức so với các triều vua trước, dưới tác động của thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Triều Nguyễn một mặt phải giữ vững nội trị chống lại các cuộc nổi dậy của các lực lượng chống đối vừa phải chống giặc ngoại xâm. Bên cạnh những chi cấp như giai đoạn trước, vấn đề lớn nhất lúc này là vua Tự Đức phải thực hiện chính sách lương bổng và trợ cấp phù hợp cho đội quân được sai phái đi các mặt trận chống lại quá trình xâm lược của thực dân Pháp. Với việc đổi chiến thuật từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “tằm ăn lá”, quân Pháp lần lượt tấn công Đại Nam ở các vị trí Đà Nẵng, Gia Định, các tỉnh Nam Kỳ, Bắc Kỳ và Huế. Triều đình phải phái các võ tướng (như Nguyễn Tri Phương) cùng số quân lớn tới các chiến trường một mặt xây dựng thành lũy và dồn bốt ở các vị trí xung yếu để ngăn sự tấn công của quân đội Pháp một mặt tổ chức kháng chiến. Nhiệm vụ này đòi hỏi triều đình không chỉ tiêu tốn một khoản ngân khố lớn để trợ cấp cho quân di chuyển mà còn phải trợ
cấp cho những tướng sĩ trận thương, trận vong sau mỗi trận đánh.
Ngoài ra, sau những Hiệp ước được ký kết năm 1862, 1874 của triều đình Huế với thực dân Pháp, triều Nguyễn không chỉ mất những quyền lợi về thương mại, buôn bán mà còn chịu những gánh nặng về bồi thường chiến phí. Đặc biệt là việc lần lượt để mất 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ sau đó là 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ cho Pháp đã ảnh hưởng lớn tới nguồn thu trong quốc khố của triều đình.
Trong bối cảnh chi phí lớn cho chiến tranh, nguồn tài chính ngày càng khó khăn, từ sau năm sau từ năm 1858 vua Tự Đức có một số điều chỉnh về chế độ đãi ngộ đối với quân đội trong đó một số chính sách được triều đình coi trọng hơn thời kỳ trước.
Chính sách đáng chú ý nhất là việc thay đổi định mức lương của quan lại cao cấp (bao gồm võ quan, văn quan và Hoàng tộc). Từ Ngũ phẩm trở xuống, định mức lương không có điều chỉnh đáng kể nhưng từ Tứ phẩm trở lên, định mức cả lương tiền và gạo điều điều chỉnh giảm xuống. Những chính sách này ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống vật chất của bộ phận võ quan cao cấp. Nhưng xét về cơ bản không tác động nhiều đến kết quả chống ngoại xâm của dân tộc. Bởi lẽ, bộ phận võ quan cao cấp từ Tứ phẩm trở lên chiếm số lượng không lớn trong tổ chức quân đội, bên cạnh đó bộ phận này còn được hưởng những quyền lợi khác như phụ cấp trợ cấp. Đối tượng nhiều nhất trong bộ phận võ quan, tham gia trực tiếp trong chiến tranh là bộ phận võ quan nhỏ từ ngũ phẩm trở xuống chế độ lương về cơ bản không thay đổi. Do vậy, việc điều chỉnh định mức lương của võ quan cao cấp từ Ngũ phẩm trở lên không tác động nhiều đến tinh thần binh sĩ trong kháng chiến chống Pháp.
Trong chính sách phụ cấp và trợ cấp cho quân đội, triều đình quan tâm đặc biệt tới võ quan và binh lính trực tiếp tham gia kháng chống ngoại xâm như phụ cấp đi đường khi di chuyển quân, đóng giữ ở chiến đấu ở chiến trường và thưởng công.
Khác biệt với giai đoạn trước năm 1858, trong chính sách ban thưởng của vua Tự Đức đối với võ quan và binh lính được ban thưởng ít hơn thời kỳ trước nhất so với triều vua Minh Mệnh. Đối tượng ban thưởng ở đây phần lớn là ban thưởng theo cá nhân và có công trạng đặc biệt.
Điểm đáng chú ý nhất trong chế độ đãi ngộ đối với quân đội của triều Nguyễn thời kỳ này là chế độ trợ cấp của nhà nước đối với võ quan và binh lính gặp nạn khi tham gia chiến trận. Trợ cấp đối với võ quan trận thương trận vong và thân nhân của họ là chính sách được triều Nguyễn chú trọng thời kỳ này. Chế độ trợ cấp của triều Nguyễn có sự phân biệt giữa võ quan thua trận võ quan gắng sức lập công bị thương, trận vong. Trong đó những người lập được công trạng được nhận chế độ đãi ngộ đặc biệt.
Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy chống lại vương triều. Chính vì vậy, triều Nguyễn vẫn phải thực hiện trợ cấp cho binh lính đi đánh dẹp và ban thưởng cho võ quan và binh lính có công như các triều vua trước.
Bên cạnh đó, thời kỳ này vua Tự Đức vẫn phải duy trì chế độ lương, phụ cấp và trợ cấp đối với quân lính như trước kia. Những chính sách về ruộng đất đối với binh lính, lương, khen thưởng đối với võ quan cấp thấp từ Ngũ phẩm trở xuống vẫn được duy trì.
Do vậy, chế độ đãi ngộ đối với quân đội trong 26 năm còn lại (từ 1858 đến 1884) của thời kỳ độc lập dưới sự cai trị của vua Tự Đức vừa có những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của đất nước đồng thời vẫn duy trì những chính sách đãi ngộ của thời kỳ trước nhằm thực hiện song song hai mục tiêu: ổn định trật tự trong nước và chống ngoại xâm.