2. Vấn đề đãi ngộ cho quân đội dưới triều Nguyễn đã được đề cập ở một số nội dung: định chế về thưởng phạt, cách tính và việc chi trả lương bổng cho
3.1.1. Chế độ đãi ngộ bằng lương đối với võ quan đương chức
Võ quan là bộ phận chỉ huy quân đội. Đây là bộ phận trực tiếp thực hiện ý chí của vua và triều đình trong chính sách đối nội và đối ngoại. Ðối với võ quan, lương là nguồn thu nhập chính. Chế độ tiền lương sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống vật chất và tinh thần của họ.
Dưới triều Nguyễn, định mức lương của võ quan cao thấp nằm trong định mức chung của quan viên, dựa trên phẩm hàm. Trong quan chế triều Nguyễn, quan lại được phân chia quan lại thành 9 bậc, cao nhất là Nhất phẩm, thấp nhất là Cửu phẩm, mỗi phẩm lại chia thành 2 trật là Chánh và Tòng, tổng cộng thành 18 trật. Lương của quan lại nói chung, võ quan nói riêng gồm tiền (tính bằng quan) và gạo (tính bằng phương) được nhà nước chi trả theo năm. Ngoài ra, họ còn được nhận lương điền tính bằng mẫu (ruộng) và phụ cấp áo quần gọi là xuân phục.
- Lương tiền, gạo
Dưới triều Nguyễn, chế độ ban cấp lương bằng tiền và gạo cho quan võ được ban hành đầu tiên dưới thời Gia Long. Quy chế này được các vua từ Minh Mệnh đến Thiệu Trị và Tự Đức tùy theo thực tế sinh hoạt và tình trạng tài chính của đất nước mà có sự điều chỉnh về định mức cho phù hợp.
Thời vua Gia Long (1802- 1820) với quan niệm: đặt quan để làm việc, tất phải có lương bổng để nuôi, rồi sau mới bắt phải thanh liêm được, ngay sau khi lên ngôi, năm Gia Long năm thứ 2 (1803), triều đình đã ban hành chính sách lương lương bổng cho quan và quân ở Bắc thành (những vùng đất khác không thấy tài liệu ghi lại). Do vậy, có thể hiểu rằng, ngoài Bắc Thành võ quan được hưởng lương bổng theo quy định mới, những vùng còn lại võ quan vẫn hưởng chế độ của triều đại trước. Chế độ lương của võ quan Bắc Thành được quy định như sau: võ quan
thuộc “Binh bộ lương tháng mỗi người đều tiền 30 quan, gạo 20 phương; Trấn thủ, Hiệp trấn các trấn, mỗi tháng tiền 10 quan, gạo 10 phương [89; 576]. Bên cạnh đó, triều đình quy định: từ Thống chế trở xuống đến dựa theo chức vụ và năm nhận chức, triều Nguyễn chia võ quan thành 5 hạng dựa theo thời gian tham gia quân ngũ.
Theo định lệ này, lương của võ quan Bắc Thành có sự chênh lệnh lớn giữa các hạng và quan phẩm hàm cao thấp. Mức lương tính theo năm cao nhất là Đô thống chế các quân và thấp nhất là Cai đội (cụ thể xem phụ lục 1.a).
Đến tháng 5, năm Gia Long thứ 10 (1811), chế độ lương bổng cho võ quan ngạch Thủy quân được ban hành. Trong đó võ quan của Thủy quân được hưởng lương như võ quan của quân Thần sách [89; 816].
Sau thời gian ổn định và phát triển vương triều, đến năm Gia Long thứ 17 (1818), nhận thấy“nay thiên hạ đã yên, phải nên chế định bổng lộc cho có định tắc” [89; 963], vua Gia Long đã thống nhất chế độ lương bổng cho cả võ quan và văn quan trên cả nước. Theo đó, chế độ lương bổng của quan viên (trong đó có võ quan) được chi trả bằng tiền và bạc đĩnh với định mức tính theo năm tùy theo phẩm trật trong đó phẩm hàm thấp gồm bát và cửu phẩm xếp chung một định mức, không phân biệt Chánh- Tòng. Do đó, có tổng cộng 15 mức, cao nhất là Chánh nhất phẩm, thấp nhất là Chánh Tòng cửu phẩm. Cách chia này được các đời vua sau duy trì.
Theo định mức lương ban hành cho võ quan năm Gia Long thứ 17 (1818), lương tiền gạo thời Gia Long có sự chênh lệnh quá lớn giữa các phẩm trật. Chẳng hạn, cùng là nhất phẩm nhưng khác phẩm hàm định mức lương có sự chênh lệch đáng kể: Chánh nhất phẩm có định mức lương gần gấp đôi lương của Tòng nhất phẩm. Sự khác biệt này còn rõ hơn khi so sánh mức lương của võ quan có phẩm trật cao với võ quan quan có phẩm trật thấp. Trong đó quan Chánh nhất phẩm có định mức lương cao gấp 37,5 lần lương của Chánh Tòng cửu phẩm. Những hạn chế này ít nhiều được khắc phục trong chế độ lương của quan lại dưới triều vua Minh Mệnh.
Thời vua Minh Mệnh (1820- 1841): Năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), cùng với việc củng cố và hoàn thiện bộ máy hành chính của đất nước, nhận thấy chế độ lương bổng thời Gia Long còn nhiều hạn chế, vua Minh Mệnh cho rằng có sự chênh lệch quá lớn giữa các phẩm bậc đặc biệt là định mức lương của quan văn- võ từ Tứ phẩm trở xuống quá thấp:“người phẩm cao thì lương quá nhiều, người phẩm thấp thì lương quá ít. Từ chánh nhất phẩm đến chánh nhị phẩm, chi tiêu cũng đã được
dư dụ, duy từ chánh ngũ đến tòng cửu thì xem ra có phần không đủ. Nếu bớt của kẻ có thừa thêm cho kẻ thiếu thốn, thì số bị bớt ít mà số được thêm nhiều. Xin sai bộ Hộ châm chước liệu giảm bớt lương của những chức cao thêm cho những chức thấp, để tỏ sự công bằng vừa phải” [93; 610]. Qua lời bàn trên có thể thấy vua Minh Mệnh nhận thấy việc chỉnh định mức lương của quan văn-võ có phẩm hàm cao là cần thiết nhưng cũng phải hợp lý để vừa khuyến khích những võ quan phẩm hàm cao nhưng cũng vừa đảm bảo được đời sống cho võ quan có phẩm hàm thấp dựa trên thực tế sinh hoạt của xã hội. Từ những tiêu chí đó, vua Minh Mệnh ban hành định lệ mới về chi cấp lương. Theo định lệ này “số tiền gạo lương hằng năm của từ Chánh nhất phẩm đến Chánh nhị phẩm thì liệu lượng giảm bớt đi. Từ Tòng nhị phẩm trở xuống, số tiền theo thứ bậc tăng lên còn số gạo đã đủ ăn dùng hà tất phải cho hậu quá. Vậy số gạo của tòng nhị phẩm hơi giảm đi, còn ngoài ra số gạo các phẩm trật khác vẫn để như cũ” [93; 610].
So với mức lương của quan lại năm 1818 dưới triều vua Gia Long thì định mức lương của đại quan (trong đó có võ quan) - quan có phẩm trật cao từ Tòng nhị phẩm trở lên có sự điều chỉnh giảm xuống đáng kể, nhất là Chánh nhất phẩm, định mức tiền gạo giảm tới gần 1 nửa. Các phẩm trật từ Chánh Tam phẩm trở xuống định mức lương hầu như đều tăng lên theo mức độ tịnh tiến dựa trên phẩm hàm cao thấp. Tuy nhiên, mức tăng của bộ phận võ quan nhỏ không có sự khác biệt đáng kể. Mặc dù vậy, chính sách lương cho quan lại dưới thời Minh Mệnh đã rút ngắn sự chênh lệch quyền lợi lớn giữa quan lại lớn nhỏ.
Thời vua Thiệu Trị (1841- 1847): Trong 7 năm cầm quyền, chế độ lương của võ quan vẫn thực hiện theo định mức lương được ban hành năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), không có sự điều chỉnh.
Thời vua Tự Đức (1847-1883): Năm Tự Đức thứ 14 (1861), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào năm thứ 3, thực dân Pháp đang mở rộng đánh chiếm các tỉnh Nam Kỳ, vua nhận thấy“việc quân nhu rất khẩn. Đình thần xin tiền lương hằng năm của các quan văn võ từ tòng tam phẩm trở lên, liệu lượng rút bớt đi, để giúp quân nhu. Hoàng thân cùng nội đình cũng đều dâng sớ xin rút bớt lương. Vua nghe theo. Đều chuẩn cho bộ châm chước bàn định, bắt đầu bớt lương từ tháng ấy, đợi việc đánh giặc xong lại cấp lương như cũ” [95; 717]. Do đó, định lượng tiền gạo lương của võ quan nói riêng, quan lại nói chung được điều chỉnh giảm đi so với định mức lương được ban hành năm 1839.
Định mức lương của quan lại nói chung (võ quan nói riêng) ban hành dưới triều Gia Long, Minh Mệnh và Tự Đức cụ thể như sau:
Bảng 3.1. Định mức lương tiền, gạo của võ quan triều Gia Long, Minh Mệnh, Tự Đức
ST
T Phẩm trật
Lương
Tiền (đơn vị: quan) Gạo (đơn vị:phương)
Gia Long Minh Mệnh Tự Đức Gia Long Minh Mệnh Tự Đức 1 Chánh nhất phẩm 600 400 340 600 300 250 2 Tòng nhất phẩm 360 300 250 300 250 210 3 Chánh nhị phẩm 300 250 210 360 200 170 4 Tòng nhị phẩm 156 180 150 156 150 130 5 Chánh tam phẩm 120 150 130 120 120 105 6 Tòng tam phẩm 90 120 105 90 90 80 7 Chánh tứ phẩm 60 60 60 80 60 60 8 Tòng tứ phẩm 50 60 60 50 50 50 9 Chánh ngũ phẩm 35 40 40 31 35 35 10 Tòng ngũ phẩm 30 35 35 30 30 30 11 Chánh lục phẩm 25 30 30 25 25 25 12 Tòng lục phẩm 22 22 22 25 22 22 13 Chánh, tòng thất phẩm 20 22 22 20 20 20 14 Chánh và tòng bát phẩm 18 20 20 18 18 18 15 Chánh, tòng cửu phẩm 16 18 18 16 18 18 [Nguồn 89; 963, 93; 610, 95; 717-718]
So sánh định mức lương của các phẩm trật qua các triều vua, rõ ràng lương của võ quan lớn phẩm trật từ Tòng tam phẩm trở lên liên tục điều chỉnh giảm xuống, nhiều nhất là Chánh nhất phẩm chỉ còn bằng gần hơn 1/3 so với thời Gia Long và bằng hơn một nửa so với thời Minh Mệnh.
Bộ phận quan nhỏ, từ Tứ phẩm trở xuống định mức lương dưới thời Minh Mệnh được duy trì. Lần điều chỉnh này dựa trên thực lực của nguồn tài chính đất nước và trong giai đoạn nhà Nguyễn tập trung sức lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Như lời chỉ dụ của vua Tự Đức thì đây chỉ là giải pháp tạm thời đất nước có chiến tranh và tập trung tiền để mua súng đạn. Điều này phản ánh thực trạng nền kinh tế xã hội đương thời gặp nhiều khó khăn khi triều đình phải chi phí rất nhiều cho các hoạt động quân sự cũng như trợ cấp cho binh lính thương vong trong chiến tranh.
Tuy nhiên, đối với với võ quan từ Tòng Tam phẩm trở lên, nhất là trong hàng ngũ võ quan số lượng không lớn nên mục đích của lần điều chỉnh này không thực sự
phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, bộ phận võ quan từ Tứ phẩm trở xuống là bộ phận đông đảo, trực tiếp tham gia chiến đấu vẫn giữ định mức lương như cũ. Do đó, việc điều chỉnh này không ảnh hưởng nhiều đến đời vật chất của các võ quan cấp thấp đồng thời cũng không có ý nghĩa động viên tinh thần đối với võ quan trực tiếp tham gia chiến trận trong bối cảnh đất nước có chiến tranh. Sự biến động của định mức lương võ quan từ 1802 đến 1884 được biểu hiện qua sơ đồ sau:
Biểu đồ 3.1. Sự biến động của định mức lương tiền võ quan qua các triều vua Gia Long, Minh Mệnh và Tự Đức
Việc lĩnh lương của quan viên nói chung, võ quan nói riêng được một số vua triều Nguyễn quy định cụ thể về thời gian và cơ quan chịu trách nhiệm cấp phát lương. Võ quan ở Kinh đến lĩnh lương ở bộ Hộ, ngoài Kinh thì do người coi xét sở ty chịu trách nhiệm cấp phát theo phẩm hàm, quy định này được đặt ra vào năm Gia Long thứ 11 (1812). Đối với những trường hợp võ quan thăng hoặc giáng chức, năm Minh Mệnh thứ 9 (1828) nhà nước quy định: Việc cấp lương và tiền xuân phục dựa trên ngày trong chiếu cho thăng chức, không dựa vào ngày chiếu văn phát đến nơi. Nếu việc thăng hoặc giáng chức trùng với ngày phát lương từ mùng 1 đến ngày 20 của tháng phát lương thì được lĩnh hoặc trừ lương trong tháng đó, việc thăng hoặc giáng từ sau ngày 20 của tháng phát lương thì việc tăng hoặc giảm lương sẽ được thực hiện vào kì lĩnh lương sau.
Đối với quan xin lĩnh lương bổng trước, dưới triều vua Thiệu Trị quy định
“Các nhân viên được chi lương bổng tại kinh vào cuối năm, nếu như người nào muốn lĩnh trước tiền gạo năm sau, thì cho làm đơn lĩnh vào thượng tuần tháng 12” [34; tờ 75 quyển 22 ngày 3 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842)].
Về thời gian lĩnh lương, Gia Long năm thứ 9 (1810), nhà vua quy định trả lương cho quan viên 1 tháng 1 lần [89; 795], năm Gia Long 11 (1812) đổi định: “cấp phát lương bổng tại Kinh và tại ngoại từ nhất phẩm đến tam phẩm hàng năm phát 2 kỳ; từ tứ phẩm đến thất phẩm phát theo bốn quý; từ bát, cửu phẩm đến quân số có dự bổng lương mỗi tháng phát 1 lần” [4; tờ 99, tập 2 ngày 17 tháng 11 năm Gia Long thứ 11 (1812)]. Cụ thể: “Võ quan từ Nhất phẩm đến Tam phẩm một năm lĩnh lương 2 đợt (6 tháng lĩnh một lần) lĩnh vào tháng giêng và tháng 7; Tứ phẩm đến Thất phẩm lĩnh lương lĩnh lương làm 4 lần (3 tháng 1 lần) lấy các tháng đầu quý làm (tháng giêng, tháng 4, tháng 7, tháng 10) làm tháng lĩnh lương. Cửu phẩm được lĩnh bổng thì được lĩnh mỗi tháng một lần. Ngày lĩnh lương, từ mùng 1 đến
ngày 20 của tháng phát lương” [4; tờ 99, tập 2 ngày 17 tháng 11 năm Gia Long thứ 11 (1812)]
Năm Minh Mệnh thứ 5 (1824), triều Nguyễn đổi quy định thời gian phát lương thành 3 tháng 1 lần.
Năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), triều đình ban hành quy định những quan viên đến kỳ lĩnh lương làm 2 bản đơn (1 bản nộp cho nhà nước, 1 bản quan giữ), trong đơn ghi thời gian và có xác thực của người cai quản rồi nộp cho viên Lại điển. Sau khi đơn được đóng dấu triện và xác thực của Lại điển, người thủ kho theo đơn để phát tiền gạo cho quan theo định mức được nhận. Tuy nhiên, việc bắt buộc có ấn triện trên đơn lĩnh lương bổng chỉ áp dụng đối với quan lại cấp thấp. Việc này được phản ánh trong lời tấu của bộ binh: “việc chi phát tiền lương có liên quan tới tài sản quốc gia. Nếu như các đơn lĩnh lương của quan viên văn võ ở kinh từ Tứ phẩm trở lên cho tới các nha môn, các quân doanh, các vệ đội đều được cấp ấn triện quan phòng. Trong đó có thể không có ấn triện nhưng phẩm trật cao cũng đủ làm tin còn quản gia và Ti vụ trở xuống đều là nhân viên nhỏ mà tiền gạo lĩnh trong đơn tới hàng ngàn lại không có dấu làm bằng, về lý là rất quan ngại.” [35; tờ 75 quyển 22 ngày 3 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842)].
Triều Nguyễn cũng quy định rõ ràng từng loại tiền mà các quan viên (trong đó có võ quan) được lĩnh, quan được nhận tiền bằng đồng với kích cỡ to nhỏ, số lượng khác nhau tùy theo phẩm trật: “Quan Chánh tòng nhất phẩm đồng tiền to nhỏ mỗi thứ 3 quan; Chánh tòng nhị phẩm đòng tiền to 2 quan, đồng tiền nhỏ 3 quan” [15; tờ 70 tập 78 ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh 21 (1842)]. Tuy nhiên, những quy định này chỉ thực hiện đối với quan và võ quan thời bình. Khi có chiến tranh, triều đình có những thay đổi phù hợp như lời tâu của bộ Hộ:“Lệ trước, phàm các quan văn võ được bổ ra ngoài, hoặc phái đi trú phòng, về tiền và gạo theo lệ lương bổng được chi đến kỳ cứ để cho lĩnh ở địa phương sở tại. Lúc thường, vô sự, như thế thực là phải; nhưng lúc có việc quân, chuyển vận lương thực rất khó. Vậy, phải nên có một phen châm chước bàn lại để làm thế nào cho thích đáng” [15; tờ 70 tập 78 ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh 21(1842)].
- Lương điền
Ngoài được cấp lương bằng tiền và gạo, võ quan còn được cấp công điền công thổ theo lệ quân điền dựa theo phẩm trật nằm trong chế độ chung của quan lại dưới triều Nguyễn. Chế độ này được triều Nguyễn ban hành lần đầu vào năm Gia Long thứ 3 (1804). Theo định lệ này, lương điền của quan viên văn võ được chia
thành 16 mức, trong đó, từ hàm Thất phẩm trở xuống Chánh - Tòng cùng một định mức. Mức nhận nhiều nhất của của võ quan là 18 phần, thấp nhất là Chánh tòng cửu phẩm được 8 phần. Cụ thể như sau:
Biểu đồ 3.2. Định mức lương điền của võ quan ban hành năm Gia Long thứ 3 (1804) [Nguồn:89; 559]
So với chế độ lương ban cấp bằng tiền và gạo, chính sách ban cấp ruộng đất của triều Nguyễn đối với quan không có sự chênh lệch lớn giữa các phẩm hàm. Võ quan được hưởng chế độ ruộng đất này kéo dài trong 36 năm, đến năm 1840, vua Minh Mệnh tiến hành một số điều chỉnh về chế độ quân điền. Nhận thấy quan lại đã được hưởng nhiều lương và bổng lộc, nếu lấy phẩm trật để chia ruộng là không công bằng do vậy, vua Minh Mệnh quy định “bao nhiêu điền thổ, cứ quan lại, binh thợ cùng các hạng dân thực nạp, biệt nạp, không cứ phẩm trật hơn kém, mỗi người